26/10/2023 06:59 GMT+7 | Văn hoá
Công chúng yêu nhạc truyền thống vừa phải đón nhận một tin buồn: Nhạc sĩ Thao Giang, tác giả của tác phẩm kinh điển Kể chuyện ngày mùa, đã ra đi. Ông là nghệ sĩ đàn nhị nổi tiếng một thời, là tác giả lớn của các tác phẩm độc tấu nhạc cụ dân tộc cho cây đàn nhị, tỳ bà, đàn bầu… Chưa hết, ông cũng là một tên tuổi của nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam thế kỷ 20, là người có công hồi sinh nghệ thuật hát xẩm.
"Chàooo nhạc sĩ Quang Long", giọng nói âm trung vang đầy cảm xúc, tiếng "chào" kéo dài sau đó mới liền 4 chữ tiếp theo. Cùng với đó là cái bắt tay lắc lắc lên xuống liên tục, mặt hơi ngẩng lên trời, miệng cười pha mếu, ánh mắt rưng rưng đầy xúc động. Thật kỳ lạ chưa! Ngay khi biết tin thầy đã rời cõi tạm, tôi không bật khóc mà lại mỉm cười. Thứ hiện ra đầu tiên trong tâm trí tôi là giọng nói, là hình ảnh thân quen và yêu thương đó. Mà nó không phải một lần. Nó diễn ra hàng ngày, liên tục cả chừng chục năm kể từ 2004 - thời điểm mối nhân duyên khiến tôi được gặp và sát cánh bên thầy.
Nhân duyên
Vốn là dân Kinh Bắc, trước khi gặp thầy tôi đã yêu âm nhạc dân gian, sống trong lòng những làn điệu dân ca quan họ, bên những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ quan họ nổi tiếng xứ Kinh Bắc thuộc thế hệ cha chú. Nhưng tôi chưa chú ý đến hát xẩm, cũng không bao giờ nghĩ ngã rẽ của mình sẽ bắt đầu từ đây. Bởi thời điểm ấy, dù là biên tập trẻ nhưng con đường công danh quan lộ khá rộng mở với tôi. Tôi được hai nhạc sĩ Tạ Tuấn, Lương Dũng và chú Hoàng Thái Dũng trong Ban giám đốc Nhà xuất bản Âm nhạc - Dihavina khi ấy tạo mọi điều kiện. Chỉ chừng hai ba năm công tác, tôi đã được cất nhắc lên vị trí phụ trách Ban biên tập Băng đĩa.
Cũng nghĩ cuộc đời mình sẽ gắn với con đường quan lộ. Không ngờ, khi gặp nhạc sĩ Thao Giang, hình như ông chạm được vào góc khuất còn ẩn trong con người tôi. Và rồi, tôi gần như nghỉ lưng chừng mọi thứ để theo đổi nghiệp hồi sinh giá trị cổ truyền và thổi luồng gió mới cho hát xẩm. Không có thầy Thao Giang, không có tôi ngày hôm nay, không có những bài xẩm Tiễu trừ cướp biển, Xẩm Trà đá, Bốn mùa hoa Hà Nội, Tứ vị Hà Thành, Trách ông Nguyệt lão… Và rồi cả những bài xẩm kết hợp nhạc điện tử viết dành cho ca sĩ trẻ Hà Myo như Xẩm Hà Nội, Xẩm Xuân xanh…
Chặng đường "hồi sinh" hát xẩm
Với cái tên Thao Giang, không phải nói nhiều, ông là một biểu tượng của nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc chuyên nghiệp. Ông là tác giả của Kể chuyện ngày mùa - tác phẩm đầu tiên đưa nghệ thuật đàn nhị dân tộc lên đỉnh cao, có thể sánh ngang với những cây violon phương Tây trong kỹ thuật diễn tấu.
Ông là tác giả của nhiều tác phẩm độc tấu cho đàn nhị và các nhạc cụ truyền thống. Tác phẩm của ông đều được sử dụng trong giáo trình giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các trường âm nhạc chuyên nghiệp trên toàn quốc. Đồng thời, những tác phẩm ấy cũng thường xuyên vang lên trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhạc sĩ Thao Giang thuộc lứa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi đó, ông trực tiếp theo học cụ Vũ Tuấn Đức, một nhạc công kỳ cựu của Cung đình Huế, người được Bộ Văn hóa và Trường mời tới tham gia đặt những viên gạch đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp trung cấp năm 1967, nhạc sĩ Thao Giang được giữ lại trường làm giảng viên. Cùng với Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải, Hồ Khắc Chí (đàn bầu), nhạc sĩ Thao Giang là người xây dựng nên khoa Âm nhạc truyền thống của Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 1979, ông được đặc cách tốt nghiệp đại học. Ông được cử đi tu nghiệp 5 năm tại địa bàn Ấn Độ. Việc chọn địa bàn này là do Bộ trưởng Bộ Văn hóa lúc bấy giờ là cụ Nguyễn Văn Hiếu tham vấn trực tiếp với học giả Trần Văn Khê, một người bạn học cũ lúc bấy giờ đã nổi tiếng ở Pháp.
Trở về, nhạc sĩ công tác tại Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, sau đó về Viện Âm nhạc. Từ đây, nhạc sĩ hướng sự nghiệp âm nhạc của mình đến việc phục hồi các giá trị âm nhạc cổ truyền. Nhạc sĩ Thao Giang chính là người phát hiện ra Mai Tuyết Hoa và khuyến khích cô theo nghiệp hát xẩm. Đồng thời, ông là người có sức ảnh hưởng lan tỏa, đủ tài năng và cái tâm để thu hút các nghệ sĩ tài danh của làng âm nhạc, nghệ thuật truyền thống như GS Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Ngoan, NSND Đoàn Thanh Bình, NSND Thúy Ngần, nghệ sĩ Tự Cường… để cùng nhau hồi sinh nghệ thuật hát xẩm cho Hà Nội và cả nước. Khi ấy tôi và Mai Tuyết Hoa cùng Khương Cường là 3 người trẻ nhất may mắn được đồng hành cùng các bậc tiền bối trong việc làm thiện nguyện nhưng đầy ý nghĩa này.
Nói về hát xẩm thì không thể kể hết những kỷ niệm gắn với Thao Giang, nhưng tất cả đều theo lộ trình. Đầu tiên, sau cuộc gặp năm 2004, được nhạc sĩ gieo duyên, tôi quyết định đồng hành cùng ông. Khi ấy nhạc sĩ và tôi đã thuyết phục được Ban giám đốc Nhà xuất bản Âm nhạc thực hiện album CD Xẩm Hà Nội, cùng với đó, 7 điệu/bài xẩm được hồi sinh. Tiếp theo, cùng với NSND Thanh Ngoan, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, mấy thầy trò tìm mọi mối quan hệ, mọi khả năng có thể vận động thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Hành trình này cũng phải kéo dài gần một năm với quyết tâm để xẩm được "công chính danh thuận".
Sau đó, xẩm đã sống lại trên băng đĩa, nhưng cần sống trong đời sống. Vậy là mấy thầy trò lại có một cuộc vận động cho ra bằng được sân khấu âm nhạc dân gian Hà Nội 36 phố phường tại phố chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân. Lúc đó là năm 2006 và hiện nay sân khấu này vẫn tồn tại. Rồi đưa xẩm lên sân khấu thánh đường Nhà hát lớn Hà Nội (2008), khôi phục Lễ giỗ tổ nghề Hát xẩm (2008), mang xẩm đi khắp mọi miền đất nước và sang cả các nước láng giềng châu Á, tới châu Âu, châu Mỹ…
"Không có thầy Thao Giang, không có tôi ngày hôm nay, không có những bài xẩm Tiễu trừ cướp biển, Xẩm Trà đá, Bốn mùa hoa Hà Nội, Tứ vị Hà Thành, Trách ông Nguyệt lão…" - nhà phê bình, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.
Người bạn - người thầy
Nhạc sĩ Thao Giang trong tôi là một người thầy đáng nể trọng. Tôi là người thích gợi chuyện, thích làm khó câu chuyện với thầy - không phải để thầy bí, mà để thầy gợi mở cho tôi những kiến thức về âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong mối tương quan với âm nhạc Ấn Độ và Trung Quốc, từ đó nhận biết đâu là mối tương đồng mang tính lịch sử và địa lý, đâu là sự khác biệt mang yếu tố bản ngã của dân tộc.
Trong mắt tôi, thầy Thao Giang là người hiểu sâu, hiểu rộng có góc nhìn rất riêng, có cách giải mã rất thú vị và dễ hiểu. Tôi đã từng nói với thầy nguyện ước của mình: Bằng chút khả năng viết lách của chuyên ngành nghiên cứu lý luận âm nhạc, tôi muốn vạch ra một kế hoạch với các chủ đề và các đề tài trong mỗi chủ đề. Từ đó hai thầy trò cứ rả rích nói chuyện để tôi chấp bút thành những cuốn sách cho thầy. Không phải hoàn toàn vì thầy, mà vì nghệ thuật âm nhạc dân tộc nước nhà. Tiếc là thầy trò sau đó ít gặp nhau hơn, và rồi dự án bỏ ngỏ mãi mãi.
Ngoài đời, thầy Thao Giang với tôi còn như người chú trong gia đình, người bạn tâm giao. Trong khoảng 10 năm gắn bó bên thầy, có điều gì tôi cũng chia sẻ. Ngay cả ngôi nhà đầu tiên của tôi mua được ở Hà Nội vào khoảng năm 2008, thầy cũng là người cùng bạn bè tôi đi xem và góp ý để tôi ra quyết định. Bây giờ, tôi cũng có những lựa chọn nơi ở khác nữa, nhưng vẫn gắn bó, vẫn giữ nếp nhà ấy như một kỷ niệm với bố tôi và với thầy.
Thầy Thao Giang ở ngoài đời cũng giống như nhiều nghệ sĩ khác. Tôi cảm giác ông như bị lạc lõng giữa thời cuộc. Có thể do ánh mắt, nụ cười luôn ánh lên nỗi buồn của ông - ngay kể cả những lúc vui cười - khiến tôi suy nghĩ liên miên. Chứ thực tế, ông có một gia đình hạnh phúc bên người vợ xinh đẹp đảm đang, giỏi làm kinh tế, một cô con gái lớn là nghệ sĩ đàn dây hoạt động tại Việt Nam và người con trai thứ sinh sống và làm việc tại Mỹ từ nhiều năm nay.
Thao Giang ở trong cuộc sống khá hồn nhiên. Những ngày mới quen, chưa hiểu tính ông, lắm lúc có ai đó mời đi dự một cuộc gì đó, ông luôn muốn chúng tôi đi cùng. Cách ông nói khiến chúng tôi cứ nghĩ ông và cả chúng tôi là những nhân vật quan trọng, và cứ thế, hồn nhiên đến cùng thầy. Thời điểm ấy nghĩ lại cũng hơi ngại ngại, nhưng thấy nó đáng yêu quá.
Hành trình trong một cuộc đời ví như một chuyến đi đã khép lại, để ông chuyển sang một hành trình khác, một thế giới khác. Ông sẽ bay lên nơi cao, hội tụ với tổ tiên, với tổ nghề đàn hát dân gian, tổ nghề hát xẩm, với các thầy cô, bạn nghề, và từ đó dõi theo mỗi bước của thế hệ đi sau tiếp bước. Những đóng góp của ông cả trong lĩnh vực giảng dạy, sáng tác, nghiên cứu thực tiễn sẽ được ghi nhớ và mãi hiện hữu trên cuộc đời này.
Nhạc sĩ Thao Giang tên thật là Nguyễn Văn Vĩnh, sinh ngày 22/7/1948 tại Thanh Oai (Hà Nội), mất ngày 24/10/2023 tại Hà Nội. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2023 với hai tác phẩm Kể chuyện ngày mùa và Tình quê hương.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất