11/07/2022 07:48 GMT+7 | Văn hoá
Nhà báo Nguyễn Trung Đông (sinh năm 1945) là tác giả kịch bản sân khấu Dòng suối trắng, Đồng tiền Vạn Lịch, tiểu thuyết Gió ấm… đã từ trần hồi 20h39 phút ngày 5/7/2022, hưởng thọ 78 tuổi.
Những ngày bố ốm nặng, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - tác giả “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” - đã đọc lại những cuốn sách của ông để chia sẻ cùng ông những kỷ niệm về các nhân vật cùng những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán...
Vở diễn với hơn ngàn đêm diễn
Vốn sống thực tế phong phú ở nhiều vùng miền, những trải nghiệm chiến tranh ác liệt, đối diện với cái chết trong gang tấc, cảm nhận nỗi đau mất mát đến quặn lòng của nhân dân và bạn bè đồng nghiệp,… đã giúp Trung Đông trở thành cây viết xuất sắc những năm 1970 - 1980. Tình cảm ấp ủ và mong muốn nung nấu sáng tạo nên những tác phẩm sân khấu phác họa lại chân dung dân tộc cũng xuất phát từ sự lăn lộn, ghi chép này.
Các tổng biên tập báo Nhân dân hồi đó như Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng, Thép Mới… đều ủng hộ Trung Đông khi ông vừa viết báo, vừa sáng tác các kịch bản sân khấu. Và ông đã rất thành công trong vai trò kép này.
“Tuổi thơ của ba chị em mình gắn bó với những buổi tối đến nhà hát xem bố và đạo diễn dựng vở. Đó là cả một thế giới lung linh, đặc biệt với ánh đèn sân khấu, các khung cảnh trang trí thay đổi sau mỗi màn diễn, giọng các diễn viên hội thoại các câu văn, hát các làn điệu cải lương và chèo do bố mình viết, thật xúc động” - nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy nghẹn ngào.
Chị kể thêm: “Khi đó mình còn bé, chưa hiểu hết ý nghĩa, nhưng chỉ biết rằng những làn điệu đó thật ngọt ngào, mượt mà và ấm áp. Hàng tràng vỗ tay vang lên không ngớt khi những ca từ và làn điệu hay ngân vang”.
Vở cải lương Dòng suối trắng kể về mối tình oan nghiệt của một đôi trai gái người Mông trong bối cảnh cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 do Đoàn cải lương Kim Phụng dàn dựng, NSND Ngọc Dư đạo diễn, đoạt giải Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980.
Nghệ sĩ Bích Hạnh của nhà hát Kim Phụng lúc đó là giọng hát được mến mộ, đã vào vai nàng A Hoa đau khổ, vì có người yêu là A Sùng, làm gián điệp cho địch. Nàng đau khổ, khóc và độc thoại bên dòng suối, trước khi quyết định bắn chết người yêu: “Suối ơi suối, hãy nói thật lòng mình đi, dù đó là điều đắng cay nhất”.
Vở diễn này vào thời điểm đó gây tiếng vang trong làng sân khấu, khi được nhiều đoàn cải lương trong nước dựng lại. Với hơn một ngàn đêm diễn, mỗi đêm diễn tại rạp có từ 500 đến 600 khán giả, còn các đêm lưu diễn ngoài trời ở các sân bóng thì lên đến hàng ngàn người.
“Bố mình từng kể lại kỷ niệm khi đi cùng đoàn phóng viên viết bài ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Tình cờ đi qua sân vận động thấy treo biển quảng cáo vở Dòng suối trắng, ông đã vào xem. Hôm đó thật đặc biệt, khi nhân vật A Hoa diễn đến đoạn cao trào đau khổ và ngửa mặt lên trời than “Trời ơi! Trời có thấu được nỗi đau này chăng?” thì trời nổi sấm chớp ầm ầm, giông tố nổi lên. Bố rất tâm đắc, vì thiên nhiên như hòa vào vở diễn. Trời mưa to như trút, nhưng không mấy khán giả bỏ về, họ ngồi lại xem đến khi vở diễn kết thúc. Sau khi mọi người ra về là cảnh tượng nước mưa ngập sân vận động, có hàng trăm dép tông nổi bồng bềnh” - Thu Thủy kể.
Những kỷ niệm ấn tượng đó chính là phần thưởng vô giá đối với tác giả kịch bản sân khấu Nguyễn Trung Đông. Còn các bài báo khi đó đánh giá vở diễn mang nội dung rất thời sự, mà kịch bản giàu chất văn học, thấm đượm tinh thần lãng mạn.
Hầu như năm nào cũng có kịch bản mới
Thập niên 1980, hầu như năm nào Trung Đông cũng viết kịch bản sân khấu mới. Ông viết hăng say và đam mê với cảm xúc tuôn trào. Khi đó sân khấu và điện ảnh là món ăn tinh thần chính của xã hội. Mỗi tối, các gia đình nườm nượp kéo nhau đến nhà hát. Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: “Mình còn nhớ bố đã rất hồi hộp xem sự đón nhận của công chúng và giới phê bình sân khấu mỗi lần một vở mới được công diễn. Ông nở nụ cười tươi rạng rỡ khi những tràng pháo tay không ngớt vang lên. Chúng mình vô cùng tự hào về bố mỗi khi ánh đèn sân khấu rọi sáng tấm rèm nhung được kéo sang hai bên và giọng đọc giới thiệu vở diễn trần ấm nhắc tên tác giả kịch bản Nguyễn Trung Đông”.
“Ở nhà, khi bố viết lời cho các làn điệu chèo và cải lương thì thường cất tiếng hát thành lời, nhắc đi nhắc lại các câu tâm đắc. Máu văn chương nghệ sĩ của bố truyền cho ba chị em mình chắc từ đó. Ông có nhiều đóng góp khi sáng tác lời mới, mang tính văn học, cho các làn điệu cải lương và chèo truyền thống”.
Năm 1985, Trung Đông viết kịch bản vở chèo Đồng tiền Vạn Lịch cho Đoàn chèo Hà Nội. Đây là một trong những tác phẩm sân khấu được chọn diễn tại Hội trường Ba Đình, phục vụ kỳ họp Quốc hội khóa VII, đã gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó.
Trung Đông viết vở chèo này dựa trên câu chuyện dân gian để nói về thói hư tật xấu của quan chức biến chất qua vai “ông quan đánh dậm”, với sự đạo diễn tài tình của Doãn Hoàng Giang. Vở diễn này được trình diễn hàng trăm xuất diễn ở rạp Đại Nam và đoạt giải A tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.
Một vở diễn nữa của Trung Đông cũng đoạt giải A, mà về sau là giải Bông sen Vàng của Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đó là vở cải lương Hai phương trời thương nhớ do Đoàn cải lương Kim Phụng dàn dựng, NSND Ngọc Dư đạo diễn.
Đó là câu chuyện về anh bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ông đã rất sáng tạo khi đưa ra sáng kiến dựng sân khấu ước lệ với hai tầng, thể hiện hai không gian đồng hiện ở Việt Nam và Campuchia.
Nắm bắt được ý tưởng của Nguyễn Trung Đông, họa sĩ sân khấu rất nổi tiếng khi đó là Doãn Châu đã thể hiện thành công sân khấu hai tầng lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Việt.
Trong suốt thập niên 1980-1990, thời hưng thịnh của sân khấu, bên cạnh tên tuổi lớn của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trung Đông cũng là một trong những tác giả có nhiều vở diễn gây tiếng vang.
Ngoài 3 vở đoạt giải nêu trên, về cải lương ông viết các vở như Miền đất nhớ, hợp tác với đạo diễn Sỹ Hùng, Hòn đá thề do Đoàn cải lương Nam Định dựng, vở Ly hôn do Đoàn cải lương Thái Bình dựng; vở Mảnh đất anh nằm do Đoàn cải lương Sài Gòn và Đoàn dân ca Nam Trung bộ (NSND Lê Thi làm trưởng đoàn) dựng.
Ngoài sở trường cải lương và hai vở chèo là Lương tâm nổi giận, Đồng tiền Vạn Lịch, ông còn viết kịch bản kịch nói Bóng râm trong ngày nắng cho Đoàn kịch nói Hà Nội, do đạo diễn Hoàng Quân Tạo dàn dựng. Hai vai chính trong vở do các diễn viên sau này rất nổi tiếng đóng là nghệ sĩ Hoàng Dũng và Hoàng Cúc. Vở có nội dung về không khí sản xuất ở vùng kinh tế mới Lâm Đồng, khuyến khích người lao động với sự ví von nếu ai cũng chỉ thích đứng trong bóng râm thì ai sẽ làm việc ngoài nắng.
Cùng với 20 kịch bản sân khấu, ông còn viết sách, khoảng 20 cuốn… Những trang viết của ông đầy ắp hiện thực cuộc sống và chiến đấu, niềm vui và đau khổ, niềm đam mê văn hóa các vùng miền, cháy bỏng tình yêu cuộc sống và con người.
Ngoài đời ông vô cùng hiền hậu, vui tính, luôn thương yêu vợ con và các cháu, được đông đảo bạn bè đồng nghiệp quý mến. Nguyễn Thu Thủy nghẹn ngào: “Chúng tôi luôn tự hào về bố và bố cũng tự hào về ba người con của mình, vì đã tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa say mê nghệ thuật để tạo nên những tác phẩm có ích cho xã hội”.
Nữ họa sĩ chia sẻ trong Thư viện Hà Nội có một thư mục sách lưu giữ đầy đủ các cuốn sách của tác giả Nguyễn Trung Đông. Còn nều vào Google gõ tên vở cải lương Dòng suối trắng và vở chèo Đồng tiền Vạn Lịch sẽ thấy hàng ngàn người yêu sân khấu truyền thống vẫn còn dõi theo các vở diễn này.
Hơn 40 tác phẩm Tốt nghiệp khoa Văn của Đại học Tổng hợp năm 1967, Nguyễn Trung Đông về làm báo Nhân dân một mạch 44 năm, cho đến khi nghỉ hưu năm 2011. Ông từng là phóng viên thường trú tại Nghệ An những năm chiến tranh khốc liệt 1970-1972. Có lần ở Nghệ An, ông đạp xe cả trăm cây số đến Đô Lương vì nghe tin ở đó bắn hạ được máy bay Mỹ và có tù binh phi công mà ông muốn phỏng vấn. Đoàn Hà Nội vào bổ sung lực lượng khi đó có nhà báo Phạm Thanh vẫn còn kể lại việc gặp Trung Đông đạp xe về bê bết bùn khắp người. Ông nguyên là Trưởng ban Văn xã, ủy viên Ban Biên tập của báo Nhân dân. Ngoài gần 20 kịch bản sân khấu, hàng ngàn bài báo, Nguyễn Trung Đông còn viết 20 cuốn sách, trong đó 10 cuốn xuất bản ở NXB Quân đội và 10 cuốn xuất bản ở NXB Phụ nữ. Nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Tiếng hát cánh buồm, Mùa xuân Tây Nguyên, Gió ấm, Những đỉnh núi thép, Trở về làng, Nông trường đồng dao… Trong quãng đời hoạt động báo chí và nghệ thuật đầy ấn tượng, nhà báo Nguyễn Trung Đông để lại những phần thưởng vinh quang: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam, Huy chương Chiến sĩ Văn hóa... |
Hoa Chanh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất