
* Một tác phẩm đầy kỷ niệm về tình bạn giữa hai người như vậy, sao anh không giữ mà bán lại cho bảo tàng?
- Tôi không bán bức tranh này. Sau khi Ledger mất, tôi gửi nó cho mẹ anh ấy. Tuy nhiên bà có bàn với tôi và quyết định tặng lại nó cho bảo tàng New South Wales để nhiều người có thể ngắm nó.
* Còn cậu bé trong bộ phim Australia trở thành nhân vật trong bức vẽ nổi tiếng không kém bức chân dung Health Ledger, anh đừng nói cũng là bạn anh nhé?
- Cậu ấy là bạn của bạn tôi. Điều đầu tiên tôi chọn Brandon vì gương mặt cậu ấy có cái gì đó đặc biệt. Và thêm nữa, cậu ấy được nhiều người biết đến, và mỗi người có một cảm nhận riêng của mình. Khi vẽ chân dung, tôi thường thích chọn những người mà tôi hiểu biết về họ, tôi vẽ cảm giác của tôi về họ. Mỗi bức tranh có một câu chuyện đằng sau mà tôi muốn kể và người xem có thể dùng ký ức của mình để “đọc” câu chuyện đó. Ký ức chính là điều tôi muốn thể hiện.
* Nhưng nếu không phải anh vẽ Health Ledger hay Brandon, tức là những nhân vật được nhiều người biết đến thì liệu anh có được thành công (giải thưởng) đó không?
- Trước khi vẽ hai bức này tôi cũng đã giành được một số giải thưởng và cũng được biết tới tại Úc. Đương nhiên, sau 2 bức vẽ này thì tôi được biết đến nhiều hơn ở quốc tế. Nếu mà tôi vẽ ai đó ở Việt Nam, mà người Việt Nam biết thì dĩ nhiên người Việt Nam sẽ cảm nhận được dễ hơn. Tôi không phủ nhận hiệu ứng đó.
* Vậy anh có vẽ mình (chân dung tự họa) không?
- Cũng có. Trong triển lãm lần này tại Việt Nam sẽ có một bức chân dung tự họa khổ lớn. Tôi thường thích vẽ những tính cách khác nhau trong một con người, vì vậy trong bức chân dung tự họa này tôi có tới... 4 con người..., nó biểu hiện những xung đột nội tâm của nhân vật.
* Đoạt nhiều giải thưởng, tranh có giá cao ngay khi còn trẻ, vậy cuộc sống một nghệ sĩ thành công sớm như anh ở Úc ra sao?
- Tôi là người rất rất rất may mắn! Phải nói là tôi đang sống cuộc sống trong mơ của người nghệ sĩ đương đại, vì chỉ phải tập trung vào làm nghệ thuật, không phải làm gì khác để kiếm sống, lại có cơ hội đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều người... Nhiều họa sĩ hiện nay không có may mắn chỉ tập trung làm nghệ thuật. Tôi rất muốn chia sẻ may mắn của mình, như có thể giúp đỡ cho họa sĩ Việt Nam triển lãm tranh tại Úc...
* Thành công sớm có phải là áp lực với anh? Anh sẽ làm gì sau những thành công hiện tại?
- Khi vẽ tôi tin hoàn toàn vào tác phẩm của mình. Áp lực của chính họa sĩ đôi khi còn cao hơn áp lực từ bên ngoài. Bản thân tôi là người cầu toàn, tôi không muốn dừng lại, không có bức vẽ nào tôi nghĩ rằng đã hoàn chỉnh 100%. Áp lực của tôi bây giờ là vẽ nhiều hơn. Vấn đề chỉ là thời gian...
* Xin cám ơn anh và chúc cho lần ra mắt công chúng Việt Nam của anh thành công.
(*) Triển lãm tranh vòng quanh châu Á của Vincent Fantauzzo sẽ khai mạc vào ngày 27/8 tại phòng tranh Ý Ngọc - Sỹ Hoàng, 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (cổng trước Dinh Thống nhất, TP.HCM) và kéo dài đến hết ngày 5/9, trước khi lên đường sang Bangkok, Singapore, Mumbai và Thượng Hải. Người khởi xướng và tổ chức chuyến đi này là Gallery Damina Hongkong.