“Liên đới trách nhiệm” với "Cánh đồng bất tận"

22/11/2010 07:41 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Như hiệu ứng domino, việc phim Cánh đồng bất tận ra rạp và tạo dự luận đã gây nên một phản ứng chuỗi, khiến cho các “liên đới” với tác phẩm này “phải chịu trách nhiệm” về tác động và thay đổi. Và con bướm nhỏ đập cánh ở Cà Mau (quê nhà của Nguyễn Ngọc Tư) lại gây ra “bão tố” ở những nơi mà tác phẩm này hiện diện.

>> Chuyên đề: Hiện tượng Cánh đồng bất tận

Mỹ học tiếp nhận

Nói về việc xuất hiện của văn bản Cánh đồng bất tận, phải nói ngay một điều rằng, cũng khá lâu rồi, trên văn đàn chính thống Việt Nam mới có một tác phẩm khiến người quan sát phải bàn đến mỹ học tiếp nhận. Phần nhiều các tác phẩm văn học của Việt Nam được xuất bản trong khoảng 10 năm qua, nếu có tranh luận, cũng chỉ dừng lại ở mức độ hay/dở về nội dung, mới/cũ về ý tưởng và hình thức… chứ ít khi bàn đến mỹ học tiếp nhận (vốn thuộc về quan điểm thẩm mỹ và nội hàm tư tưởng). Mỹ học tiếp nhận, chính vì vậy, không chỉ bàn về bản thân tác phẩm, mà còn là mối quan hệ hữu hình và vô hình giữa tác giả, tác phẩm và người đọc, ba thực thể này vừa có quan hệ hữu cơ, vừa độc lập với nhau.

Về mặt lý thuyết, tiếp nhận thẩm mỹ không phải là sự tái hiện giản đơn tác phẩm nghệ thuật trong ý thức, mà là một quá trình phức tạp: quá trình cùng tham dự và cùng sáng sáng tạo của chủ thể tiếp nhận. Tiếp nhận thẩm mỹ cũng luôn mang tính hai chiều: chủ thể tiếp nhận vừa tin vừa không tin vào tính thực tại của cái được miêu tả; tác phẩm không chỉ là nguồn thông tin nghệ thuật chủ yếu, mà còn đề ra phương thức thức “đọc” nó, “dịch” nó sang bình diện cảm xúc - hình tượng của chủ thể (dẫn theo Lại Nguyên Ân). Chính vì vậy, khi tiếp xúc với văn bản Cánh đồng bất tận, độc giả nào cũng muốn “giành chân lý” về phía mình, nên việc đạo diễn Minh Nguyệt (kịch nói) hay Nguyễn Phan Quang Bình (điện ảnh) muốn “dịch” nó thành hình tượng theo kiểu nhìn của mình, cũng là điều dễ hiểu. Cũng vì bị chi phối và được phản biện lại việc tiếp nhận thẩm mỹ, nên nguồn cơn của các cuộc tranh luận cũng bắt đầu từ đó.


“Diện mạo” Cánh đồng bất tận từ trái sang: văn học, phim và kịch

Nếu tách bạch: tác giả sáng tạo lần thứ nhất, tác phẩm tự sáng tạo lần thứ hai và người đọc tự sáng tạo lần thứ ba, thì các cuộc tranh luận sẽ không dừng lại ở chuyện thích/không thích tác phẩm ban đầu - có tính duy nhất. Vì bây giờ, tác phẩm Cánh đồng bất tận thực chất đã thuộc về ba lần sáng tạo, có ba “tác phẩm” khác nhau, nên còn chăng, là sự “liên đới trách nhiệm” của mấy thực thể vô hình này. Đó là chưa nói, ở cấp độ sáng tạo của người đọc, các đạo diễn lại dựng kịch, làm phim… nên Cánh đồng bất tận lại có thêm nhiều lần sáng tạo nữa: biên kịch, đạo diễn, tác phẩm và người xem… đều phải sáng tạo. Như hiệu ứng cánh bướm làm ngã quân cờ domino, từ Cánh đồng bất tận ban đầu (tạm gọi là thuần chủng), đến nay, chúng ta đã có vô số thế hệ tác phẩm hữu hình và vô hình vây quanh như các vệ tinh, mà chưa hẳn điểm nhìn nào đúng, hoặc sai. Vì nghệ thuật thường không bàn chuyện đúng sai.

Mỹ học tiếp nhận tác động mạnh mẽ đến điểm nhìn và điểm nghĩ, giúp chủ thể có được sự độc lập, nên mới có chuyện khác nhau trong sáng tạo và thưởng thức; mà khác nhau là lành mạnh.

Liên đới trách nhiệm... quan hệ

Khi viết bài này, tôi nghe được mấy thông tin sau: khoảng giữa tháng 12/2010, đạo diễn Minh Nguyệt sẽ đưa vở kịch Cánh đồng bất tận đến một không gian mới, sẽ thay đổi để thêm hoành tráng, tiền lãi từ bán vé sẽ dành toàn bộ để ủng hộ cho quỹ phát triển tài năng trẻ. Đạo diễn Hạnh Thúy thì được một công ty đề nghị chuyển vở Dòng nhớ (dựa theo truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư) thành phim truyền hình dài tập, dù khá bận rộn và mọi việc cũng đang trong giai đoạn thương lượng, nhưng nữ nghệ sĩ này vẫn đang rục rịch chuẩn bị. Vở Nửa đời ngơ ngác (KB: Trần Mỹ Trang - Hoàng Thái Thanh, dựa theo truyện ngắn Chiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư, ĐD: NSƯT Thành Hội) cũng đã bán phần lớn số vé của năm 2010.


Có hai điểm chung lớn khi các vở này ra rạp: Thứ nhất, người xem háo hức ngay từ khi mới nghe tin dàn dựng, vì dư âm và hiệu ứng từ Nguyễn Ngọc Tư vẫn còn đủ sức lan tỏa, lôi kéo. Thứ hai, các đạo diễn dàn dựng đều tâm huyết và có nghề, nên đã mang đến được cho người xem những vở diễn có nét riêng. Cũng xin nói thêm, nhiều khán giả tâm sự rằng mình đã bị lấy nước mắt vài lần (với họ, điều này đồng nghĩa với kịch hay) khi xem các vở này.

Một điểm chung nữa là ở khía cạnh khai thác “nỗi buồn”, các vở này đều chọn tông buồn. Nhưng nếu so với nguyên tác thì kịch “tươi” hơn; hoặc ít ra, so với giọng văn bàng bạc và sâu lắng của Nguyễn Ngọc Tư, người thưởng thức có cảm giác văn “buồn” hơn kịch. Nguyên tác văn học thường chọn cái kết để lửng, cánh đồng vẫn bất tận, dòng nhớ vẫn miên man, chiều vẫn vắng… nên thấy cái buồn như không dứt, kịch thì chọn cái kết gọn, có hậu và tươi sáng. Như TT&VH từng đề cập, khi Cánh đồng bất tận lên phim, đạo diễn càng muốn gọn và có hậu hơn nữa, nên cái kết càng tươi sáng; xét về cấp độ của nỗi buồn: văn học buồn nhất, kịch buồn nhì, phim buồn… thứ ba.

Mà nỗi buồn cũng sinh ra từ sự liên đới trách nhiệm về quan hệ. Nhà văn chỉ quan hệ với nỗi cô đơn của mình nên dễ được viết thoải mái, họ chỉ chịu một lần kiểm duyệt khi xuất bản. Còn đạo diễn, vì quan hệ với đoàn kịch, đoàn phim (vốn nhiều cái tôi) nên tác phẩm phải chịu đến mấy vòng thương thoả, tương nhượng. Đó là chưa nói còn phải chịu mấy vòng “kim cô”: kiểm duyệt kịch bản, kiểm duyệt bản dựng phúc khảo và kiểm duyệt bản chung cuộc. Ngay như phim Cánh đồng bất tận, khi quay, cũng không được giữ nguyên tên gọi cũ, phải “thay tên đổi họ” sang một “tiểu sử” tạm thời. Điều này, hiển nhiên cũng ảnh hưởng tới cấp độ nỗi buồn, phim Việt Nam sợ “xấu” quá, sợ “buồn” quá.

Có những người không thích xem phim, có những người không thích đọc sách, có những người không thích xem kịch… nhưng khi phim Cánh đồng bất tận làm nhiệm vụ bắt nhịp cầu, gây dư luận, không ít trường hợp đã bước qua thói quen và định kiến của mình để xem phim, xem kịch, hoặc đọc sách. Một liên đới trách nhiệm... quan hệ.

Một liên đới quan hệ khác có thể nhìn thấy được khi phim Cánh đồng bất tận ra rạp, đó là nguyên tác văn học lại sôi động với… người mua. Một vài nhà sách bán lẻ tại TP.HCM mà TT&VH khảo sát được (tạm giấu tên) cho biết mỗi nhà sách bán được mấy trăm quyển kể từ khi phim trở nên đình đám. Chưa thể biết chính xác Cánh đồng bất tận được tái bản hay in thêm (cả công khai, cả sách gian và sách lậu) bao nhiêu quyển trong đợt này, nhưng nhìn vào con số bán lẻ mà 5-6 nhà sách đưa ra thì đủ thấy con số ấy không nhỏ. Cũng nghe đồn (vì không thể hỏi trực tiếp, ở Việt Nam chuyện này thường hay giấu) Nguyễn Ngọc Tư đã nhận được cả trăm triệu tiền tác quyền từ Cánh đồng bất tận, không biết đợt này nhận thêm được bao nhiêu?


Việc tác phẩm lại bán chạy cũng phần nào cho thấy sự tác động của phim vào đời sống; và đương nhiên, cũng hé lộ rằng không phải dân chúng đi xem phim nhiều chỉ vì tác phẩm văn học hay. Mà rõ ràng, vì đọc (hay nghe đồn về) sách mà đi xem kịch, xem phim, và ngược lại, vì xem phim mà mua sách về đọc thêm là một liên đới trách nhiệm quan hệ. Có những người không thích xem phim, có những người không thích đọc sách, có những người không thích xem kịch… nhưng khi phim Cánh đồng bất tận làm nhiệm vụ bắt nhịp cầu, gây dư luận, không ít trường hợp đã bước qua thói quen và định kiến của mình để xem phim, xem kịch, hoặc đọc sách. Một liên đới trách nhiệm... quan hệ¦

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm