24/04/2025 18:17 GMT+7 | Văn hoá
"Tin chiến thắng tới, một dây pháo lập tức được thả xuống từ tầng 2 của trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt để đốt mừng. Khoảng một tiếng sau, cơ quan cho mở cửa, phát lại lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh để phục vụ nhân dân" - nhà báo Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ trong buổi giao lưu, tọa đàm "Viết tiếp bản hùng ca" diễn ra chiều 24/4.
1. Buổi tọa đàm, giao lưu được Thông tấn xã Việt Nam tổ chức tại trụ sở Trung tâm Thông tấn quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt) nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời cũng là dịp tri ân các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của ngành Thông tấn.
Nhà báo Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TTXVN, phát biểu. Ảnh: Quốc Khánh/ TTXVN
Chương trình được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại ba điểm cầu thuộc các cơ quan của TTXVN tại Hà Nội, Đà Nắng và TP.HCM, với sự góp mặt của 400 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên TTXVN và Thông tấn quân sự đã từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Lào, Campuchia.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang bày tỏ sự trân trọng, lời tri ân sâu sắc tới toàn thể các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của TTXVN. Chính những đóng góp thầm lặng và bền bỉ của thế hệ đi trước đã làm nên một chặng đường vẻ vang, đầy tự hào của ngành Thông tấn cách mạng Việt Nam.
Các đại biểu dự chương trình Gặp mặt và Tọa đàm "Viết tiếp bản hùng ca" - ảnh Quốc Khánh
Tổng giám đốc Vũ Việt Trang nêu rõ: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi nhận dấu ấn sâu đậm của TTXVN với vai trò một cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng, Nhà nước trong suốt các cuộc kháng chiến vĩ đại. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, với lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, ý chí kiên trung, các nhà báo Thông tấn đã có mặt ở khắp các chiến trường, phản ánh sinh động cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) ở miền Bắc luôn bám sát thực tiễn sản xuất, chiến đấu. Tại miền Nam, ngày 12/10/1960, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã đánh dấu sự ra đời của tiếng nói chính thức từ chiến trường, góp phần quan trọng trong việc truyền tải thông tin, cổ vũ phong trào cách mạng.
Giao lưu với các thế hệ người làm bảo Thông tấn tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Trong suốt 15 năm tồn tại (1960 - 975), TTXGP đã nhận được hơn 450 lượt cán bộ, phóng viên chi viện từ VNTTX, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, liên tục phát đi những bản tin khẩn, tiếp thêm ý chí cho đồng bào, chiến sĩ ở cả hậu phương và tiền tuyến. Gần 260 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Những mất mát đó mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử vẻ vang của ngành.
2. Một nội dung quan trọng trong chương trình là phần giao lưu của những vị khách mời nguyên là cựu phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam - những gương mặt đã từng trực tiếp tham gia tác nghiệp trong chiến tranh chống Mỹ và Đại thắng mùa Xuân 1975.
Như lời kể của nguyên Tổng giám đốc TTXVN Trần Mai Hưởng, năm đó, ở tuổi 23, ông được cơ quan tạo điều kiện để tác nghiệp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình di chuyển dọc miền Nam, nhà báo Trần Mai Hưởng may mắn có dịp cùng sư đoàn 304 tiến vào Sài Gòn và có mặt tại đây trong ngày 30/4/1975.
Nữ nhà báo, thương binh Triệu Thị Thùy (bìa phải) và nhà báo, thương binh Nguyễn Đăng Lâm (giữa) giao lưu tại Tọa đàm trực tuyến từ điểm cầu Trung tâm Thông tin TTXVN Khu vực miền Trung – Tây nguyên (Đà Nẵng). Ảnh: Quốc Dũng
"Có rất nhiều cảm xúc diễn ra trong tôi vào hôm ấy. Tôi được chứng kiến những trận đánh cuối cùng của chiến dịch, những hi sinh có lẽ cũng là cuối cùng của quân đội ta trong ngày 1975, rồi chứng kiến cảnh đồng bào miền Nam đổ ra chào đón" - ông Trần Mai Hưởng kể - "Trong số đó, tôi sẽ không bao giờ quên nổi câu nói của một đồng nghiệp với tôi vào buổi tối: Mai Hưởng ạ, có lẽ đêm nay hàng triệu gia đình trên cả nước sẽ không ngủ nổi".
Theo lời nguyên Tổng giám đốc TTXVN, trong ngày hôm ấy, nhóm phóng viên TTXVN ý thức rất rõ: Họ đang ở trong một khoảnh khắc lịch sử của dân tộc, và cần phải làm tất cả để có thể chuyển tải mọi thông tin, mọi hình ảnh được ghi nhận tới nhân dân cả nước.
"Cũng cần nói thêm, Ban lãnh đạo Thông tấn xã khi ấy đã có sự chuẩn bị, sắp xếp và bố trí rất khoa học. Thông tin từ mọi hướng tiến quân, mọi diễn biến quanh Sài Gòn đều được tập hợp và luân chuyển rất nhanh, để có thể cung cấp cho mọi báo đài" - nhà báo Trần Mai Hưởng nói.
Lễ trao tặng kỷ vật chiến trường cho Phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Quốc Khánh
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Bích, nguyên biên tập viên Ban tin miền Nam của Thông tấn xã Việt Nam, kể: "Từ cuối tháng 3, sau các chiến thắng tại Tây Nguyên và miền Trung, anh chị em trong cơ quan làm việc vô cùng khẩn trương. Tin tức ào ào liên tục đổ về, từ những bản tin về chiến thắng của ta cho tới những ghi chép phản ánh đời sống của bà con miền Nam tại những vùng vừa giải phóng".
"Hầu hết anh em nam giới đều ngủ lại cơ quan, gối đầu trên những bản tin được in. Tới ngày 29/4/1975, lãnh đạo TTXVN nói: Chỉ một, hai ngày nữa nhất định miền Nam được giải phóng hoàn toàn. Khi ấy, chúng ta sẽ có một buổi ăn mừng".
Theo lời kể của nhà báo Nguyễn Ngọc Bích, sáng 30/4, các phóng viên của TTXVN đến trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt từ 6 giờ sáng. Gần trưa, các lãnh đạo bước vào khu vực của Ban tin miền Nam, cười tươi: Sài Gòn được giải phóng rồi. Các biên tập viên của Ban ngồi lặng đi xúc động.
"Một dây pháo lập tức được ban lãnh đạo cho thả từ tầng 2 xuống để đốt mừng chiến thắng. Khoảng một tiếng sau, cơ quan cho mở cửa, phát lại lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh để phục vụ nhân dân" - nhà báo Nguyễn Ngọc Bích kể - "Cả một biển người kéo tới xung quanh cơ quan, reo hò và vui mừng ứa nước mắt...".
Cùng với chia sẻ từ 2 nhà báo Trần Mai Hưởng và Nguyễn Ngọc Bích, cử tọa còn được lắng nghe câu chuyện từ những khách mời khác như nhà báo thương binh Triệu Thị Thùy, nguyên phóng viên khóa GP10, nguyên Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung, nhà báo Phạm Văn Thính (bút danh Văn Phương), nguyên phóng viên ảnh TTXGP - tác giả bức ảnh "Cầu người" nổi tiếng, Điện báo viên Đoàn Văn Thiều, nguyên Trưởng đài thu tin địa phương, Phó Chánh Văn phòng TTXGP...
Bên cạnh câu chuyện từ những nhà báo lão thành, buổi gặp mặt và tọa đàm còn bao gồm Lễ trao tặng kỷ vật chiến trường cho phòng Truyền thống của TTXVN. Những kỷ vật giản dị ấy này đã theo dấu chân của các phóng viên, kỹ thuật viên trên các chiến trường từ Nam ra Bắc và trở thành biểu trưng cho sự cống hiến và tình yêu Tổ quốc của một thế hệ phóng viên TTXVN.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất