03/09/2021 07:51 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Dân Úc thích bóng đá không? Câu trả lời là có và dù không phải là môn thể thao số 1 nhưng bóng đá vẫn năm trong Top 5 những môn thể thao có lượng khán giả đông nhất Úc. Vậy nhưng chính giới bóng đá Úc thừa nhận “bóng đá Úc chỉ là con cá nhỏ", so ngay với nền bóng đá châu Á, nơi mà họ đã xin gia nhập 15 năm trước. Điều gì đã kìm hãm niềm đam mê của người Úc?
Chuyện Usain Bolt
Hẳn giới thể thao toàn thế giới không ai không biết nhân vật này: Usain Bolt - ông hoàng đường chạy 100m người Jamaica, người chạy nhanh nhất thế giới. Năm 2018, sau khi tuyên bố giã từ đường chạy, Bolt đã gây sốc cho giới mộ điệu bằng quyết định thử tài với bóng đá. Nhiều người đã cười với quyết định “điên rồ" này nhưng Bolt vẫn quyết tâm thực hiện.
Và không lạ khi một đất nước với nhiều “chuyện lạ" như Úc đã mở cửa để Bolt thực hiên giấc mơ của mình. Central Coast Mariners – CLB tầm trung tại A-League - mời Bolt đến thử việc 2 tháng. Và tại đây, Bolt đã chứng minh mình cũng biết đá bóng khi đã ghi bàn cho Central Coast trong một trận đấu tập trước gần 6.000 khán giả, con số tương đương một trận đấu chính thức ở A-League. Và dù màn trình diễn của ông hoàng đường chạy tốc độ không hoàn hảo như trên sân điền kinh nhưng đội bóng Úc vẫn quyết tâm có anh. Đáng tiếc thương vụ lịch sử này đổ vỡ và Usain Bolt đành từ bỏ giấc mơ bóng đá sau 2 tháng ở Úc.
Thời điểm đó, giới truyền thông cho rằng hai bên không đến được với nhau vì không tìm được tiếng nói chung về tài chính. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Mới đây, giới truyền thông Úc đã lục lại câu chuyện này và đây mới là lý do: Không đủ tiền hay cũng có thể hiểu là người Úc có tiền mà không tiêu được. Central Coast muốn có Bolt nhưng họ không đủ tiềm lực tài chính khi mà một bảng hợp đồng với ngôi sao nổi tiếng như Usain Bolt hẳn không dưới 6 con số 0, cho dù Bolt không phải là ngôi sao bóng đá.
Chủ tịch CLB cũng đã cầu cứu Liên đoàn bóng đá Úc (FFA) nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Có lẽ, họ cũng không tin vào khả năng thành công của bản hợp đồng này nhưng ông chủ Central Coast thì đinh ninh “họ im lặng vì bao nhiêu tiền đã dồn hết vào thương vụ Honda". Thời điểm đó, FFA đã chi ra 3 triệu đô đễ hỗ trợ Melbourne Victora mang về tiền vệ người Nhật Bản. Và đó mới là lý do khiến Bolt phải ra đi chứ không phải là vì 2 bên không tìm được tiếng nói chung.
Lãnh đạo CLB Central Coast tiết lộ, bản hợp đồng với Bolt là một món hời không chỉ cho đội bóng mà còn cho cả A-League. Bởi “Bolt có thể đá bóng không hay, không đóng góp mang lại thành tích cho đội nhà nhưng một công ty truyền thông đã sẵn sàng chìa ra bản hợp đồng mang về cho A-League 22 triệu đô Úc nếu chúng tôi có Usain Bolt”, lãnh đạo Central Coast tiếc rẻ.
Không gì ngoài... tiền
Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi: Cái gì đã kìm hãm bóng đá Úc, cũng như khiến dân Úc có mê bóng đá thì cũng nhiều người “say no" với việc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp?
A-League, giải bóng đá nhà nghề Úc, ra đời vào năm 2004 (còn non trẻ hơn cả V-League) để thay thế cho giải vô địch Úc (NSL) vừa tuyên bố “sập tiệm" vì không đủ kinh phí hoạt động. Có lẽ là rút kinh nghiệm từ đơn vị tiền nhiệm, A-League có những quy định khá khắt khe về tài chính, trong đó quan trọng nhất là mức sàn lương các CLB được sử dụng mỗi năm. Theo đó, các CLB không được chi tiêu quá mức quy định (những năm gần đây là khoảng 2,8 triệu đô/ mùa giải). Chính vì lý do này mà với nhưng bản hợp đồng lớn, các CLB phải cầu cứu FFA chi viện như trường hợp Keisuke Honda hay Usain Bolt ở trên, cho dù một số CLB giàu có như Sydney FC, Melbourne City... có đủ tiền để làm việc đó.
Mức sàn lương thấp khiến các CLB không thể tự cũng tay mua sắm cầu thủ hay kéo về những ngôi sao lớn, không chỉ vậy, nó còn kéo theo khoản lương cầu thủ cũng thấp. Theo thống kê của Global, mức lương trung bình của A-League còn thấp hơn cả giải chuyên nghiệp... Kazakhstan. Tại A-League, số cầu thỉ hưởng lương trên 500 ngàn đô/năm chỉ đếm trên đầu ngon tay và mỗi CLB chỉ có 1-2 cầu thủ được hưởng mức ấy. Một cầu thủ hạng A, như đội trưởng đội tuyển quốc gia Úc hiện tại – Mark Milligan – cũng chỉ hưởng lương 200 ngàn đô/năm, chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/8 so với một ngôi sao môn bóng đá kiểu Úc. Còn cầu thủ trẻ chỉ khoảng 40-50 ngàn đô/năm, con số còn thấp hơn mức thu nhập bình quân của dân Úc.
Có thể thấy với mức lương quá “bèo" như thế khiến dẫn Úc không “mê" trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Chưa kể có “mê" đi nữa thì con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp là quá khó khi cơ hội cho họ là quá ít ỏi.
Không phải người Úc không biết điều đó. Họ đã nhiều lần kêu gọi FFA và A-League hủy bỏ quy định này nhưng... bất lực. John Aloisi - cựu HLV CLB Brisbane Roar - từng khẩn thiết “chúng ta phải cạnh tranh với châu Á. Nhưng cạnh tranh sao được khi họ chi ra 3 triệu đô là cho một cầu thủ còn chúng ta là cho một... đội bóng". Phát biểu của HLV Aloisi được đưa ra sau khi đội bóng của ông bị CLB Ceres của Phillipines loại ngay vòng sơ loại AFC Champions League 2018 ngay trên sân nhà. Mà việc các đội bóng Úc thất bại ê chề ở sân chơi châu lục cấp CLB cũng chẳng quá xa lạ nữa. Mới đây, John Grimaud, một đại lý bóng đá nổi tiếng ở Úc cũng lên tiếng kêu gọi hủy bỏ mức lương sàn, “hãy để các CLB giàu có tự cân đối thu chi của họ để mang về những bản hợp đồng lớn cho A-League, nếu không A-League vẫn mãi là cơn cá nhỏ ngay trong cái ao Á châu”.
Kể ra, việc những nhà tổ chức A-League siết chặt tài chính cũng có cái lý của họ. Họ muốn cân bằng giữa các đội, đảm bảo không bị bong bóng rồi nổ tung. Và dù siết chặt vậy nhưng kể từ khi ra đời đến nay, cũng như V-League, A-League cũng đã chứng kiến 3 đội bóng phải... giải tán là Gold Coast United (2012), North Queensland Fury (2011) và New Zealand Knight (2007).
Thế đấy. Nhìn ngoài thì hào nhoáng, tưởng dữ dội lắm nhưng hóa ra bóng đá chuyên nghiệp Úc không phải vậy. Cho nên, chúng ta cũng bớt “bỉ bôi” V-League.
Đón đọc kỳ 3: Hầu chuyện về Liên đoàn bóng đá Úc
Craig Goodwin - cầu thủ lương cao nhất A-League Trong danh sách tốp 10 cầu thủ hưởng lương cao nhất A-League 2020 dẫn đầu là Craig Goodwin với mức lương gần 1 triệu đô/năm. Lạ ở chỗ là Goodwin không phải là cái tên đình đám mà chỉ là một tiền đạo trung bình khá, trung bình ghi được 7 bàn/mùa tại A-League và mới chỉ có 5 lần khoác áo ĐTQG sau gần 10 năm. Vậy điều gì khiến anh chàng này nhận lương cao như vậy? Không hiểu được vì chuyên môn thì khó thuyết phục với bản lý lịch như. Chỉ biết trước đó anh này may mắn được sang thi đấu ở giải vô địch Saudi Arabia, giải đấu giàu nhất châu Á. Phải chăng đó là lý do giúp Goodwin được nhận lương ngất ngưỡng khi quay về lại Úc. Đúng là... Úc. Mới đây, anh chàng này đã lại khăn gói quà mướp sang Saudi Arabia lần nữa. Ở Úc, số may mắn như Goodwin có lẽ... không nhiều. Đào tạo trẻ thua Việt Nam? Tại A-League trước đây, rất nhiều CLB không làm công tác đào tạo trẻ kiểu có các tuyến U từ nhỏ đến lớn, ngoài đội trẻ duy nhất gọi là Young. Ngược đời là ở cấp độ thấp hơn, tại các đội bóng nghiệp dư, lại có khá đầy đủ các tuyến trẻ từ.U.9 đến U.15, tuy nhiên đa phần cũng chỉ thuộc diện nghiệp dư hoặc nói vui như Việt Nam là diện “năng khiếu hè có đóng tiền". Đây cũng là chân rết của các CLB chuyên nghiệp trong việc tìm cầu thủ trẻ... như cách làm của CLB Brisbane Roar. Định kỳ vài ba tháng hay một năm, họ lại thăm dò từ các đội bóng nghiệp dư này để tìm kiếm cầu thủ trẻ bổ sung vào đội Young của mình. Mãi đến năm 2015, sau hơn 10 năm có mặt ở A-League, họ mới cho ra đời học viện của mình. Hệ thống thi đấu mang tính chất quốc gia của Úc dành cho cầu thủtrẻ cũng chỉ có vỏn vẹn duy nhất một giải đấu là Youth League vốn đối tượng tham dự là các cầu thủ từ 16 đến 21 của 9/12 đội chuyên nghiệp. |
Nguyên Nguyên (viết từ Australia)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất