16/06/2021 07:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa hè năm nay, người hâm mộ Việt Nam đã có những đêm thức trắng đúng nghĩa cùng bóng đá. Chúng ta chứng kiến đội tuyển Việt Nam thi đấu mà có cảm giác như xem EURO hay World Cup vậy. Cũng phải thôi, ngay sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Indonesia tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á thì lễ khai mạc EURO 2020 cũng bắt đầu.
Thật ra, cũng đã có lần đội tuyển Việt Nam ra sân vào khung giờ muộn trong ngày. Đó là trận gặp Yemen tại Asian Cup đầu năm 2019 từng đá lúc 23 giờ đêm. Còn những nửa đêm về sáng của hôm qua, người xem thức chờ chứng kiến hiệp 1 trận đấu giữa Bồ Đào Nha đá với Hungary thì chuyển kênh cổ vũ từng bước chân của đội tuyển Việt Nam trên đất UAE. Để rồi, khép lại một đêm với trận thư hùng Pháp - Đức ở bảng F được mệnh danh “tử thần” tại VCK EURO năm nay.
Mùa hè năm 2021 quả thật rất kỳ lạ và vô cùng đặc biệt với bóng đá và thể thao nói chung. Những tác động từ đại dịch Covid-19 đã dồn cả 3 sự kiện thể thao quốc tế vào cả hè này. Bắt đầu từ EURO sang Copa America, rồi đến Olympic Tokyo 2020 trong 3 tháng 6, 7 và 8.
Những nhà tổ chức các giải đấu đó đã phải gặp nhiều gian nan trong việc tìm ra giải pháp cho trái bóng được lăn. Các trận đấu tập trung trên đất UAE chỉ đón số lượng rất ít khán giả vào sân. Trong khi những sân bóng tráng lệ khắp châu Âu cũng không thể lấp đầy khán giả. Cùng lúc người hâm mộ Việt Nam cũng khó mà tập trung nơi công cộng đông người như quảng trường, phố đi bộ hay quán cà phê để hô hào ủng hộ cho đội tuyển Việt Nam hay những trận bóng của EURO.
Biết là sẽ mất đi nhiều hứng khởi nhưng nỗi ảm ảnh mang tên Covid-19 buộc tất cả phải dè chừng và nghiêm cẩn nhất cho công tác tổ chức và cho cả sức khỏe của mỗi người. Người hâm mộ cũng phải “đi nhẹ nói khẽ” chứ không thể ra đường tưng bừng mỗi khi ủng hộ đội tuyển Việt Nam như đã từng có. Ngay cả đội tuyển Việt Nam hay phóng viên trong nước lên đường sang UAE chuyến này cũng luôn đặt độ cẩn trọng ở tầm mức cao nhất. Từng thành viên phải vượt qua các quy định chặt chẽ về phòng dịch của nước chủ nhà. Đó không chỉ là yêu cầu về xét nghiệm Covid-19, về quy định đeo khẩu trang, mà còn là yêu cầu phòng dịch khi di chuyển, sinh hoạt tại khách sạn hay sân đấu. Đấy còn chưa kể khi về lại Việt Nam phải cách ly y tế đủ 21 ngày. Một chuyến đi lịch sử cho cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Những ngày hè sôi động này, không chỉ người hâm mộ bóng tròn trên khắp mọi miền Tổ quốc có nhiều "đêm trắng", mà còn đó bao con người cũng đang trắng đêm chống dịch. Đó là lực lượng trên tuyến đầu đang ngày đêm bám chốt, túc trực trong các khu xét nghiệm, khu cách ly để truy vết và điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19. Vậy nên, với người hâm mộ nước nhà khi xem bóng đá cũng cần tuân thủ những quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh. Hãy để cảm xúc cùng trái bóng lăn trong mùa hè lịch sử này được trải đi trong yếu tố an toàn và trách nhiệm.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất