Những tháng gần đây, Bộ Y tế liên tục phát lệnh đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy hàng loạt thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng. Trong hơn 31.000 mẫu thuốc được kiểm tra mới đây đã có hơn 1.000 mẫu không đạt chất lượng
Tràn lan nhiễm khuẩn, quá đát
Hai loại thuốc vừa bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc và yêu cầu thu hồi là thuốc viên nén điều trị tim mạch GPRIL-50 (số lô TE-2849, hạn dùng 9-2012, số đăng ký VN-5501-08, do Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm Trung ương 2 nhập khẩu từ Ấn Độ) vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng; thuốc viên nang LAKANI điều trị viêm gan, giải độc gan, chống dị ứng, mề đay, suy giảm chức năng gan do dùng nhiều bia rượu, tân dược… (số lô 010701, ngày sản xuất 17-7-2010, hạn dùng 17-7-2013, số đăng ký V1295-H12-10, do cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm y dược học cổ truyền dược thảo Nhất Nhất sản xuất) vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ nhiễm khuẩn.
Trước đó không lâu, Bộ Y tế cũng đình chỉ lưu hành thuốc viên bao phim Delevon-5 (số lô ZVI1 4101, hạn dùng 17-3-2013, số đăng ký VN-5832-08, do Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng nhập khẩu từ Ấn Độ) vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu hàm lượng.
Trong tháng 12/2011, Công an Hà Nội bắt giữ khoảng 400 hộp Viagra giả. Tổ chức Y tế
Thế giới (WHO) mới đây cũng cảnh báo 68% thuốc trị sốt rét ở các nước Lào, Việt Nam, Campuchia là đồ giả...
Dây chuyền của một nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn ở Long An
Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong số hơn 31.000 mẫu thuốc được kiểm tra gần đây thì đã có hơn 1.000 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng như nhiễm khuẩn, không đủ độ hòa tan, không đủ định lượng.
Ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết qua thanh tra công tác hành nghề y-dược-mỹ phẩm năm 2011 trên địa bàn TP đã phát hiện 808 cơ sở vi phạm, trong đó hơn 50% là lĩnh vực dược. Các hành vi vi phạm như: Kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng, không nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh phóng xạ-vô khuẩn…
Vô hiệu các giải pháp điều trị
Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra một nhà thuốc tại quận 1, TPHCM
Theo các chuyên gia, thực tế tình trạng buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng phức tạp với số lượng lớn, từ loại thuốc phổ biến thông thường (như kháng sinh, cảm cúm) đến loại đặc trị (như ung thư, tim mạch). Theo WHO, đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu. Thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh thu 45 tỉ euro/năm, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.
Bộ Y tế cho biết mỗi năm chi phí cho việc sử dụng thuốc chữa bệnh trung bình một người dân nước ta là gần 17 USD song có không ít trong số này vừa bị lãng phí tiền của vừa rước họa vào thân vì mua nhầm thuốc dỏm.
PGS. TS Trương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, cho rằng thuốc giả gây ra tác hại lớn cho sức khỏe người bệnh như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc. Nguy hiểm hơn, thuốc giả còn gây ra tình trạng vô hiệu các giải pháp điều trị để cứu sống người bệnh.
Khó phát hiện
Cảnh báo của Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) tại cuộc họp lần thứ 80 tổ chức ở Việt Nam mới đây cũng chỉ ra rằng thuốc giả là mặt hàng siêu lợi nhuận và rất khó phát hiện. Châu Á là thị trường “béo bở” để thuốc giả lộng hành.
Đại diện Interpol tại Việt Nam, đại tá Nguyễn Thị Minh Hòa, cũng cho hay trong chiến dịch truy quét dược phẩm giả tại Việt Nam mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều thuốc giả, chủ yếu tại TPHCM. Đáng lo ngại là có nhiều loại mẫu giống nhau nhưng chất lượng không như công bố. |
Theo Người lao động