Việt Nam là cường quốc báo chí thể thao

17/07/2011 08:30 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Tôi đã khám phá được một điều ngay từ bài test đầu tiên của chuyến đi “Nước Đức - quốc gia của thể thao” do Bộ Ngoại giao Đức tổ chức cho 13 nhà báo thể thao đến từ 13 quốc gia khác nhau của châu Á, Phi và cả Âu. Đó là, Việt Nam vẫn chưa phải là quốc gia hàng đầu về số lượng đầu báo chuyên thể thao ra hàng ngày.

Tôi tạm thắng Italy của Marco Terrenato đại diện cho Sportitalia, Hàn Quốc của Kim Jong-seok đến từ Hankook Ilbo vì người nhiều nhất cũng chỉ đếm được ở nước mình có 5 tờ báo chuyên biệt thể thao, nhưng thua Vassilis Skoudis chuyên trách mục blog của tờ Goal News và kênh Radio 103.3 ở Hy Lạp 7-13.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) cùng các phóng viên trong chuyến đi “Nước Đức - quốc gia của thể thao”

chụp ảnh lưu niệm bên dòng sông Main ở Frankfurt.


Nếu đếm không sót thì Việt Nam chúng ta đang có 7 đầu báo thể thao ra hàng ngày và kèm theo nó là khá nhiều loại tạp chí tháng hoặc báo tuần và các website đang mọc lên như nấm.

Vissilis dù ở một đất nước có số lượng đầu báo thể thao kỷ lục như thế cũng kinh ngạc là ở một quốc gia mà nền thể thao vẫn khá lạc hậu  như Việt Nam (các nhà báo cùng tự đánh giá về nền thể thao nước mình) lại có số lượng đầu báo nhiều như thế và thực ra từng có lúc lên tới chẵn một chục.

Hàn Quốc, đất nước có 5 tờ báo thể thao dù sao cũng đã nhiều lần tham dự World Cup cả nam và nữ, ngoài phát triển bóng đá còn rất phát triển bóng chày và bóng rổ (2 môn thể thao hàng đầu) và có sức mạnh đáng kể về thể dục nghệ thuật, lại đã từng tổ chức Olympic mùa hè và mới đây thắng cả Munich của Đức để giành quyền đăng cai Olympic mùa đông 2018.

Hy Lạp thì đã từng viết lên câu chuyện thần thoại của bóng đá khi vô địch châu Âu năm 2004 và cũng từng có mặt ở World Cup và có vài CLB như AEK Athen hay Olympiakos, Panathinakos đủ sức tạo nên các bất ngờ trước những ông lớn của châu Âu. Đội tuyển bóng rổ của Hy Lạp cũng rất mạnh, và là một trong những đội hàng đầu của châu Âu.

Chỉ có 4 nhà báo đến từ châu Phi, một của Zambia, Uganda, Tanzania và Senegal là khâm phục tôi đến từ một đất nước mà ở đó có giải vô địch bóng đá đang là miền đất hứa cho các cầu thủ của họ.

Norman đến từ Uganda bảo, Olushoha nếu cứ ở nhà chơi bóng thì anh ta chỉ kiếm được 200 USD mỗi tháng và tiền thưởng chỉ đủ để mua lon coca. Còn ở Việt Nam thì lương gần chục ngàn USD và tiền lót tay cả tỉ đồng.

Chính phủ Đức tổ chức chuyến đi “Nước Đức - đất nước của thể thao” mà phần lớn khách mời là đến từ các nền thể thao đang phát triển, với mục tiêu là để lý giải tại sao Đức lại yêu mến và thành công với thể thao đến thế.

Những lý giải này TT&VH sẽ đề cập trong thời gian tới đây, nhưng câu chuyện ở trên xem ra cũng là một nét bất ngờ chỉ “hơi hơi” thú vị.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm