Đội tuyển Việt Nam và chuyện chép ở đường piste

11/12/2014 12:46 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Công Vinh, Văn Quyết, Thành Lương hay Huy Hùng hoặc Huy Toàn chơi bóng như thế nào trên sân thì hẳn nhiều người đều đã biết. Trên sân cỏ, tính cách của họ được bộc lộ, nhưng nếu bạn gặp họ ngoài sân cỏ thì đôi khi lại là một con người hoàn toàn khác.

Chúng tôi sẽ kể một vài mẩu chuyện về những thần tượng cũ (và mới) của người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Khi Công Vinh cũng bị tâm lý

Công Vinh bắt đầu được biết đến kể từ VCK U21 quốc gia – Cúp Báo Thanh Niên 2003 ở An Giang. Ở giải đấu đó, dù Công Vinh và đồng đội đàn anh Thanh Hoàn giành cú đúp danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất” và “Vua phá lưới”, nhưng SLNA lại chỉ về nhì, lần đầu tiên bị phế ngôi sau cú hat-trick vô địch, khi bị Đà Nẵng của những Thanh Phúc, Quốc Anh, Phước Vĩnh hạ ở chung kết. Mặc dù vậy, nó đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Công Vinh.

Trước và sau khi giúp SLNA giành ngôi á quân U21 Báo Thanh Niên 2003, Vinh vẫn thuộc biên chế U20 quốc gia với vai trò thủ quân, đá vòng loại giải U20 châu Á ở Thành Long. Nhưng, sự thăng tiến đến chóng mặt đã xảy ra sau đó, khi Vinh, lần đầu tiên được đôn lên đội 1 SLNA đá JVC Cup 2003 và đoạt luôn danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất”. Thêm một “vé” đặc cách lên U23 Việt Nam đá SEA Games 22 trên sân nhà (như tình huống lặp lại với Đình Đồng năm 2009)…

Hơn 10 năm chơi cho các ĐTQG, cũng bằng chừng ấy thời gian Công Vinh đá V-League, thậm chí ra cả nước ngoài thi đấu (Bồ Đào Nha và Nhật Bản), xô đổ hàng loạt những kỷ lục và bản thân Vinh cũng ít nhất 3 lần được vinh danh Quả bóng vàng Việt Nam, nhưng thi thoảng, tiền đạo đeo áo số 9 vẫn dính “trạng thái”. Đấy là kỳ AFF Cup 2008, giải đấu mà đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên đánh chiếm được ngai vàng Đông Nam Á và gần nhất, khi Vinh đầu quân cho B.Bình Dương.

Tại giải đấu cách đây 6 năm, Vinh dù luôn nhận được sự tin tưởng của HLV Calisto, nhưng phải đến trận chung kết lượt đi với Thái Lan ở Rajaganmala, tiền đạo xứ Nghệ mới lần đầu tiên “nổ súng”. Giới quan sát cho rằng, nếu Việt Thắng không thất bại ở các lần ra chân trước đó, anh sẽ không chuyền bóng cho Vinh. Mặc dù vậy, ở tư thế trống trải và trước mặt chỉ còn khung thành trống, nhưng chính Vinh cũng do dự, cầu toàn, cần đến ít nhất 2 nhịp mới đưa được bóng vào lưới.

Quả thật là ít ai ngờ, Công Vinh, cầu thủ hiếm hoi của bóng đá Việt Nam đạt đến tầm ngôi sao, người có tổng giá trị chuyển nhượng lên đến 30 tỷ đồng, vẫn bị tâm lý trong một trận đấu ở giải giao hữu.

“Cái đầu chịu áp lực kinh khủng, khiến đôi chân tôi nặng như đeo chì, chạy và sút bóng không nổi. Sau 10 phút đầu vào sân, tôi bị ngợp thực sự và mồm miệng tranh nhau thở”, Vinh chia sẻ với người viết sau trận đấu ra mắt đội bóng mới B.Bình Dương ở Toyota Mekong Cup 2014 mới đây.

Văn Quyết, Tấn Tài nổi đoá với trọng tài… phường

Khi đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Phan Thanh Hùng tập trung ở Nha Trang để chuẩn bị cho kỳ AFF Cup 2012 ở Thái Lan, đội bóng và giới truyền thông có nhiều hoạt động ý nghĩa. Đấy là các trận đấu giao hữu cho mục đích thiện nguyện hướng đến các mái ấm tình thương. Hoặc cũng có đôi khi, lúc rảnh rỗi khi đội tuyển không có các buổi tập chính thức, các tuyển thủ cũng xỏ giầy vào sân ở những trận cầu phong trào, mà Quang Hải, Tấn Tài và Văn Phong là cầu nối.

Những dịp như thế, chúng tôi có cơ hội chơi bóng cùng các tuyển thủ quốc gia. Cũng đủ những hỉ, nộ, ái, ố, đủ chiêu trò và một trong những diễn biến trận đấu phủi ở Nha Trang, những tưởng Tấn Tài đã phải hy sinh luôn AFF Cup 2012, sau một pha tranh chấp tay đôi với thủ môn đối phương. Ở pha bóng đó, Tài thất thế, nhưng anh vẫn cứ ham bóng để rồi phải nằm sân, sau đấy Tài quay qua vặc lại trọng tài và nhiếc mắng đối thủ.

Trước Tấn Tài, những Việt Thắng, Văn Quyết… cũng gặp vấn đề với ông trọng tài cấp phường này và phải nhận thẻ. Xem Văn Quyết chơi bóng đá đã thích, nhưng làm đồng đội và đá cạnh anh còn thích hơn. Dáng chạy của Văn Quyết không thật đẹp và lúc nào cũng tưởng như anh đang chới với, nhưng đấy là lúc đối phương chủ quan và bị bỏ lại. Cũng tựa như Thành Lương, việc đoạt quả bóng trong chân Văn Quyết là điều cực khó.

Bóng đá hay gần hơn là một trận đấu, khác nhau về tính chất và đẳng cấp, nhưng về bản chất, luật chơi bóng đá không thay đổi. Văn Quyết vẫn là Văn Quyết, Thành Lương là Thành Lương và Tấn Tài luôn là Tấn Tài. Có dịp chúng ta sẽ còn kể thêm rất nhiều câu chuyện nữa liên quan đến những người hùng.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm