Một chiều Baden

22/06/2008 09:20 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Tai nghe, mắt thấy và tay ghi chép về những gì đã xảy ra trong một buổi chiều cùng các tifosi chờ đợi ĐT Ý rời khách sạn để đến sân tập.

Chúng tôi ghé qua nơi ở của ĐT Italia trên con đường di chuyển từ Salzburg lên Vienna. Đấy là vùng đất nổi tiếng với những dòng suối nước khoáng, những kiến trúc cổ từ thời Habsburg với những lâu đài mùa Hè của Hoàng đế Franz Joseph và hoàng hậu Sissi. Thật mà khó gặp thanh niên hay trẻ em trong cái thành phố nhỏ chỉ 24 nghìn dân này. Baden được coi là một thanh phố già trong lòng một nước Áo không còn trẻ. Có lẽ vì thế nó mới hợp với những người Thiên thanh?

Xe dừng ở đầu con phố Schlossgasse, nơi Italia trú trong một khu nhà cổ, trời nắng gay gắt không một gợn mây. Gần một trăm tifosi Italia đứng dưới nắng chờ xe bus của đội Thiên thanh đi ra trước khuôn viên được bao kín bằng những tấm chắn hàng rào đen kịt để không ai có thể nhìn vào phía trong. Phía trên hàng rào, có một biểu ngữ bằng chữ xanh trên nền trắng: “Cố lên hỡi các chàng trai. Chỉ còn 2 chiến thắng nữa là chúng ta sẽ vào chung kết”.
 
Con số 2 được viết ngay phía trên con số 3 đã được gạch đi. Đêm mai, nếu Italia thắng, chắc họ sẽ xóa số 2 để thay bằng số 1? Có lẽ thế. Nhưng nếu Italia thua? Hẳn người ta sẽ gỡ băng rôn ấy đi. Những nhà VĐTG chỉ thích nhìn những dòng chữ khích lệ khi họ thắng trận, hơn là an ủi hay sỉ nhục họ lúc thất bại…
 
Khu khách sạn hoàn toàn tịch mịch. Những ô cửa kính đóng kín, buông rèm, những người cảnh vệ mặc áo sơ mi trắng đi lại ở phía ngoài, một tiểu đội cảnh sát địa phương đứng gác ngay trên con phố nơi xe bus chở đội Ý sẽ đi qua. Tất cả các ngả đường vào khách sạn bị bịt kín, chỉ chừa lối thoát ra cho xe của ĐT Italia, còn người hâm mộ bị dồn vào một góc hàng rào. Các tifosi chỉ cần thỏa nỗi háo hức được xem tận mặt những đứa con cưng, dù chỉ 1 phút (trong khi những người mà họ yêu mến ấy có khi cũng chẳng ngoái đầu nhìn ra khuôn cửa sổ đen sì về phía những người hâm mộ đang hô to tên họ).
 
Các CĐV Italia chờ đợi các thần tượng của mình rời khách sạn đi tới sân tập
 
Các tifosi đến ngày một đông. Một đôi tình nhân bị câm mặc áo Thiên thanh, một đoàn CĐV già đến từ miền nam Italia, một gia đình đến từ ngoại ô Treviso, gần cái làng đã sinh ra Del Piero (họ bảo là họ biết anh từ tấm bé), một nhóm CĐV Tây Ban Nha và những người ái mộ đội Thiên thanh ở địa phương. Họ bàn tán về trận đấu của 2 đội. Tất cả thừa nhận Italia khó có cơ thắng lợi.
 
Chúng tôi ngồi phệt xuống vỉa hè. 1 tiếng rưỡi nữa, chiếc xe bus sơn màu xanh da trời của ĐT Azzurra mới đi ra. Người đàn ông trung niên đến từ Treviso pha trò: “Các nhà VĐTG của chúng ta đang bận rộn. Có khi họ đang ở trong toilet”. Mấy tiếng cười trong trẻo vang lên. Rồi họ bàn về vé của trận tứ kết Italia-Tây Ban Nha. Ông “toilet” lên tiếng: “Không thể kiếm nổi vé trong những ngày này.
 
Giá vé gốc là 89 euro, nhưng ngã giá 300 cũng không có mà mua. Lạy Chúa, nhưng tôi vẫn có thể hy sinh mấy tháng lương hưu cho một trận đấu của Azzurra”. Cánh cửa bật mở. 3 linh mục trong bộ trang phục đen bước vào với vẻ mặt hết sức nghiêm trọng. Ai đó bình luận: “Dịch vụ cầu nguyện của Giáo hoàng dành riêng cho ĐT Italia. Ngày mai, nếu ai đó trong số cầu thủ chúng ta chém gẫy chân hay thúc vỡ mũi một cầu thủ Tây Ban Nha, Chúa sẽ tha lỗi cho họ. Họ đã xưng tội từ hôm nay rồi”. Lại vang lên những tiếng cười.
 
Tiếng xôn xao vụt tắt. Cánh cửa bật mở, người phụ trách an ninh của ĐT Italia, một ông già đầu hói có gương mặt cau có mang tên Marco bước ra: “Các người chụp ảnh cái gì chứ. Cánh cổng này đổ thì sao?”. Buồn cười chưa, những người Italia này căng thẳng đến thế sao? Một ông già sau lưng kêu lên bằng một giọng bực bội sau khi bị ngăn không cho chụp bằng chiếc máy Fuji cổ lỗ giờ chỉ thích hợp với việc trưng bày ở bảo tàng: “Tôi đã đi máy bay từ Catania lên Malpensa (sân bay của Milano), từ Malpensa đến Vienna, từ Vienna đi xe bus lên Baden, và rồi bị chặn lại ở cái cửa chết tiệt này. Tại sao người ta không cho các CĐV làm gì với ĐT, dù chỉ là chụp một tấm ảnh”.
 
Ông bạn đứng bên cạnh vân vê bộ ria mép: “Bin Laden ở khắp nơi. Họ sợ khủng bố. Các đội khác đã hết sức gần gũi với các CĐV, đã cho các CĐV vào xem tập. Chúng ta thì không. Thật là xấu hổ”. Một phút im lặng kéo dài. Rồi một tràng cười lại rộ lên sau khi một tay đua xe đạp vọt qua trước mặt họ, không quên ngoái đầu lại lên tiếng nhắm vào các tifosi: “Viva Espana”. Té ra, anh ta là CĐV của ĐT Tây Ban Nha!

Cuối cùng, chiếc xe bus của ĐT Italia cũng rồ máy phi ra cổng. Các tifosi chưa bao giờ gần gũi những thần tượng của mình đến thế. Họ chỉ cách các chàng trai Thiên thanh một hàng rào chắn, một sải tay với, những ô cửa sổ đen sì và gương mặt lạnh lùng của những người Azzurra. Ông già “Catania-Malpensa-Vienna-Baden-cửa sắt” kêu lên tức tối: “Tôi đã đi cả nghìn cây số đến đây để nhìn thấy họ chạy trốn khỏi chúng ta”. Tôi thầm nhủ: Ông già thân mến ơi, các cầu thủ Italia không chạy trốn ai, họ chỉ đi tập ở Vienna cho trận đấu với Tây Ban Nha. Điều mà họ chạy trốn, là bóng ma thất bại đang ám ảnh nặng nề lên vai những người mang mác VĐTG kìa, trong một trận đấu mà Italia mất đi một nửa sức mạnh của hàng tiền vệ bởi Pirlo và Gattuso bị treo giò (Gattuso là người duy nhất vẫy tay chào các tifosi từ cửa kính xe. Hình như không phải/được đá, nên anh bớt căng thẳng hơn tất cả)?
 
Chiếc xe bus vụt đi với sự hộ tống của 3 xe cảnh sát, để lại phía sau những CĐV chẳng còn gì để xem nữa, nhất là những người đến muộn mang theo băng rôn có dòng chữ: “Đánh bại những con bò tót Tây Ban Nha đi. Các anh luôn ở bên chúng tôi”. Họ cùng giải tán với một suy nghĩ lo lắng đã xuất hiện trong đầu: “Trước Tây Ban Nha, chúng ta sẽ chạy trốn thần chết theo cách nào đây?”.
 

Đóng quân ở Baden: Quyết định sáng suốt?

ĐT Italia có lẽ đã đúng khi lựa chọn vùng đất yên tĩnh trong những cánh rừng Vienna bạt ngàn này làm nơi đóng quân: 1) đội bóng có tuổi trung bình cao nhất giải ấy cần những dòng suối khoáng để hồi sức và dưỡng quân sau những trận đấu lớn, 2) người ta chê trách Italia đã chọn Baden làm nơi đóng quân là một sự sỉ nhục với các tifosi theo chân đội tuyển và đặc biệt la các kiều dân Italia sống tại Thụy Sĩ, khi họ đóng quân ở Baden, nhưng lại thi đấu các trận vòng bảng tại Berne và Zurich cách đó 800 km, phải đi bằng máy bay. Nhưng dường như quyết định có vẻ kì quặc ấy lại tỏ ra đúng (hoặc ít ra là Hà Lan đã giúp Italia làm cho nó trở nên đúng): vượt qua vòng bảng, Italia sẽ đấu tứ kết (và nếu may mắn, bán kết và chung kết) tại Vienna, cách Baden chỉ 40 cây.

Bài: Anh Ngọc-Ảnh: Chí Thành

(từ Baden, ngoại ôVienna, Áo)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm