“Người Đức chiến thắng ư? Không phải việc của chúng tôi”

21/06/2008 08:50 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Sẽ không bao giờ là một điều tế nhị với người Áo khi nhắc lại những mối quan hệ nhạy cảm giữa Đức và Áo thời trước Thế chiến II. Càng không bao giờ là tế nhị khi gợi nhớ lại những trang sử đau buồn dính dáng đến chủ nghĩa phát xít. Nhưng với một số người Áo, kí ức đau buồn ấy vẫn có thể gợi về từ bóng đá: thắng lợi của ĐT Đức ở EURO 2008 chẳng làm mấy người Áo thích thú.

Điều tế nhị của lịch sử

Buổi sáng ở Salzburg sau thắng lợi của ĐT Đức trước Bồ Đào Nha thật yên tĩnh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Đêm trước, không khí ở khu FanZone của thành phố cách biên giới Đức chỉ 30 cây số này hết sức tẻ nhạt. Chỉ có chưa đầy 1 nghìn CĐV từ Đức sang và một số nhỏ các CĐV Tây Ban Nha đứng hò hét trước màn hình lớn. Họ vẫn còn nán lại sau khi ĐT của họ chiến thắng Hy Lạp và đã di chuyển lên Vienna chuẩn bị cho trận tứ kết với Italia.

Những người bán hàng ở đó khẳng định là người Áo, vốn luôn có mặt rất đông ở đó trước các trận đấu được truyền trực tiếp, không muốn tham gia cuộc vui chỉ dành cho người Đức, điều trái ngược hẳn với những người Thụy Sĩ, luôn cổ vũ một cách vô tư cho cả những đội bóng đã từng đánh bại họ. Lí do của sự thờ ơ ấy từ những người Áo? Một người bán hàng: “Đức đã thắng chúng tôi ở vòng bảng. Áo đã bị loại và đó là một nỗi thất vọng lớn cho người hâm mộ”.

Nhưng lời của anh bạn Stefan, một tiến sĩ sử học mà tôi đã gặp trong một quán bánh mì kebap do người Ý làm chủ ở Innsbruck lại gợi lên một suy nghĩ khác. Anh bảo: “Dù Đức có thắng Áo hay không thì chúng tôi cũng không thích người Đức, vì những lí do lịch sử”. Đó là lí do tại sao người viết bài này muốn đi vào những ngóc ngách của vấn đề để tìm ra một câu trả lời, dù câu trả lời ấy có thể chưa thỏa đáng, do những hạn chế về kiến thức lịch sử và cả những vấn đề quá nhạy cảm.

 
Không dễ dàng tìm được một người Áo sẵn sàng nói ra những điều tế nhị mà đa phần người Áo giữ trong lòng như thế. Những người cao tuổi đã từng sống qua những năm tháng Thế chiến II cảm thấy giận dữ và như một sự xúc phạm khi được tôi hỏi về những điều mà Stefan đã nói. Họ muốn quên đi những kí ức ấy. Những thanh niên Salzburg hoặc lảng tránh vấn đề này, hoặc khẳng định họ không quan tâm nhiều đến lịch sử. Nhưng những lời mà Stefan nói, như khi anh khẳng định: “Người Đức chiến thắng ư? Không phải việc của chúng tôi. Chúng tôi không ích kỉ, nhưng không muốn họ thắng lợi một chút nào” luôn là một sự ám ảnh đối với tôi.

Sự hẹp hòi và tự ái dân tộc theo kiểu hoài cổ vẫn ám ảnh một bộ phận không nhỏ người Áo. Lịch sử đã cho nước Áo một vị thế lớn ở châu Âu, khi Đế chế La Mã thần thánh mà Áo làm trung tâm và các hoàng đế Áo thống trị các quốc gia trung Âu và hầu hết nước Đức. Nhưng bây giờ, sau bao biến động của lịch sử, Áo chỉ còn là một quốc gia với diện tích nhỏ bé, không có vai trò to lớn như trước, và nước Đức, cùng nói một thứ ngôn ngữ như họ, đã trở thành một cường quốc trong suốt 2 thế kỉ qua.

“Đừng để chủ nghĩa phát xít sống lại”

Có một con người đã từ nước Áo đi ra và đã làm thay đổi lịch sử châu Âu và cả loài người: Hitler, người sinh ra ở Braunau Am Inn, ở biên giới nước Đức, cách Salzburg 60 cây số, người sau đó chuyển sang sống ở Linz, Áo, cách đấy 90 km, nơi người ta cũng muốn quên đi quá khứ gắn liền với ông ta. Berthesgaden, nơi tổ chức sinh nhật lần thứ 50 của Hitler vào năm 1939, từng là một phần của Salzburg.
 
Năm 1938, chính con người ấy đã thực hiện “Anschluss”, một cuộc sát nhập và chiếm đóng của quân đội phát xít đối với Áo trên danh nghĩa thống nhất những vùng đất nói tiếng Đức thành một đại quốc gia. Những quan điểm trái ngược về định nghĩa và bản chất thực sự của “Anschluss” (một phe nói Áo là nạn nhân đầu tiên của phát xít Đức, người Áo thân phát xít lại muốn điều ấy diễn ra) đã chia rẽ nước Áo suốt nửa thế kỉ qua. Chủ nghĩa phát xít vẫn chưa chết hẳn trên đất này, khiến người Áo phải nhìn lại mối quan hệ của họ với quá khứ.
 
Ở Braunau Am Inn, tại nơi đã sinh ra Hitler, có một tấm đá granite với dòng chữ: “Vì hòa bình, vì tự do và dân chủ, hàng triệu người chết cảnh báo chúng ta: đừng để chủ nghĩa phát xít sống lại”. Có đến đó để nói chuyện với những người già ở đó một cách tế nhị, mới hiểu được người ta nghĩ gì khi nhìn thấy niềm vui chiến thắng của ĐT Đức. Trận Áo-Đức ở vòng đấu bảng đã vô tình gợi lại những câu chuyện quá khứ. Có người thờ ơ, có người lảng tránh trả lời, có người khẳng định quá khứ quá khứ, nhưng cũng có người cho rằng bóng đá không liên quan gì đến chính trị.

Nhưng như lời Stefan nói, bóng đá chỉ là một cuộc chơi, nhưng sự thắng thua của nó đôi khi lại trở thành những vấn đề lớn. Áo đá kém và đáng bị loại, nhưng niềm tự hào dân tộc của họ đã tổn thương bởi thất bại trước Đức, bởi sự lớn mạnh của Đức và những mối ràng buộc với quá khứ khiến một bộ phận người Áo tự ái dân tộc. Họ không muốn Đức chiến thắng và tiến xa hơn nữa ở EURO 2008. Báo chí Áo cũng bình luận một cách dè dặt về ĐT Đức, và càng trở nên tế nhị hơn nữa trước trận Áo-Đức ở vòng bảng. Người ta không muốn khơi dậy quá khứ và làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa 2 nước. Nhưng những uẩn khúc của nó vẫn luôn tồn tại.
 
Tôi tin Stefan chỉ là một trong số ít những người có trong lòng uẩn khúc ấy. Có người nói ra, có thể không, nhưng chỉ cần một sự kiện nhỏ để họ phản ứng, chẳng hạn như một thắng lợi của Đức trước Áo ở EURO, trận đấu mà nhiều người Áo cho rằng, vì lí do tế nhị ấy, Đức không muốn thắng Áo (nhưng cú sút phạt của Ballack đã thay đổi tất cả). Đến bao giờ những hoài niệm buồn ấy mới có thể thực sự ngủ quên đi trong quá khứ xa xăm?
 

Bài: Anh Ngọc-Ảnh: Chí Thành

(từ Salzburg, Áo)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm