Vì sao TikTok bị cấm ở nhiều nước: Quá nhanh, quá nguy hiểm, quá nhiều lỗ hổng

08/04/2023 09:19 GMT+7 | Tin tức 24h

Chính phủ nhiều nước gần đây đã ban hành lệnh cấm sử dụng ứng dụng TikTok, thuộc sở hữu của Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), trên các thiết bị công vụ do lo ngại về rủi ro đối với an ninh quốc gia. Vậy tại sao TikTok lại bị nhiều quốc gia “tẩy chay”, mặc dù việc tham gia mạng xã hội Tiktok đang trở thành trào lưu và xu hướng của nhiều người, nhất là thế hệ trẻ?

Sự phát triển “quá nhanh, quá nguy hiểm”

Sự hình thành và phát triển của mạng xã hội Tiktok, còn có tên gọi là Douyin hoặc Vibrato (rung động), bắt nguồn và phát triển bởi công ty ByteDance (công ty công nghệ Internet của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh) vào tháng 9/2016. Ban đầu, Tiktok là ứng dụng Douyin với phiên bản dành riêng cho người dùng Trung Quốc. Sau đó, phiên bản quốc tế với tên gọi Tiktok được ra đời. Ứng dụng này cho phép xem clip nhạc, quay video ngắn và chèn hiệu ứng đặc biệt, hầu hết video có thời lượng ngắn dưới 1 phút.

Nhìn chung, Tiktok tập hợp các tính năng mới nhất thiên về giải trí, được thế hệ trẻ yêu thích như dễ dàng theo dõi người tạo ảnh hưởng, cập nhật các xu hướng mới, hiệu ứng từ các trò chơi, sản xuất video dễ dàng nhất; đồng thời cho phép người dùng có thể trở thành người sáng tạo và khuyến khích người dùng chia sẻ niềm đam mê, sự sáng tạo thông qua những đoạn video.

Vì sao TikTok bị nhiều nước 'tẩy chay'? - Ảnh 1.

Biểu tượng mạng xã hội TikTok. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2019, Tiktok đã có mặt trên 155 quốc gia với 75 ngôn ngữ, có 500 triệu người trên thế giới sử dụng. Tiktok đã trở thành ứng dụng di động được tải xuống nhiều nhất thế giới vào tháng 1/2020, nhất là tại Ấn Độ, Brazil, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc… Đối tượng sử dụng Tiktok chủ yếu là giới trẻ (từ 16 đến 24 tuổi). Người dùng thường dành 52 phút mỗi ngày để tạo và chia sẻ video hay xem video và trung bình có hơn 1 tỷ video được xem mỗi ngày.

TikTok đã trở thành một cái tên quen thuộc trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19 và mức độ phổ biến toàn cầu của nó không hề suy giảm. Nền tảng chia sẻ video này thậm chí đã thúc đẩy các đối thủ truyền thống, như Instagram và YouTube, tung ra các tính năng tương tự các mô hình nội dung dạng ngắn mà TikTok cung cấp. Ứng dụng này là một ví dụ điển hình về sự đổi mới thay thế các tập đoàn “Big Tech” (“Khổng lồ Công nghệ) đầy quyền lực trong một thị trường mà nhiều nhà lập pháp tin rằng có những rào cản không thể vượt qua đối với các đối thủ cạnh tranh mới. 

TikTok cung cấp một kênh để tự do thể hiện quan điểm, một nguồn thu nhập cho những người sáng tạo nội dung và một phương tiện để người dùng có thể giải trí. Đây là những lợi ích xã hội có giá trị, tuy nhiên, những lợi ích đó không thể phủ nhận rằng TikTok cũng có nhiều hạn chế theo như nhận định của các chuyên gia an ninh mạng.

Tiktok tồn tại lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, cho phép tin tặc dễ dàng khai thác và chiếm đoạt tài khoản người dùng, giả mạo thông tin, nội dung và tải lên các video trái phép. Lỗ hổng bảo mật đó cho phép tin tặc truy xuất thông tin cá nhân của người dùng và thay đổi nội dung của họ, gửi được các tin nhắn văn bản như thể được gửi từ Tiktok với các đường dẫn độc hại. 

Những đường dẫn này cho phép nhiều bên thứ ba truy cập được vào tài khoản Tiktok. Sau đó, tải lên video, thao túng hoặc chỉnh sửa các nội dung hiện hữu và lấy đi thông tin cá nhân. Các ứng dụng của Tiktok có quyền truy cập vào bộ nhớ tạm, thu thập tài liệu của người dùng một cách dễ dàng, trong đó có nhiều thông tin nhạy cảm (mật khẩu, số điện thoại, email, mã thẻ ngân hàng…).

Vì sao TikTok bị nhiều nước 'tẩy chay'? - Ảnh 2.

Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều quốc gia cấm TikTok

Chính phủ Australia tuyên bố sẽ cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ, do lo ngại rò rỉ dữ liệu người dùng và kéo theo đó là những rủi ro đối với an ninh quốc gia. Khi lệnh cấm trên được triển khai, Australia sẽ trở thành thành viên cuối cùng của liên minh an ninh tình báo Five Eyes (gồm cả Mỹ, Anh, Canada và New Zealand) thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công vụ. Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ấn Độ và Ủy ban châu Âu trước đấy cũng đã đưa ra quyết định tương tự.

Tại Cộng hòa Séc, Cơ quan An ninh mạng và Thông tin Quốc gia (NUKIB) đưa ra cảnh báo về nguy cơ mất an ninh mạng tại nước này do việc cài đặt và sử dụng ứng dụng mạng xã hội TikTok. Theo cơ quan này, TikTok thu thập hàng loạt thông tin về người dùng và không rõ ai là người có quyền truy cập các dữ liệu đó. Trên cơ sở cảnh báo này, các cơ quan chính phủ tại Cộng hòa Séc đã đi tiên phong trong việc cấm nhân viên sử dụng ứng dụng TikTok trên những thiết bị điện tử dùng để làm việc.

Tại Italy, Cơ quan chống độc quyền của nước này thông báo mở cuộc điều tra ứng dụng TikTok vì nền tảng này được cho là vi phạm các quy tắc khi cho phép đăng tải “nội dung nguy hiểm” như kích động tự tử, tự làm hại bản thân và theo chế độ ăn kém dinh dưỡng. Nhà chức trách Italy cho rằng TikTok "thiếu các hệ thống phù hợp để giám sát nội dung do bên thứ ba xuất bản" và vi phạm các nguyên tắc của chính TikTok về việc xóa nội dung nguy hiểm.

Nguyên nhân “tẩy chay” TikTok được giới chức quản lý nhiều nước đưa ra là mối lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin của người sử dụng, cũng như nguy cơ truyền bá những nội dung xấu độc, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia.

Trong khi đó, tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) - chủ sở hữu TikTok - cho rằng các lệnh cấm gần đây là dựa trên "những quan niệm sai lầm cơ bản”, đồng thời khẳng định nền tảng này đã chi hơn 1,5 tỷ USD để tăng cường bảo mật dữ liệu và bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.

Gói biện pháp mới "Project Clover" của TikTok nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng ở châu Âu được đánh giá như là biện pháp xây dựng lòng tin của nền tảng truyền thông xã hội này. Theo TikTok, mọi quyền truy cập dữ liệu sẽ không chỉ tuân thủ các luật bảo vệ dữ liệu có liên quan, mà trước tiên còn phải đi qua các cổng bảo mật này và các bước kiểm tra bổ sung. Toàn bộ quá trình này sẽ do bên thứ ba - một công ty bảo mật của châu Âu - giám sát. Ngoài ra, TikTok cũng sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo quyền riêng tư của thông tin người dùng, như đặt mật danh cho mỗi dữ liệu cá nhân để các đối tượng tiếp cận trái phép khó có thể xác định mục tiêu, nếu không có thông tin bổ sung.

Minh Trà/TTXVN (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm