Vì sao thế giới đòi bỏ tử hình?

06/11/2011 07:10 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Cuối tuần) - Cuộc sống của chúng ta sẽ nghèo nàn biết bao, nếu không có những nhà phát minh nổi tiếng hoặc vô danh. Lịch sử lưu lại tên tuổi của những người chế ra thuốc kháng sinh, máy hơi nước, tên lửa và con cháu chúng ta sẽ còn xuýt xoa nhắc đến những tên tuổi như kỹ sư Edison, bác sĩ Guillotine... Nhưng có mấy ai biết rằng đích thân lương y Guillotine nghĩ ra chiếc máy chém rùng rợn, và thiên tài Edison góp phần thiết kế ghế điện để tử hình còn được dùng tới tận hôm nay?

Tử hình - việc khuất mắt?

Trong năm vừa qua có 527 người bị tử hình trên toàn thế giới. Thống kê của tổ chức ân xá quốc tế Amnesty International cho thấy đó mới chỉ là một phần nhỏ của sự thật. 67 quốc gia hôm nay còn giữ hình thức trừng phạt tối hậu này, trong đó Trung Quốc không cung cấp con số được phỏng đoán lên đến vài nghìn. Kể cả phương Tây cũng chưa nhất trí bỏ tử hình, trong đó Belarus là quốc gia châu Âu duy nhất (2 vụ trong năm qua) và Nhật Bản (2). Hiện nay có khoảng 17.500 tử tù đang từng ngày ngồi đợi đến lượt ra pháp trường. Kinh thánh cổ xưa đòi “mắt đổi mắt, răng đổi răng” song không phải lúc nào tội giết người cũng là lý do để ra án tử hình. Ở các quốc gia theo Hồi giáo như Saudi Arabia thì cướp nhà băng, hãm hiếp, buôn bán ma túy là đủ để thẩm phán quyết định hình phạt nặng nhất này, thậm chí cả tội ngoại tình hay thực thi hành vi đồng tính luyến ái có hệ thống!


Jerry Givens, một trong những đao phủ của bang Virginia, giờ phản đối tử hình

Ở Hoa Kỳ không phải các bang có luật giống nhau, và số phận đã chọn Jerry Givens ở Virginia để làm nhiệm vụ u ám này. Chuyện đời Jerry bắt đầu năm 1975, hồi đó ông là quản tù. Một ngày đẹp trời ông được gọi lên gặp giám đốc để nhận thông báo: bang Virginia tìm một người phụ trách thi hành án tử hình. Công việc mới này dĩ nhiên không được in lên danh thiếp và cũng chẳng phải đề tài được đem ra tán chuyện bên bàn bia, thậm chí còn không được thêm lương, nhưng Jerry nhận lời. Ngày ấy ông tin đó là một hành vi thực thi công lý, và cũng là một nhiệm vụ mang tính truyền thống: năm 1608, Virginia là nơi đầu tiên trên đất Hoa Kỳ thi hành án tử hình.

Vụ đầu tay, khi luồng điện 2.300 vôn chạy qua cơ thể cựu cảnh sát Frank J.Coppola, đầu và chân tử tù bốc lửa, nhưng 55 giây trôi qua mà nạn nhân bị buộc chặt trên ghế điện vẫn sống. Chỉ khi đao phủ dập cầu dao lần nữa thì hắn mới chết hẳn. Cả căn phòng ngút khói và khét mùi thịt cháy.

Đồng hồ chỉ 11 giờ 27 ngày 10/8/1982 và Jerry Givens, ngày đó 31 tuổi và là cha của hai đứa con, vừa hoàn tất công vụ đầu tiên của nghề đao phủ. Rồi sẽ còn 61 vụ nữa tiếp theo, tất thảy đều trơn tru hơn lần đưa Coppola qua thế giới bên kia vì tội giết một phụ nữ. 29 năm sau, Jerry ngồi nghĩ lại chuyện đời mình. “Tôi phải cố vượt qua chuyện đó, tôi không được phép nát óc vì nó”. Hôm nay ông phản đối luật tử hình.

Công việc hắc ám

Ngày ông ký hợp đồng nhận việc này thì dãy xà lim cho tử tù vắng ngắt, vì Virginia vừa tạm xóa hình thức tử hình. Những tưởng sẽ có một công việc nhàn nhã hữu danh vô thực, song năm 1981, bồi thẩm đoàn nhất trí đòi hình phạt này cho phạm nhân Frank J.Coppola. 15 ngày trước hạn hành hình, Coppola được đưa vào xà lim tử tù theo luật định. “Tôi chỉ huy cả thảy 9 người trong đội Death Watching Team, làm theo 3 ca”, Jerry kể. Ngày dọn cho tù ăn 3 bữa, mỗi tuần ít nhất một lần thay quần áo mới và ba lần tắm. Ngoài ra chẳng có gì làm. Ban ngày tử tù được gọi điện cho gia đình và luật sư, tối đến thì trò chuyện, cầu nguyện hoặc chơi bài với quản tù. Chủ nhật Jerry được nghỉ và đi nhà thờ, tham gia dàn đồng ca ở đó. Trong số ứng viên đợi chết, Jerry nhớ nhất Lem Tuggle, 44 tuổi, từng vượt ngục thành công cùng 5 người khác. Hai người quen nhau sau thời gian đợi khá lâu. Tuy nhiên Lem chỉ thở được không khí tự do có vài ngày thì bị bắt lại và Jerry cũng là người tiêm thuốc độc xử tử vào ngày 12/12/1996. Trước hôm đó, tối nào họ cũng ngồi với nhau. “Lem là người dễ mến. Chúng tôi tán gẫu về thể thao và cùng cầu nguyện trước ngày hành quyết. Tôi không nói là mình sẽ là người ra tay, và Lem cũng không hỏi“.

“Khi xử tử bằng ghế điện, cả cơ thể co quắp lại và xuất huyết đằng mũi. Nhưng tôi không xử tử ai chỉ để người đó đau đớn. Đơn giản là tôi phải làm tốt công việc của mình“, Jerry nói. Để làm việc này, Jerry không được đào tạo gì ngoài một lần đến Texas tham quan tử hình bằng thuốc độc.

Mỗi ngày làm việc kết thúc bằng chuyến ô tô 56 dặm về nhà ở Richmond, mất chừng 80 phút. “Đủ dài để quên mọi chuyện“. Về đến nhà Jerry đi tắm rồi lên giường. Nhưng ông mất vài tiếng trằn trọc mới ngủ được. Sau mỗi cuộc hành hình thì ông không về nhà mà viện cớ tắc đường để vào khách sạn. “Tôi không muốn xuất hiện trước mặt vợ với vẻ thất thần tiều tụy“. Jerry bật ti vi xem cho đến lúc thiếp đi.


Chiếc ghế điện đầu tiên - phát minh của Harold Brown, một cộng tác viên dưới trướng Edison

Quay lại đời thường

47.000 USD là mức lương hàng năm mà Jerry nhận của bang Virginia để hoàn thành công việc này, cao hơn lương giáo viên chừng 4.000 USD. Gia đình ông mãi đến năm 1999 mới biết sự thật, khi Jerry đã bỏ nghề. Cả nhà đều nghĩ ông là công việc quản tù “bình thường“, và Jerry cũng không kể lại phản ứng của họ ra sao.

17 năm, 62 cuộc sống bị kết liễu, trong đó 37 vụ bằng thuốc độc, còn lại là trên ghế điện. Jerry cho rằng ghế điện tốt hơn, vì cái chết đến trong vòng hai giây nếu đao phủ có kinh nghiệm điều chỉnh dòng điện, trong khi thuốc độc mất 7 giây mới ngấm. Tử tù trẻ nhất qua tay Jerry mới 23 tuổi, đó là ngày 4/2/1999 và vụ áp chót của Jerry. Tony Leslie Fry hồi 19 tuổi đã bắn chết một người bán ô tô rồi kéo lê xác ông ta theo xe. Trước khi chết, Tony xin Jerry thứ lỗi. “Giây phút tệ hại nhất của nghề này là phải nhìn mặt tử tù“, Jerry buồn bã nói. Ngay trong năm đó Jerry bỏ nghề, nhưng vì một lý do khác: ông bị truy tố vì tội rửa tiền. “Tôi mua ô tô hộ một người bạn thân mà không biết số tiền đó từ buôn ma túy“. Song thẩm phán không tin ông và tống tù Jerry 4 năm 9 tháng.

Sau khi trở lại tự do, Jerry làm nghề lái xe. Ông phản đối luật tử hình. “62 người chết do tay tôi sẽ theo tôi suốt phần đời còn lại. Không ai nên trải nghiệm những gì tôi từng làm. Phải chấm dứt hành động giết người này“, Jerry nói. Ông đặc biệt đau khổ vì cho đến nay vẫn không rõ có giết nhầm ai trong số đó do bị kết án oan.

Cho đến nay, ở Mỹ có 1.271 người bị xử tử, trong năm 2011 là 37 người. Ở 50 bang Hoa Kỳ còn 34 bang giữ hình phạt này, đi đầu là Texas (475 vụ), rồi đến Virginia (109 vụ từ 1976). Vụ cuối cùng vào ngày 18/8/2011. Đó là một ngày thứ Năm, và không liên quan đến Jerry đang thanh thản đánh taxi chở khách ra sân bay.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm