08/04/2011 13:01 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Gần đây Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã biến nước Pháp từ chỗ một nước hăng hái theo chủ nghĩa hòa bình sang vị trí một trong những quốc gia cứng rắn nhất của phương Tây, với minh chứng rõ rệt là Paris đã tích cực can thiệp quân sự vào Libya và Bờ Biển Ngà. Sarkozy nói rằng hành động của ông nhân danh nền dân chủ, nhưng các nhà phân tích chính trị còn nghĩ đến những động cơ khác.
>> Chuyên đề: Xung đột ở Libya
Hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố hùng hồn trước một căn phòng đầy chật phóng viên rằng : “Một cường quốc xâm chiếm thuộc địa sẽ luôn thiếu tính hợp pháp nếu cố tình đưa ra phán xét liên quan tới chuyện nội bộ của một cựu thuộc địa. Tôi không muốn Pháp bị nhìn nhận như một quốc gia thích giữ thói quen đô hộ kẻ khác”.
Lời nói của ông Sarkozy
Khi đó ông Sarkozy đang nói về Tunisia và thừa nhận chính phủ đã có những quyết sách sai lầm liên quan tới quốc gia từng là thuộc địa của Pháp này. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, Sarkozy đã vội nuốt lời. Ngày 5/4 vừa qua, quân đội Pháp được lệnh của ông đã tấn công dinh Tổng thống Bờ Biển Ngà, một quốc gia cũng từng là thuộc địa của Pháp.
Chiến dịch quân sự bất ngờ này là một phần trong khuôn khổ sứ mạng gìn giữ hòa bình của Pháp và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã đánh giá là Sarkozy “có phản ứng tích cực”.
Binh lính trung thành với ông Gbagbo được vũ trang tốt hơn nên vẫn chưa bị đối thủ đánh bại
Điều khiến dư luận quan tâm là hoạt động quân sự của Pháp ở Bờ Biển Ngà diễn ra không lâu sau khi họ mới tham gia một liên minh quân sự quốc tế chống lại chính quyền Gaddafi ở Libya, nước là cựu thuộc địa của Italia. Nó khác hẳn thái độ nhún nhường và bị động của họ khi các cuộc biểu tình, bạo động nổ ra ở Tunisia và Ai Cập.
Động cơ kín đáo
Với việc tỷ lệ ủng hộ của Sarkozy đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay và chỉ còn một năm nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, vài đối thủ đã cáo buộc việc ông mải mê chinh chiến nhằm có sự ủng hộ trong nước. Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, thành viên lực lượng đối lập Didier Mathus nói rằng Sarkozy nên “mở một cuộc chiến mới sau mỗi tuần”, nếu có thể, để khuấy động tinh thần yêu nước và nâng cao tỷ lệ ủng hộ.
Quân đội Pháp ở Bờ Biển Ngà
France24 đánh giá nếu đang hy vọng sẽ được hưởng lợi từ việc người dân sẽ tụ lại dưới lá cờ chiến tranh thì Sarkozy cần biết rằng chính sách đó chưa mang lại bất kỳ kết quả nào. Trong khi có xấp xỉ 2/3 người Pháp nói rằng họ phê chuẩn sự can thiệp của chính phủ vào Libya, ông Sarkozy có lẽ không cần phải nín thở chờ tin tỷ lệ ủng hộ tăng lên. “Tôi không tin rằng chiến tranh sẽ giúp tăng tỷ lệ ủng hộ cho ông ấy” - Francois Nectoux, một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế ở Đại học Kingston, London, nhận xét - “Nếu tỷ lệ ủng hộ có tăng lên thì nó cũng chỉ duy trì trong thời gian rất ngắn”.
Hoán đổi vị trí cho Mỹ
Trong khi ý định tìm kiếm sự ủng hộ của Sarkozy chưa đạt mục đích thì chính quyền ông đã bắt đầu lãnh trách nhiệm về tình hình hỗn loạn đang diễn ra ở Bờ Biển Ngà. Nhưng tại Paris, đầu tuần này, Thủ tướng Pháp Francois Fillon vẫn nói trước Quốc hội rằng: “Pháp đã có thể tự hào vì tham gia vào việc bảo vệ nền dân chủ ở Bờ Biển Ngà”.
Nectoux tin rằng việc tìm thêm lá phiếu của cử tri chỉ là một phần trong các tham vọng của ông Sarkozy khi phát động chiến tranh. “Thêm phiếu không phải mục tiêu chính của Sarkozy” - ông đánh giá - “Pháp muốn được nhìn nhận là thành viên của nhóm ‘người tốt’, như LHQ, Liên minh châu Âu, liên minh quân sự ở Libya. Nước này muốn được xem như đang đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến vì nhân quyền, chứ không phải trong vai trò một quốc gia theo chủ nghĩa thực dân mới”.
Cần nhớ rằng chính nước Pháp đã từng rất to tiếng phản đối cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq cách nay 8 năm. Hôm nay, trong khi ông Sarkozy thể hiện một thái độ cứng rắn thì Tổng thống Mỹ Barack Obama lại tỏ ra khá cẩn trọng và được hoan nghênh vì điều đó. “Rõ ràng Pháp và Mỹ đã đổi vị trí cho nhau khi nhắc tới khía cạnh chiến tranh” - Nectoux đánh giá - “Giống như những gì đã xảy ra ở Iraq, sẽ còn rất nhiều rắc rối chờ đón Bờ Biển Ngà và Libya, ngay cả khi các ông Gbagbo và Gaddafi đã phải ra đi. Nếu khi đó có thêm rất nhiều dân thường bị giết hại, ông Sarkozy sẽ nếm đòn từ các hành động của mình và đó sẽ là những đòn rất đau”.
Trực thăng Pháp tiếp tục tấn công quân của ông Gbagbo Ngày 7/4, quân đội Pháp sử dụng máy bay trực thăng vũ trang đã phá hủy nhiều xe quân sự thuộc binh lính trung thành với nhà lãnh đạo Laurent Gbagbo. Lính Pháp cũng cứu ông Yoshifumi Okamura, đại sứ Nhật Bản ở Bờ Biển Ngà và 7 nhân viên ngoại giao, khi Đại sứ quán Nhật bị lính của ông Gbagbo xâm phạm. Cuộc giải cứu diễn ra khi binh lính trung thành với ông Alassane Ouattara tiếp tục vây hãm dinh tổng thống, nơi ông Gbagbo và nhiều tay súng trung thành đang cố thủ. Do Bờ Biển Ngà là cựu thuộc địa của Pháp nên nước này đã đóng vai trò hàng đầu trong các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục ông Gbagbo chuyển quyền cho ông Ouattara và chấm dứt các cuộc tranh quyền đã kéo dài từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất