Vì sao các kim tự tháp vẫn mãi chứa đựng bí ẩn?

25/11/2015 12:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - "Cuối cùng thì đã có một phát hiện tuyệt vời tại Thung lũng (các vị Vua). Một lăng mộ hoành tráng, vẫn còn nguyên vẹn, đang chào đón sự xuất hiện của ông". Đó là những dòng tin mà nhà thám hiểm Howard Carter gửi tới Huân tước vùng Carnarvon, George Herbert.

Herbert là người bỏ tiền để Carter tiến hành các cuộc khảo cổ tại Ai Cập. Vào thời điểm tin nhắn trên được gửi đi, Carter vừa tìm ra lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun.

Việc tìm thấy lăng mộ lập tức trở thành thông tin gây chấn động thế giới. Tuy nhiên, do bản thân vị vua này không được chôn cất trong một kim tự tháp, những khám phá bên trong lăng mộ ông khi ấy vẫn chưa đủ để làm thỏa trí tò mò của công chúng.

Họ muốn biết rõ hơn về nhiều vị pharaoh khác, những người đã yên nghỉ tại các phòng mộ, nằm trong các kim tự tháp đồ sộ.

Bí ẩn vì không thể tiếp cận

Mới đây, ứng viên tổng thống Mỹ Ben Carson đã khiến báo chí kinh ngạc khi đưa ra bình luận, rằng ban đầu người ta xây các kim tự tháp đơn giản chỉ để trữ lương thực và ngũ cốc.

Tuyên bố của ông cũng khiến người ta nhận ra rằng hóa ra, thế giới vẫn biết rất ít về bên trong các kim tự tháp. Đó là lý do vì sao đủ loại giả thuyết khác nhau, kể cả giả thuyết ngô nghê kể trên, vẫn tồn tại cho đến ngày nay.


Những gì chứa trong các kim tự tháp ở Ai Cập vẫn là bí ẩn lớn cho tới tận giờ

Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao con người hiện đại chưa từng khám phá đầy đủ các kim tự tháp, bất chấp thực tế rằng những công trình này đã đứng sừng sững trong sa mạc suốt hàng ngàn năm qua.

Nguyên nhân hóa ra có liên quan nhiều tới công tác quản lý. Trước hết, các kim tự tháp được xem là những công trình khảo cổ quan trọng và nổi bật. Nghĩa là những thứ có trong công trình này, từ các con chữ tượng hình cho tới các hiện vật được tìm thấy bên trong, đều vô cùng giá trị.

Người Ai Cập không muốn những thứ có trong kim tự tháp bị hư hại, vì thế họ cũng không cho tiến hành hoạt động nghiên cứu ở khu vực này. Alice Stevenson, một chuyên gia từ Bảo tàng khảo cổ Ai Cập Petrie của Đại học London, Anh, cho biết: "Phía Ai Cập lo ngại các hoạt động khảo cổ học hiện đại có thể gây hư hại tới di sản của họ trong quá trình nghiên cứu".

Bà Stevenson cũng nói thêm rằng giả thuyết kim tự tháp trở thành các kho chứa lương thực là không hợp lý. Bà chỉ ra rằng trên thực tế, các nhà khảo cổ "đã tìm thấy nhiều hầm chứa ngũ cốc ở Ai Cập".

"Chúng tôi biết rõ về các hầm chứa này và trông chúng chẳng có vẻ gì là giống với một kim tự tháp cả" - bà cho biết. Các quan chức Ai Cập cũng đã bác bỏ ý kiến của Carson.

Tuy nhiên, băn khoăn về những gì có trong các kim tự tháp vẫn còn đó. Ví dụ như Đại kim tự tháp ở Giza, được xây dựng từ hơn 3.000 năm trước. Người ta chỉ biết rằng công trình này được tạo thành từ hơn 2 triệu khối đá, có chiều cao 139 mét và được mệnh danh là kim tự tháp cổ đại lớn nhất thế giới.

Nhưng ngoài điều đó ra, nhân loại chẳng biết bên trong kim tự tháp này có đầy đủ những gì. Các nhà khảo cổ chỉ được vào một vài căn phòng bên trong công trình này, như thư viện, phòng ngủ của vua và hoàng hậu. Những nơi khác, chính quyền Ai Cập không cho họ đặt chân tới.


Các nhà khoa học đứng ngoài kim tự tháp Giza, trong một lần nghiên cứu sử dụng thiết bị quét hồng ngoại

Công nghệ hiện đại trở thành cứu cánh

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đánh giá công nghệ có thể là giải pháp giúp vén màn các bí ẩn.

Gần đây, tổ chức phi lợi nhuận CyArk đã bắt đầu quá trình bảo tồn hơn 500 di sản thế giới, từ Cổng Brandenburg đến các kiến trúc Lưỡng Hà tại Iraq, bằng công nghệ kỹ thuật số sử dụng tia hồng ngoại. Cụ thể, công nghệ này sẽ giúp tái tạo các công trình dưới hình ảnh 3D chi tiết và người ta có thể thoải mái nghiên cứu mà không cần phải đụng chạm vào công trình gốc.

Giới nghiên cứu tin rằng các công nghệ tương tự có thể giúp họ khám phá bên trong các kim tự tháp. Hiện nay, những phân tích hồng ngoại, dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, đã giúp tìm thấy các kim tự tháp bị phủ lấp trong sa mạc.

Ngoài ra, rôbốt cũng đã tham gia vào quá trình khám phá. Cách đây 4 năm, các nhà khoa học đã khám phá một căn phòng bên trong kim tự tháp mà con người bị cấm đặt chân vào, thông qua các rô bốt đặc biệt. Lần ấy, họ đã thu được nhiều chữ tượng hình màu đỏ bí ẩn chưa ai từng nhìn thấy suốt hàng ngàn năm qua.

Hiện, các thiết bị công nghệ cao kể trên mới chỉ mang lại cái nhìn sơ lược, về những thứ có trong các kim tự tháp. Cho đến khi thu được nhiều hơn các bằng chứng khoa học, chúng ta sẽ không thể biết rõ trong từng kim tự tháp có chứa những bí ẩn gì.

Với các nhà nghiên cứu như Stevenson, bí ẩn là khía cạnh khiến các kim tự tháp trở nên hấp dẫn tới kỳ lạ. "Chúng (các kim tự tháp) vẫn là bí ẩn suốt nhiều thế kỷ. Đó là đặc điểm tự nhiên của những công trình tưởng niệm" - bà nói.

Phan Vân Anh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm