Vì sao các đạo diễn Mỹ 'kém may mắn' với tượng vàng Oscar

28/02/2014 18:00 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Trong 20 năm trở lại đây, các đạo diễn Mỹ dường như ngày càng "kém duyên" hơn với tượng vàng Oscar dành cho đạo diễn xuất sắc nhất khi các đạo diễn nước ngoài có tới 11 lần rinh về giải thưởng uy tín do Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ sáng lập.

Kịch bản trên nhiều khả năng sẽ lại tái diễn vào đêm trao giải Chủ nhật tuần này khi cả 2 đạo diễn nhận được nhiều đề cử nhất cho giải thưởng năm nay đều không phải là người Mỹ.

Tính đến thời điểm này, hai gương mặt được nhiều người dự đoán dành chiến thắng nhất cho hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất tại giải Oscar năm nay là Alfonso Cuaron, đạo diễn người Mexico của bộ phim Gravity (Không trọng lực) và Steve McQueen, đạo diễn người Anh của bộ phim 12 Years a Slave (12 năm nô lệ). Nếu tượng vàng tiếp tục về tay một trong hai đạo diễn này thì đây sẽ là năm thứ tư liên tiếp các nhà đạo diễn nước ngoài chiếm lĩnh giải thưởng Oscar danh giá nhất.

Trong lễ trao giải năm 2011, đạo diễn người Anh Tom Hooper "ẵm" tượng vàng Oscar danh giá cho hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim The King's Speech (Bài diễn thuyết của nhà Vua). Một năm sau, giải thưởng này xướng tên đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicius của phim The Artist (Nghệ sĩ) và năm ngoái, tượng vàng Oscar thuộc về đạo diễn Lý An (người Mỹ gốc Hoa) với bộ phim Life of Pi (Cuộc đời của Pi).

Đạo diễn Alfonso Cuaron liệu có rinh tượng vàng với Gravity?

Các nhà phân tích điện ảnh nhận định rằng sự thành công của các đạo diễn nước ngoài trên đất Mỹ không phải là điều mới lạ sau khi diễn ra làn sóng "đổ bộ" ồ ạt của các nhà làm phim tìm đến mảnh đất được mệnh danh "thiên đường điện ảnh thế giới". Ban đầu, làn sóng đó xuất phát từ sự trốn chạy của những đạo diễn tài giỏi từ châu Âu sang Mỹ trong thời kỳ Đức quốc xã. Tiếp đó là cuộc hành trình tìm kiếm cơ hội phát triển của những đạo diễn tài năng đến từ các nước Đông Âu như Milos Forman và Roman Polanski. Thế nhưng lớn hơn cả vẫn là sự "cám dỗ khó cưỡng" từ xu hướng thay đổi mô hình kinh tế của các hãng làm phim kể từ đầu thế kỷ này.

Theo Giáo sư sử học Steve Ross từ Đại học South California, hiện nay các rạp chiếu phim ở nước ngoài chiếm tới 80% doanh thu của một bộ phim, gấp 4 lần doanh thu nội địa. Tỷ lệ này trái ngược hoàn toàn với thời điểm cách đây 50 năm, với 70% doanh thu đến từ các phòng vé trong nước. Trong khi đó, mục tiêu lợi nhuận luôn được đặt ở vị trí hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của các nhà làm phim Hollywood nên đây là lý do vì sao những bộ phim do các đạo diễn nước ngoài sản xuất thường hút được nhiều khán giả hơn so với phim do đạo diễn người Mỹ sản xuất.

Giải thích về điều này, Giáo sư Steve Ross cho rằng các đạo diễn nước ngoài thường nhạy cảm hơn, biết đáp ứng thị hiếu của đông đảo khán giả hơn nên có nhiều cơ hội mở rộng thị trường cũng như doanh thu. Ngược lại, các đạo diễn người Mỹ lại chỉ nắm được sở thích của khán giả trong nước, khiến các bộ phim của họ kém sức hấp dẫn hơn. Một ví dụ cho điều này là bộ phim Gravity của cha con đạo diễn Cuaron giúp thu về hơn 700 triệu USD từ các phòng vé trên thế giới, hay bộ phim Pacific Rim của người đồng hương Guillermo Del Toro cũng giúp nhà sản xuất bỏ túi gần 400 triệu USD trong năm 2013.

Giáo sư Ross kết luận rằng chỉ khi nào các đạo diễn nước ngoài không làm ra những bộ phim hái ra tiền, thì hào quang điện ảnh mới lại thuộc về những đạo diễn Mỹ.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm