Đối thoại - Dennis Bergkamp: 'Có đam mê mới tiến bộ'

23/09/2013 19:04 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuốn sách mới được ra mắt vào tuần này, huyền thoại của Arsenal Dennis Bergkamp nói rằng trở thành một cầu thủ giỏi là không đủ, bạn cần phải yêu môn thể thao này nữa.

Dưới đây là bài phỏng vấn mà Bergkamp, hiện làm công tác đào tạo trẻ ở Ajax, dành cho tờ The Guardian

* Động lực của anh là gì, Dennis? Có phải chỉ là do đam mê? Anh là người rất nhút nhát và khiêm tốn, nhưng ẩn sâu bên trong lại muốn trở thành người giỏi nhất thế giới ?

Tôi là như thế đấy. Có lẽ bởi gia đình tôi không thực sự khá giả khi tôi còn bé. Đó không phải là động lực của tôi, nhưng đã giúp hình thành nên con người tôi theo một cách nào đó, khiến tôi cảm thấy rằng nếu có cơ hội, bạn nên tiếp tục theo đuổi đam mê của mình

* Anh tìm kiếm điều gì ở những cầu thủ trẻ mà anh đang huấn luyện?

Bạn có thể thấy ngay lập tức ai có động lực vươn lên. Nhưng động lực có thể đến theo nhiều cách khác nhau. Lấy ví dụ một cậu bé muốn trở thành triệu phú năm 18 tuổi. “Đến năm 28 tuổi, tôi muốn có 3 chiếc xe thể thao và cách duy nhất là chơi bóng đá thật tốt và giành những danh hiệu”. Nếu đó là kết luận của cậu ta, thì không sao cả. Nhưng nếu cậu ấy nghĩ rằng: “Tôi kiếm được 1 triệu 1 năm, vậy thì tôi sẽ chơi 5 năm nữa, kiếm 5 triệu và giải nghệ”, thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Tôi không chắc đó là động lực tốt. Thứ bạn cần tìm kiếm là đam mê thực sự đến từ tâm hồn của 1 cầu thủ.



* Patrick Vieira từng nói rằng với anh, sự phấn đấu vươn lên là một điều gì đó mang tính nghệ thuật và tâm linh.

Bạn đặt ra cho mình những mục tiêu, và khi bạn đạt được nó, bạn muốn tiếp tục và tiến xa hơn nữa để đạt đến sự hoàn hảo. Như khi bạn trèo lên đỉnh một ngọn núi, và thấy một ngọn núi cao hơn vậy. Tham vọng về tiền bạc hay những thứ như thế, có thể tính toán được, sẽ đến lúc bạn cảm thấy hài lòng. Nhưng đam mê là thứ mà nhờ đó bạn làm việc chăm chỉ, và không ngừng vươn lên.

HLV Arsene Wenger có một cách nhìn rất thú vị về điều này. Ông ấy nói: “Đó là một thứ thuộc về tinh thần. Tôi tin rằng có 2 loại cầu thủ chơi bóng đá: những người phụng sự bóng đá như người ta phụng sự Chúa, và những cầu thủ dùng bóng đá để phục vụ cái tôi của họ. Thỉnh thoảng cái tôi đó cản đường họ, bởi họ đặt lợi ích của mình lên trên môn thể thao này.

Sau đó, Wenger lấy ví dụ về một cầu thủ, đáng ra phải chuyền cho đồng đội, nhưng lại chơi một canh bạc và sau đó ghi bàn. “Nếu thực sự yêu bóng đá, anh ta sẽ về nhà và lo lắng vì điều đó. Anh ấy biết đáng ra mình phải chuyền bóng cho đồng đội để có cơ hội ăn bàn cao hơn. Anh ấy đã hơi ích kỉ, và gặp may. Nhưng nếu không quan tâm đến bóng đá, anh ta sẽ nghĩ: “Tuyệt, lần sau mình sẽ lại làm như thế”. Rồi ông ấy nói rằng đó chính là sự khác biệt: “Đó là lí do vì sao bạn phải dạy các cầu thủ trẻ tôn trọng bóng đá, coi môn thể thao này như một tôn giáo, một thứ khiến bạn phải tôn thờ”.

* Khi mới đến Arsenal, anh từng nói với mọi người rằng: “Đừng chuyền nhẹ cho tôi, hãy chuyền nhanh, mạnh, bởi tôi có thể xử lý tất cả chúng, và nhanh hơn là tốt hơn”. Khi đó, Pires và Ljungberg đã ở đội, và vài năm sau, lối chơi đó đã được nâng lên một tầm cao mới.

Đúng vậy, tôi muốn thử thách mình với những đường chuyền khó. Tôi muốn mọi người thúc đẩy và giúp nhau tiến bộ. Như khi bạn thử tốc độ và sức mạnh của mình khi đối đầu với Sol Campbell. Anh ấy là đồng đội nhưng là đối thủ trong khi tập luyện. Nếu có thể vượt qua anh ấy, thì bạn còn ngại gì ai ở Premier League? Và nếu anh ấy có thể ngăn tôi hay Thierry Henry, thì anh ấy có thể chặn bất cứ ai ở Premier League. Điều đó chỉ hiệu quả khi mọi người đều nỗ lực 100%.

Thanh Hoài
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm