12/01/2012 13:40 GMT+7 | Thế giới
20 năm nay, tại phòng khám này, nhiều người được ông chữa khỏi di chứng của tai biến mạch máu não nhờ phương pháp châm cứu, những bệnh nhân được ông chữa khỏi đã được ghi chép đầy đủ, chi tiết ở những cuốn sổ A4 to và dày.
Những phẩm chất đáng quý của người bác sĩ mang quân hàm xanh vẫn còn nguyên vẹn trong ông dù đã tròn hai mươi năm ông rời đơn vị.
Bên thi hài Bác
Ngày 4/6/1946, đang học năm thứ 3 đệ nhị (THCS hiện nay) thì ông vào Vệ quốc quân. Sau ba tháng được cử đi học, ông về làm y tá ở tiểu đoàn Nguyễn Nhạc, rồi lên bệnh xá Trung đoàn 67, lại sang Quân y Trung đoàn 126 của Quảng Ngãi. Bốn năm sau ông chuyển sang nhận trách nhiệm làm Viện phó của Viện I, thuộc liên khu V (Quảng Ngãi). Cuối 1951 ông lại chuyển vào làm Viện phó Viện V ở Phú Yên.
Ở tuổi 86 ông vẫn cần mẫn khám chữa bệnh cho mọi người
Cuối năm 1952, cấp trên cử ông cùng 11 y tá của Nam và Trung bộ đi bộ 3 tháng xuyên rừng Trường Sơn ra Việt Bắc học y sĩ. Khi ta mở chiến dịch Điện Biên thì lớp học giải tán để đi làm nhiệm vụ, ông phụ trách trại tù Âu Phi ở Quảng Xương - Thanh Hoá, trao trả tù binh dưới Sầm Sơn xong ông về Hà Nội làm việc tại một đơn vị nghiên cứu ở sân bay Gia Lâm.
Những hồi ức vẫn còn nguyên vẹn kéo về, giọng ông xúc động: “Nhưng cả cuộc đời công tác của tôi, ý nghĩa nhất là những ngày được phục vụ Bác Hồ”.
Rồi ông kể: “Học xong khoá 3 của Trường Sĩ quan Quân y (Học viện Quân y hiện nay) tôi về phụ trách quân y Trung đoàn 921. Sau một năm ở Trung đoàn 921 anh hùng, năm 1965 tôi lại được cử đi Liên Xô học y và tâm lý hàng không.
Năm 1969, Bác ốm nặng, Trung ương biết Người khó qua khỏi nên cử đoàn bác sĩ Việt Nam sang Liên Xô học kỹ thuật ướp xác trong 6 tháng (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh làm trưởng đoàn, cùng các bác sĩ chính: bác sĩ Quyền, bác sĩ Mân, bác sĩ Điều). Năm ấy tôi vẫn đang là sinh viên, làm Bí thư liên chi, phụ trách khối chi đoàn quân đội của Học viện Quân y Leningrad; hồi đó không có người phiên dịch chuyên ngành y nên tôi được phân công làm phiên dịch.
Tháng 8 năm 1969, tôi về nước cùng đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp ta tiến hành các kỹ thuật ướp xác Người. Tôi vừa làm phiên dịch vừa phụ trách thuốc men cho các chuyên gia. Tôi học y khoa nên suốt những ngày thi hài Bác được bảo quản ở Viện 108, tôi được phân công trực đêm ở buồng ướp lạnh, kiểm tra điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm. Đến khi thi hài Người chuyển lên K9 (huyện Ba Vì, Hà Nội) tôi vẫn làm phiên dịch cho các chuyên gia bạn.
Những ngày ấy ngắn ngủi nhưng ý nghĩa lắm. Tôi cảm nhận được tình cảm sâu sắc của đồng bào với Bác. Nhất là trong những ngày làm lễ viếng, suốt từ 1g sáng đến 12g đêm, tất cả các đoàn vào viếng Bác, từ đoàn Việt Nam đến đoàn các nước bạn, ai cũng khóc; tôi đứng trực mà chẳng thể nào cầm được nước mắt.
Bác sĩ Mai Khắc Thái (thứ tư từ trái qua) trong buổi chuẩn bị lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
sáng 5/9/1969 tại Hội trường Ba Đình. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nghiên cứu sức khỏe phi công vũ trụ
Bác sĩ Thái kể về dấu ấn trong sự nghiệp của mình gắn với Anh hùng Phạm Tuân.
Những ngày bác sĩ Mai Khắc Thái nhận nhiệm vụ làm Viện phó Viện Phòng không Không quân, Trưởng khoa kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám định Không quân, chuyên khám tuyển phi công, năm 1979, tham gia Hội đồng Giám định Không quân khám tuyển phi công vũ trụ. Năm 1980, đoàn chuyên gia Liên Xô sang khám sức khoẻ phi công Phạm Tuân. Khi anh hùng Phạm Tuân hoàn thành chuyến bay vào vũ trụ và về nước, Liên Xô giao cho ban vũ trụ của Việt Nam theo dõi sức khoẻ Phạm Tuân từ năm 1980 đến năm 1986. Bác sĩ Mai Khắc Thái cùng Hội đồng Giám định Không quân thực hiện nhiệm vụ này. Ngày 23/4/1987 bác sĩ Mai Khắc Thái được Uỷ ban Nghiên cứu vũ trụ Việt Nam trao giải thưởng khoa học vì đã hoàn thành xuất sắc công trình khoa học: “Đánh giá sức khoẻ phi công nghiên cứu vũ trụ Phạm Tuân trước, trong, sau chuyến bay vũ trụ Xô - Việt”.
Thời gian bác sĩ Mai Khắc Thái làm việc tại Viện Phòng không Không quân, cũng là những ngày đầu GS, chuyên gia châm cứu Nguyễn Tài Thu về nước. Thời kì này bác sĩ Nguyễn Tài Thu gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rất nhiều bệnh viện dân y không quan tâm đến phương pháp chữa bệnh của ông. Bác sĩ Thu tìm đến thẳng cục Quân y, sau đó ông về Bệnh viện Không quân vừa để mở lớp dạy châm cứu cho Quân đội vừa mở phòng điều trị. Bác sĩ Mai Khắc Thái được phân công làm phó phụ trách điều trị, thường xuyên theo dõi phác đồ nên trong nhiều năm liên tục, bác sĩ Thái đã học được rất nhiều từ GS Nguyễn Tài Thu.
Song bác sĩ Thái không hoàn toàn dựa theo Đông y mà dựa vào cả bệnh lý giải phẫu của Tây y để áp dụng châm cứu nên huyệt mà ông châm không theo kinh lạc mà theo giải phẫu - đường đi của dây thần kinh. Chính vì thế, phương pháp của ông thu được những thành công mà chính bậc thầy Nguyễn Tài Thu cũng ngạc nhiên.
Chia tay ông ra về, tôi chợt nhớ mảnh giấy nhỏ ép plastic, dòng chữ đánh máy ngay ngắn dưới mặt bàn làm việc của ông: "Đạo làm thuốc là một “nhân thuật” chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công (Hải Thượng Lãn Ông)”.
Uông Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất