Tiếng nói độc giả: VFF nên được tự do?

28/11/2011 18:01 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH Online) - Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang được kêu gọi phải thay đổi cấp bách vì sự tiến bộ của nền bóng đá nước nhà. Nhưng có một thực tế là VFF - tự bản thân - không thể tự quyết được tất cả các vấn đề của họ, bởi VFF còn vướng phải cấp trên: Tổng cục Thể Dục Thể Thao thuộc bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao - Du lịch.

Thuần nghề nghiệp…

VFF vẫn tự định nghĩa họ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không phải là một tổ chức chính trị xã hội. Với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp, VFF tồn tại giống như một dạng hiệp hội, nơi đại diện (về ý chí, quyền lợi, trách nhiệm) của tất cả các bộ phận liên quan đến nền bóng đá Việt Nam. Trên cơ sở đó, sự ra đời, hoạt động của VFF phải do sự quyết định từ chính các chủ thể tham gia vào liên đoàn.

Tuy nhiên, hiện nay VFF vẫn là một tổ chức nửa nhà nước, nửa xã hội. Tổng cục thể dục thể thao và cao hơn nữa là Bộ Nội Vụ vẫn có vai trò rất lớn trong công tác nhân sự của VFF. Các chức vụ như Chủ tịch VFF, Tổng thư ký VFF đều phải có sự phê chuẩn từ các cấp này. Điều này cho thấy VFF hoạt động có phần giống với chức năng một cơ quan quản lý nhà nước về bóng đá.

VFF hiện nay có thể tự cấp về mặt tài chính nhưng mặt khác họ lại vẫn còn chịu sự bao cấp về mặt chính trị. Sự bao cấp này vô hình chung lại là chiếc vòng kim cô trói chặt VFF, khiến mỗi bước đi của VFF trở nên khó khăn và chậm chạp, và vì thế dẫn tới một xu hướng là VFF không kịp thời phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng, suy nghĩ của những lực lượng tham gia (mà quan trọng nhất là các câu lạc bộ bóng đá). Sự trì trệ đó dẫn tới một hệ quả là VFF dần dần “xa rời quần chúng” và tự biến mình thành một trở ngại cho sự đi lên.

Nhà nước đang kêu gọi xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực, trong đó có bóng đá. Thiết nghĩ, việc xã hội hóa này cần phải đồng bộ. Với sự tham gia của xã hội vào ngành bóng đá, Nhà nước càng tiếng tới chỗ trả bóng đá về cho bóng đá mà cụ thể là không dùng kinh phí Nhà nước (tiền đóng thuế của dân) để đầu tư vào các câu lạc bộ bóng đá, và Nhà nước cũng nên để VFF tiến tới vai trò là một tổ chức nghề nghiệp thuần túy hoạt động trên lĩnh vực bóng đá.

Thực tế 10 năm bóng đá chuyên nghiệp (hóa) cho thấy: xã hội đã tích cực tham gia vào lĩnh vực bóng đá. Sự tham gia này không phải dựa trên sự ép buộc, cũng không dựa trên “tình yêu”, mà xuất phát từ thực tế: bóng đá là một ngành công nghiệp có khả năng sinh lợi cho chính nó cũng như các ngành công nghiệp/ dịch vụ khác có liên quan tới bóng đá. Các câu lạc bộ bóng đá dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào “bầu sữa ngân sách”. Bản thân VFF từ chỗ sống nhờ vào kinh phí từ Nhà nước thì nay có thể chủ động rất nhiều trong lĩnh vực tài chính. Chính vì thế, Nhà nước nên mạnh dạn trả tự do cho VFF, và sự quản lý chỉ ở mức gián tiếp ở các chính sách phát triển tầm vĩ mô.

Sự tự do của VFF có lợi cho tất cả. VFF sẽ chủ động hơn trong công việc và trách nhiệm cũng sẽ được nâng lên. Tiếng nói của các thành phần tham gia vào VFF cũng sẽ mạnh mẽ hơn và trực tiếp hơn. Sự tương tác gần này sẽ khiến cho việc ra quyết định, xử lý vấn đề,… nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn. Về phía Nhà nước, cụ thể là Tổng cục Thể Dục Thể Thao, dù không liên quan trực tiếp tới hoạt động của VFF nhưng vẫn có sự giám sát chặt chẽ. Bởi lẽ, hoạt động của VFF vẫn phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ các chính sách phát triển từ ngắn hạn cho đến dài hạn của Nhà nước. Và trong trường hợp cần sự tư vấn từ VFF cho các chính sách vĩ môt thì Nhà nước hoàn toàn có thể yêu cầu.


Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

Chúng ta từng nghe những lời than ngắn thở dài từ các câu lạc bộ bóng đá rằng “họ góp sức nuôi VFF nhưng tiếng nói của họ thì lại bị VFF phớt lờ” hoặc chuyện VFF đơn phương đứng ra thương thảo hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG mà không tham vấn các câu lạc bộ. Chắc chắn, nếu VFF là đại diện cho quyền lợi của các câu lạc bộ và không có một chỗ dựa thì họ không thể đối xử với các câu lạc bộ theo cách đó. Không có sự trưởng thành bền vững nào dựa vào sự dựa dẫm. VFF, các câu lạc bộ, bóng đá Việt Nam muốn chứng tỏ sự chuyên nghiệp của mình thì đòi hỏi phải có sự quyết liệt trong hành động. Tất nhiên, mọi thứ cũng cần có lộ trình. VFF, bóng đá Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, ví dụ vấn đề chuyển nhượng, mua bán các cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ bóng đá, hay kinh phí cho việc thuê HLV đội tuyển quốc gia từ nước ngoài,… nhưng phải đề ra một thời gian biểu cho sự tự lập hoàn toàn.

Không điều hành trực tiếp các giải đấu

Những năm qua, hoạt động của VFF có vẻ rối rắm và hay xung đột lợi ích. Nguyên nhân cơ bản VFF vừa đảm nhận vai trò quản lý bóng đá, lại vừa đồng thời làm công tác điều hành trực tiếp các giải đấu bóng đá. VFF có những thiết chế như Ủy bản kiểm tra - kỷ luật -khen thưởng, Ủy ban trọng tài,… đóng vai trò hỗ trợ việc tổ chức các giải đấu và cả vai trò là trọng tài nhằm phân xử những sai phạm phát sinh trong giải đấu. Nhưng tính khách quan của VFF bị ảnh hưởng bởi VFF cũng lại chính là cơ quan đứng ra điều hành các giải đấu. Đây cũng là đầu mối cho những tiêu cực nảy sinh bởi sự nhập nhằng sẽ dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Sự ra đời của VPF - nhằm thay thế vai trò điều hành các giải bóng đá - là để tránh sự xung đột lợi ích đó. Trước mắt, ảnh hưởng của VFF lên VPF vẫn còn lớn (VFF chiếm 3/8 ghế hội đồng quản trị VPF) nhưng cần phải có lộ trình để tiến tới sự thành lập một Ban tổ chức độc lập hoàn toàn của các giải bóng đá chuyên nghiệp. Tất nhiên, VPF là một giải pháp cho VFF trong tình-trạng-hiện-tại. Nếu VFF có thể trở thành một tổ chức độc lập thật sự thì VPF sẽ kết thúc vai trò của nó, vì khi đó các bên liên quan hoàn toàn có thể lập ra một Ban tổ chức giải đấu chuyên nghiệp. VFF trở thành cơ quan đại diện cho các lực lượng bóng đá trong vai trò quản lý và giám sát tổng thể hoạt động của các câu lạc bộ, công tác trọng tài, công tác chuyển nhượng, công tác điều hành giải đấu,…

Tất nhiên, sự chuyên nghiệp của một nền bóng đá không chỉ là các câu lạc bộ tự chủ hoàn toàn, một liên đoàn bóng đá tự lập hoàn toàn, một ban tổ chức giải đấu chuyên nghiệp, mà còn đòi hỏi sự đồng bộ của nhiều khía cạnh khác. Đó là một Tòa án dân sự trong lĩnh vực thể thao để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, vi phạm trong lĩnh vực thể thao. Đó là một Hiệp hội các HLV chuyên nghiệp để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của giới huấn luyện. Đó là Hiệp hội cầu thủ nhà nghề để bảo vệ lợi ích của giới cầu thủ chuyên nghiệp. Đó là Hiệp hội trọng tài để bảo vệ quyền lợi của giới cầm còi,… Rõ ràng, khi quyền lợi và nghĩa vụ được phân định rõ ràng thì mọi thứ sẽ dễ dàng kiểm soát từ việc tổ chức thực hiện, công tác giám sát, công tác xử phạt,…

Cho rằng sự thay đổi tận gốc nằm ở VFF là đúng, nhưng vẫn chưa phải là cơ bản. Nên chăng, Nhà nước cho lĩnh vực bóng đá một cơ hội để tự do phát triển toàn diện dựa vào sự đóng góp nguồn lực từ xã hội. Những tiêu tực sinh ra do cơ chế cũng sẽ tự động mất tác dụng nếu các chức năng quản lý bóng đá, điều hành bóng đá, giám sát bóng đá được tách bạch và phân khúc rõ ràng. Mong lắm thay một bước đi tiên phong từ bóng đá để phấn đấu vì sự đi lên của đất nước.

MessY

*Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân độc giả. Bạn đọc có thể phản hồi ngay trong mục commen dưới đây, hoặc gửi bài vở về địa chỉ hòm thư điện tử trongnuoc.ttvh@gmail.com

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm