VFF và HLV Falko Goetz giải trình không thuyết phục

30/11/2011 13:40 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Một buổi truyền đạt thông tin đến báo chí được tổ chức vào cuối giờ chiều, thời điểm ai cũng mệt mỏi sau trọn một ngày chờ đợi, có cảm giác những bản báo cáo dài dằng dặc mà VFF phát ngôn thông qua PCT phụ trách truyền thông và đối ngoại Nguyễn Lân Trung giống như một “ma trận chữ nghĩa”. Bởi điều người ta muốn nghe nhất là những phân tích sâu sắc về thất bại của ĐT U23 VN tại SEA Games 26 đã bị thay thế bằng những lập luận không thuyết phục.

“Ngoại binh tàn phá ĐT”

Đây là một trong những mệnh đề chính yếu mà HLV Falko Goetz cùng VFF đưa ra để giải thích cho thất bại của U23 VN. Và không cần phải đạt đến tầm một “chuyên gia bóng đá” cũng có thể khẳng định mệnh đề vừa nhắc là đúng, khi qua các mùa giải khác nhau, cầu thủ ngoại ngày càng chứng minh tầm ảnh hưởng của mình cả ở V-League lẫn giải hạng Nhất, nên cơ hội của các cầu thủ nội, nhất là các cầu thủ trẻ đã bị thu hẹp lại đáng kể.

Nhưng vẫn phải nhắc lại rằng, trước khi HLV Goetz đến VN, các cầu thủ nước ngoài đã tới hành nghề trên mảnh đất hình chữ S cách nay cả chục năm. Năm 2008, khi ĐTVN bước lên ngôi vô địch ĐNA thì đấy cũng là thời điểm mà mức độ ảnh hưởng của cầu thủ ngoại lên các giải VĐQG không có quá nhiều khác biệt so với thời điểm hiện tại.

Và sự thiếu hụt tiền đạo nội thì không phải đến thời HLV Goetz mới nảy sinh, bởi 9 năm qua, những cái tên nối tiếp nhau trong danh sách “Vua phá lưới” ở V-League đều là những chân sút ngoại quốc, tương ứng với việc cũng trong chừng ấy thời gian, hầu hết các CLB trong nước đều sử dụng “tây” cho mục đích săn tìm bàn thắng.

Song trong khoảng thời gian 9 năm ấy (tính từ năm 2003), ĐT U23 đã 3 lần giành HCB SEA Games, còn ĐTVN vô địch AFF Cup năm 2008.

Không thể coi Thành Lương và Trọng Hoàng là những cầu thủ “non nớt”
khi họ đều đã là trụ cột ở ĐTVN từ mấy năm nay. Ảnh: Quốc Khánh

“Một ĐT trẻ và non nớt”

Khái niệm “trẻ” trong mệnh đề nêu trên có thể đúng nếu nhìn vào độ tuổi của một số cầu thủ U23 VN tham dự SEA Games 26, khi 4, 5 cầu thủ của đội bóng ấy năm tới vẫn còn đá được ở các giải U21. Nhưng nếu để ngồi tính một cách chi li, không biết HLV Goetz và VFF có biết là mình đã nhầm to khi có tới hơn một nửa đội bóng của nhà cầm quân người Đức xuất hiện ở Indonesia vừa qua cũng là kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp của họ.

Nhưng một cách lập luận như thế vẫn được cho qua và ngạc nhiên chưa, nó được đánh đồng với khái niệm “non nớt”?! Chỉ có 3/20 cầu thủ của U23 VN thi đấu tại giải hạng Nhất là Tuấn Anh, Anh Quang và Ngọc Anh. Song sẽ rất khó gọi một cầu thủ ăn cơm tuyển chừng 3 năm qua như trường hợp của hậu vệ trái Ngọc Anh là “non”. Ngay cả khi Nam Định 2 năm rớt liền 2 hạng thì Ngọc Anh vẫn là cầu thủ hiếm hoi ở đội bóng ấy đủ trình đá ở V-League (và thực tế cũng đang được CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên thương thảo để lấy về).

Trong số 17 cái tên còn lại, chỉ có thể trừ ra 5 người không được thường xuyên đá chính tại V-League là Bửu Ngọc, Tuấn Mạnh, Hoàng Thịnh, Xuân Hiếu và Hoàng Thiên. Nhưng sau những gì đã diễn ra, Bửu Ngọc và Hoàng Thịnh đã có màn thể hiện không tồi trong bức tranh chung xám xịt của U23 VN, 3 cái tên còn lại chỉ đóng vai trò thứ yếu ở đội bóng của HLV Goetz.

Thế thì quả là ngạc nhiên khi những “linh hồn” trong màu áo CLB của mình, thường xuyên đá chính tại V-League như Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn, Văn Thắng, Đình Tùng, Thanh Trung, Long Giang... lại bị vo tròn trong 2 từ “non nớt”.

Những “nguyên nhân” khác

Có thể cách giải thích về thất bại của HLV Goetz cũng như VFF nghe sẽ “êm” tai hơn nếu 2 từ “non nớt” được thay thế bằng cụm từ “ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế”. Và để giải quyết nhược điểm ấy, đề xuất được nhà cầm quân người Đức đưa ra là ông đã liên hệ với một vài CLB châu Âu để giúp ĐT có cơ hội cọ xát. Song nói ra điều ấy, HLV Goetz chỉ khiến người ta thêm thông cảm hơn với ông xét trên ý nghĩa một người mới bắt tay vào công việc của mình.

Nếu đồng ý rằng du đấu châu Âu trước mỗi giải đấu cấp khu vực là điều xa xỉ đối với bóng đá ĐNA chứ không riêng gì bóng đá VN, thì những nguyên nhân kiểu “ăn, mặc, ở” hoặc “ĐT thiếu một số trang thiết bị đặc thù để phát triển các kỹ năng”... có nêu ra cũng chỉ càng tô điểm thêm cho một sự bao biện sau thất bại thảm hại của thày trò nhà cầm quân người Đức...

Vậy mà những nội dung như thế đã được thông qua một cách chóng vánh chỉ sau một ngày làm việc để “mổ xẻ về thất bại của U23 VN tại SEA Games 26”, với sự thiếu vắng của khá nhiều nhân vật đáng nhẽ bắt buộc phải góp mặt. Có khi VFF không cần tổ chức một cuộc họp như vậy nhưng vẫn khẳng định quan điểm tiếp tục hợp tác cùng HLV HLV Goetz và ông trưởng đoàn thì đã hoàn thành nhiệm vụ, họ còn được tiếng là quyết đoán!

Đức Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm