Robin van Persie: Xuất sắc nhất vẫn cầu tiến

27/10/2012 13:09 GMT+7 | Man United

(TT&VH Cuối tuần) - Khi đã là cầu thủ xuất sắc nhất và kề cận tuổi 30, người ta thường cho phép bản thân dừng lại nghỉ ngơi. Nhưng Robin van Persie thì không. Anh vẫn cầu tiến, vẫn cố gắng học hỏi và hoàn thiện mình. Vì một khát khao cháy bỏng: chinh phục những danh hiệu với Manchester United.

Chưa bao giờ có cầu thủ nào lập hat-trick mà phải nói lời xin lỗi. Van Persie đã làm điều đó, sau cú hat-trick mang lại chiến thắng nghẹt thở 3-2 cho M.U ở Southampton. Xin lỗi vì đã đá hỏng một quả penalty: "Tôi đã thiếu quyết đoán. Tôi đã định sút rất mạnh, nhưng đến phút cuối lại đá nhẹ. Tôi sẽ cố gắng khắc phục điều này". Ba tuần sau đó, anh lại ghi bàn thắng quyết định trong chiến thắng 2-1 trước Liverpool. Cú sút penalty của anh rất quyết đoán, lạnh lùng và rất mạnh.

Khi đã lập cú đúp, tiền đạo được quyền nói về những bàn thắng của mình. Nhưng Van Persie lại thể hiện sự thất vọng về khả năng chuyền bóng, kiến tạo của anh. "Tôi phải chuyền tốt hơn, kiến tạo nhiều hơn cho đồng đội", Van Persie nói trong cuộc họp báo sau trận thắng Cluj 2-1 tại vòng bảng Champions League ấy. Trận ấy, anh đã ghi hai bàn từ hai đường chuyền của Wayne Rooney. Van Persie muốn đền đáp cho đồng đội cũng như cá nhân Rooney. Ba trận sau đó, anh thực hiện hai đường kiến tạo. Tuần trước, cú tạt bóng tuyệt đẹp và chính xác theo phong cách của David Beckham trước đây đã giúp Rooney ghi bàn thắng đầu tiên tại Premier League mùa này.

Van Persie chuyển từ Arsenal sang M.U với tư cách là Vua phá lưới Premier League kiêm Cầu thủ xuất sắc nhất mùa. Anh cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa, đã 29 tuổi. Nhưng anh không tự cho phép mình thỏa mãn với những gì đang có. Dừng lại đồng nghĩa là thụt lùi. Dimitar Berbatov là một bằng chứng, đến với Old Trafford sau vụ chuyển nhượng kỷ lục, không chịu hoàn thiện bản thân, nhất là yếu tố thể lực, không chịu thay đổi để thích nghi với môi trường mới, để rồi phải ra đi trong lặng lẽ.



Van Persie, người Hà Lan bay mới của sân Old Trafford

Khát khao danh hiệu

Không thể nghi ngờ tình yêu mà Van Persie từng dành cho Arsenal. Bởi anh là ngôi sao cuối cùng của thế hệ 2004-2005, thế hệ giành chức vô địch Cúp FA, danh hiệu gần nhất của Arsenal. Van Persie vẫn luôn dành cho Arsenal sự tôn trọng lớn lao, vẫn biết ơn đội bóng, huấn luyện viên Arsene Wenger, vì nhờ họ anh mới được như ngày hôm nay. Nhưng anh phải ra đi, vì khát khao chinh phục những danh hiệu đỉnh cao. Anh thèm cảm giác vô địch Premier League như Samir Nasri có được ở Manchester City. Anh muốn vô địch Champions League, như Thierry Henry từng làm được sau khi chuyển đến Barcelona.

Đời cầu thủ, ai mà chẳng muốn trở thành tượng đài sống mãi trong trái tim người hâm mộ. Nhưng sự thực, chiếc áo Arsenal đã trở nên quá chật chội và gò bó sau bảy năm liên tiếp trắng tay. Van Persie đã chờ đợi, đã luôn hy vọng về sự thay đổi trong chính sách của ban lãnh đạo Arsenal. Nhưng cuối cùng, anh chợt nhận ra rằng, họ không chịu thay đổi, không muốn thay đổi, không thể hiện sự quyết tâm xây dựng một đội bóng đủ mạnh để cạnh tranh những danh hiệu. Arsenal đã và đang hài lòng với một vị trí trong tốp bốn, mà ngay cả mục tiêu nhỏ bé ấy, họ cũng rất chật vật mới giành được. Có thể Arsenal hướng đến mục tiêu dài hạn hơn, có tầm nhìn xa hơn. Nhưng đời cầu thủ quá ngắn và Van Persie không thể chờ thêm bảy năm nữa.

Van Persie đã quyết định ra đi đúng vào mùa giải mà anh đạt đỉnh cao phong độ. Đừng nghĩ rằng anh tận dụng vị thế Vua phá lưới Premier League để kiếm được hợp đồng béo bở, mức lương cao khủng khiếp. Đơn giản vì anh chợt nhận ra rằng: khi một đội bóng xem anh là 50% sức mạnh thì đội bóng ấy không thể đoạt những danh hiệu cao quý.

Những tấm gương ở Old Trafford

Trong một cuộc phỏng vấn, Van Persie nói rằng anh từng được chơi bóng bên cạnh những ngôi sao lớn như Thierry Henry, Robert Pires hay Patrick Vieira. Tài năng, kinh nghiệm quý giá của họ giúp anh tiến bộ hơn, giỏi hơn. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, anh bỗng nhiên thấy mình "già" nhất ở Arsenal, đẳng cấp và trình độ của anh vượt lên hẳn. Van Persie không hề kiêu ngạo, chẳng có ý định chỉ trích đồng đội. Là người cầu tiến, anh thấy buồn khi chứng kiến hết ngôi sao này đến ngôi sao khác rời bỏ Arsenal, và xung quanh chỉ còn lại những "cậu bé".

Vụ chuyển nhượng trị giá 24 triệu bảng đến M.U đã mang lại cho anh một cuộc sống hoàn toàn mới. Ở nơi ấy, dù đang là chân sút số một của đội bóng, Van Persie có rất nhiều tấm gương để học hỏi.

Học hỏi từ chính đối tác được kỳ vọng nhất của anh: Wayne Rooney. Mùa trước, Rooney là tiền đạo chủ lực của M.U, ghi 27 bàn tại Premier League, chỉ kém van Persie ba bàn. Rooney đã có 10 năm chinh chiến ở đấu trường đỉnh cao, với tám năm trong đó là người của Old Trafford. Trong khi Van Persie chỉ mới giành được chiếc Cúp FA nhỏ bé thì Rooney đã sưu tập đủ các danh hiệu cần có ở cấp câu lạc bộ. Xét về tên tuổi, vị thế, thương hiệu và thành công, Rooney vượt xa Van Persie. Thế mà Rooney ấy sẵn sàng lùi xuống đá tiền vệ tổ chức để tạo khoảng trống cho Van Persie trên hàng công, chấp nhận làm nền để Van Persie tỏa sáng.

Cầu thủ M.U đầu tiên mà Van Persie khen ngợi không phải là Rooney. Người ấy là Paul Scholes, sau trận thắng Southampton. Vào sân từ băng ghế dự bị, Scholes đã thi đấu bùng nổ, giúp M.U giành lại thế trận và từ đó, Van Persie lập hat-trick để mang lại chiến thắng ngược dòng. Van Persie được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất trận. Nhưng tiền đạo người Hà Lan nói rằng chính Scholes mới xứng đáng với danh hiệu ấy. Hình ảnh của Scholes gợi nhớ cho anh về thời gian sát cánh với Henry, Vieira hay Pires, những tượng đài, những tấm gương thực sự cho mọi cầu thủ.

Hiệu ứng Cantona

Sir Alex Ferguson nói rằng ông kỳ vọng Van Persie trở thành Eric Cantona mới. Thực ra, Van Persie khác với Cantona rất nhiều. Dù từng mang băng đội trưởng của Arsenal, Van Persie không có tố chất thủ lĩnh như "King Eric". Nhưng Van Persie ấy đã mang lại hiệu ứng lớn lao cho M.U như Cantona đã làm được đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Sau mùa giải thất bại, đánh mất chức vô địch vào tay hàng xóm Man City, M.U cần một nhân tố mới đủ khả năng vực dậy tinh thần của đội bóng, mang đến niềm hy vọng lớn lao trong những cuộc đua cạnh tranh danh hiệu.

Tính đến thời điểm này, Van Persie đã làm được điều ấy. Dù đứng sau Chelsea trên bảng xếp hạng, M.U vẫn là ứng cử viên nặng ký bậc nhất cho chức vô địch Premier League. Dù vẫn thi đấu có phần mong manh, M.U ấy có thể đánh bại bất kỳ đối thủ nào. Vai trò của Van Persie là rất rõ ràng. Một pha chạm bóng tinh tế, một cú sút uy lực, một pha cứa lòng của anh đủ tạo ra sự khác biệt. M.U đã sở hữu một cầu thủ như thế ở mùa trước, là Rooney. Giờ cộng thêm van Persie, họ chẳng cần phải sợ bất kỳ đối thủ nào.

Những bản hợp đồng lớn của M.U trong một thập kỷ trở lại đây thường không thành công. Juan Veron gây thất vọng cực lớn. Dimitar Berbatov quá mờ nhạt. Vì lẽ đó, không ít người đã nghi ngờ khả năng thành công của Van Persie, nhất là khi anh đã 29 tuổi, có tiền sử chấn thương phức tạp và đã quen với lối chơi ở Arsenal.

Nhưng từ bàn thắng đầu tiên vào lưới Fulham, với cú cứa lòng một chạm đẳng cấp cao, Van Persie đã xua tan những nghi ngờ. Từ đó, người ta tin rằng anh sẽ thành công. Bàn thắng cứ tìm đến với Van Persie, một cách rất tự nhiên, tựa như hơi thở. Tám trận đá chính đầu tiên cho M.U, anh đã ghi đến tám bàn. Như mùa trước, không tiền đạo nào ở Premier League đạt hiệu suất ghi bàn khủng khiếp như thế.

Xét ở tầm châu Âu, van Persie là một trong năm chân sút xuất sắc nhất hiện tại, bên cạnh Lionel Messi của Barcelona, Cristiano Ronaldo của Real Madrid, Radamel Falcao của Atletico Madrid và Zlatan Ibrahimovic của Paris Saint Germain. Họ thuộc đẳng cấp khác hẳn so với phần còn lại. Họ xuất sắc nhất đội, quyết định số phận trận đấu, thay đổi cục diện bằng những pha xử lý đẳng cấp cao. Họ không những ghi bàn nhiều, thường xuyên mà còn tạo ra cảm hứng cho đồng đội bằng những kiệt tác. Có những cầu thủ ghi bàn thường xuyên, có những chuyên gia ghi bàn thắng đẹp, nhưng vừa ghi bàn nhiều, vừa ghi bàn đẹp lại quá hiếm. Với cá nhân Van Persie, đã có bốn bàn thắng được gọi là kiệt tác, từ cú dứt điểm một chạm vào lưới Fulham, pha khống chế bằng ngực và sút gọc hẹp trước Southampton đến hai tình huống dứt điểm đầy tinh tế trước Cluj và Stoke City.

Người ta cho rằng Van Persie không thể xuất sắc hơn sau những gì thể hiện ở mùa trước. Nhưng cứ đà này, anh hoàn toàn có thể lập những kỷ lục mới. Và quan trọng hơn, anh có thể mơ về những danh hiệu cao quý.

M.U có thể không đoạt được danh hiệu gì khi mùa giải này kết thúc. Nhưng ít nhất, trong thời điểm hiện tại, họ mang đến cho anh những cơ sở để hy vọng.

Tốp 10 chân sút xuất sắc nhất của M.U

TT Cầu thủ Năm Bàn thắng (trận)

1 Bobby Charlton 1956-1973 249 (758)

2 Denis Law 1962-1973 237 (404)

3 Jack Rowley 1937-1955 211 (424)

4 Wayne Rooney 2004-nay 184 (372)

5 Dennis Viollet 1952-1962 179 (293)

George Best 1963-1974 179 (470)

7 Joe Spence 1919-1933 168 (510)

8 Mark Hughes 1983-1995 163 (467)

9 Ryan Giggs 1991-nay 163 (914)

10 Paul Scholes 1994-nay 155 (705)

Người Hà Lan bay

Sân Old Trafford từng chứng kiến một chân sút đẳng cấp cao như thế. Đó là Ruud van Nistelrooy. Năm 2001, M.U mua Van Nistelrooy từ PSV Eindhoven với giá 19 triệu bảng. Năm năm ở M.U, anh đã ghi đến 150 bàn, tức trung bình mỗi mùa ghi được 30 bàn. Đỉnh cao của Van Nistelrooy là mùa 2002-2003, với 44 bàn từ 52 trận trên mọi đấu trường. Mùa giải ấy, anh đã cùng M.U giành chức vô địch Premier League. Van Persie vốn xuất thân từ lò đào tạo Feyenoord, nhưng anh có nhiều điểm tương đồng với Van Nistelrooy. Họ là hai chân sút xuất sắc nhất của bóng đá Hà Lan trong vòng một thập kỷ qua. Cả hai đã lập tức tỏa sáng ngay sau khi gia nhập M.U. Điều trùng lập thú vị: cả hai đều ghi bàn đầu tiên vào lưới Fulham, cùng lập hat-trick đầu tiên vào lưới Southampton!

Đức Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm