Về Tây Giang xem lễ hội đâm trâu

26/04/2009 23:45 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Đối với người C’Tu ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam), con trâu gắn bó mật thiết với cuộc sống của họ, ngoài việc phục vụ cấy cày, trâu còn dùng để tế Trời. Lễ hội đâm trâu thường diễn ra vào dịp mỗi độ xuân về ,hoặc mừng lúa mới, nhà mới, đám cưới.. đây là một nghi lễ truyền thống độc đáo và  đậm đà bản sắc văn hóa dân gian.

Trước khi đến với Tây Giang, tôi đã được nghe kể nhiều về huyền thoại lễ hội huyền bí này. Vậy mà tôi vẫn không khỏi bỡ ngỡ và ngạc nhiên khi lần đầu tận mắt chứng kiến. Giữa đại ngàn rừng núi Trường Sơn, chênh vênh theo những vách núi, không gian diễn ra lễ hội kỳ vĩ, lạ lẫm…Trên nền đất Bazan, trong tiết trời đầy nắng và gió, ngôi làng cổ theo đúng bản sắc của người C’Tu được dựng lên. Ngôi làng gồm có 1 nhà dài, 10 nhà sàn và 1 Gươl. Bằng bàn tay điêu luyện và công sức của các nghệ nhân người C’Tu, những ngôi nhà mái lá vươn lên kiêu hãnh, chúng thực sự là niềm tự hào của đồng bào dân tộc C’Tu nói riêng và người dân Tây Giang nói chung. Con đường từ trung tâm hành chính huyện dẫn lên làng cổ dài chừng 3km, là một công trình kiến trúc đẹp mắt, với chiếc cầu treo nhỏ bắc qua dòng suối uốn lượn. Đi trên con đường này, men theo những bậc thang bằng đá, du khách sẽ được nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót bên tai và cả hoa, bướm cùng nhau khoe sắc...


Vòng người nhảy múa trước nhà Gươl trong lễ tế trâu


Vào đêm trước lễ hội, một con trâu khỏe mạnh được đưa tới ngôi làng. Nó bị buộc vào một cái cột lớn làm bằng cây X’nu, trang trí hoa văn rất đẹp, dựng ở trung tâm làng, ngay trước mặt Gươl. Từng nhóm người C’Tu về đây, mang theo gà, đầu heo… đến bên con trâu hiến tế, họ gửi vào đây bao ước nguyện. Dưới ánh trăng huyễn hoặc và trong khí trời se lạnh, chú trâu vô tư lự hết nhìn người này lại nhìn người khác.

Từ mờ sang hôm sau, khi những giọt sương còn đọng trên tàu lá, từng đoàn người đổ về làng tham dự lễ hội. Những cô gái dân tộc xúng xính trong trang phục thổ cẩm truyền thống, những chàng trai vùng cao thì cười nói vang cả núi rừng, còn các cụ già vừa đi vừa phì phèo tẩu thuốc, những bà mẹ không muốn bỏ qua lễ hội đĩu theo con trẻ trên lưng.

Bước vào lễ hội, một già làng uy tín nhất dẫn đầu đội múa dạo, gồm hai hàng nam nữ thanh niên tiến vào khu vực trung tâm, nơi sắp sửa diễn ra lễ tế. Đoàn người nhảy múa, la hú trong tiếng chiêng trống rộn ràng, tạo thành một vòng tròn khép kín.

Một góc thị trấn Tây Giang mờ trong sương khói


Quan sát xa xa, tôi thấy một cụ già dân tộc đầu tóc bạc trắng, đang ngồi trầm ngâm một mình bên điếu thuốc. Hỏi chuyện, tôi được biết cụ tên  là Briu Hia, năm nay đã 81 tuổi, lần nào có lễ hội cụ cũng đến tham dự. Cụ bảo, đã mấy mươi cái xuân trôi qua, những nét văn hóa của dân tộc C'Tu ngày càng mai một. Rất may, huyện đã lập ra cái làng này để duy trì và phát triễn văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Nghe cụ nói đến đây, tôi chợt liên tưởng về hình ảnh một số cô gái dân tộc tối hôm qua đi trẫy hội, không phải trong trang phục được dệt bằng những tấm thổ cẩm với hoa văn làm ngây ngất lòng người, mà họ đến đây với quần bò, áo phông, đi giày cao gót, trên tay cầm điện thoại di động, miệng thì nghêu ngao hát những khúc nhạc thị trường đang thịnh hành trong giới trẻ, mà thấy xót xa! Có chứng kiến cảnh tượng như vậy mới hiểu hết niềm vui khó nói bằng lời đang ánh lên trong đôi mắt của cụ già.
Sau khoảng 30 phút đoàn người nhảy múa rộn ràng, các già làng, trưởng bản vào cúng bái, khấn nguyện trong một cái lều nhỏ được dựng tạm lên với một mâm đầy lễ vật. Trên mâm lễ vật có gà sống, thịt heo, cơm gạo, trái cây... nhất là không thể thiếu chén máu trâu được lấy từ mũi của con vật. Sau khi khấn vái xong, mỗi già làng cầm trên tay một ngọn giáo dài chừng 3 mét tiến vào gần chú trâu và …đâm!

Chú trâu tội nghiệp chỉ còn biết lồng lộn một cách tuyệt vọng chạy quanh cây cột để tránh né những mũi giáo sắc nhọn. Mỗi lần các già làng đâm trúng trâu, thì vòng người ở ngoài  hò hét khích lệ. Sau một thời gian chịu những trận đòn đau đớn, con trâu khựng lại trong giây lát rồi ngã vật ra thoi thóp trút hơi thở cuối cùng. Lúc chú trâu ngã ra cũng là lúc đỉnh điểm của sự reo hò, như việc bản làng vừa chiến thắng được thế lực ma quỷ nào đó.
Buổi lễ kết thúc, mọi người hồ hỡi ra về mang theo những hy vọng cho một cuộc sống mới với bao điều tốt đẹp hơn…

 Thi Sách

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm