Vẻ đẹp quật cường của những chiếc cặp ba lá

20/06/2012 07:40 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Không phải lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng hình ảnh các cô – những nữ dân quân Ngư Thủy đã làm nên một huyền thoại bất hủ bên bờ biển Quảng Bình hơn 40 năm trước. Đó là huyền thoại về sự trẻ trung, can đảm tuyệt vời của người con gái tuyến lửa trong sự dữ dội và khốc liệt của chiến tranh. Đó chính là sự hiện diện bằng xương bằng thịt của triết lý "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Nền văn học nghệ thuật của chúng ta không chỉ dành cho họ những bức ảnh mà còn có cả những bộ phim tài liệu nổi tiếng như Những cô gái Ngư Thủy (1969) của đạo diễn Lò Minh và 30 năm sau là bộ phim Trở lại Ngư Thủy...

Thế nhưng khi nhìn những bức ảnh về các cô gái Ngư Thủy của phóng viên chiến trường – liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng trong cuốn sách ảnh "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" vừa ra mắt sáng qua, 19/6, tôi mới thấm thía một vẻ đẹp khác, không dễ nhận ra... Đó là vẻ đẹp của những chiếc cặp ba lá. 



Chiếc cặp ba lá sáng lên trong bức ảnh "Nữ dân quân Ngư Thủy đánh trả tàu chiến Mỹ" của Lương Nghĩa Dũng.

Sở dĩ tôi chú ý đến những chiếc cặp ba lá vì trong bài viết của NSNA Chu Chí Thành trên TT&VH số vừa qua về Lương Nghĩa Dũng, ông có nói đến những tình huống trong chiến tranh "mà ta không thể hình dung nổi", như tình huống các anh bộ đội trong bức ảnh "Đấu pháo ở Dốc Miếu" (1968) và những cô gái trong bức ảnh "Nữ dân quân Ngư Thủy đánh trả tàu chiến Mỹ" – tất cả đều để đầu trần. Là người trực tiếp cùng Lương Nghĩa Dũng có mặt ở Ngư Thủy ngày đó, ông lý giải rằng, điều tưởng chừng như phi lý ấy đã thể hiện một hiện thực khốc liệt: Khẩn cấp, không kịp đội mũ.

Hiện thực khốc liệt ấy, thông qua ngôn ngữ của nhiếp ảnh, bỗng ánh lên một vẻ đẹp quật cường. Đó là ánh sáng lấp lóa trên chiếc cặp ba lá trên mái đầu trần của hai nữ dân quân pháo thủ trong bức ảnh. Khi cả hai nhân vật chính đều xoay lưng về phía người xem, bộc lộ vẻ nữ tính ở tấm lưng khỏe mạnh, mái tóc dài búi gọn, thì màu sáng của chiếc cặp ba lá trở thành điểm nổi bật của bức ảnh. Dường như Lương Nghĩa Dũng không hoàn toàn ngẫu nhiên khi chọn góc độ này, có thể nói chính trải nghiệm hiện thực đã giúp ông nhận ra vẻ đẹp đó.



và trong cả bức ảnh "Trần Thị Đích, pháo thủ số 3, người lao đạn nhanh nhất đơn vị".

Trong chùm phóng sự ảnh "Những cô gái giữ biển giữ làng" hơn một lần vẻ đẹp của những chiếc cặp ba lá trên đầu các cô gái miền biển, tuổi từ 17 đến 25 ấy lại đã hút ống kính của Lương Nghĩa Dũng. Trong bức ảnh chụp "Trần Thị Đích, pháo thủ số 3, người lao đạn nhanh nhất đơn vị", mái tóc dài và những chiếc cặp tóc lại nổi bật lên một cách hết sức tự nhiên trong ánh sáng chếch. Đến bức "Một buổi họp bàn phương án chiến đấu của các nữ dân quân Ngư Thủy", người xem lại gặp lại những chiếc cặp ba lá làm rạng ngời lên vẻ nữ tính của những cô gái hiền lành, bình dị đã hóa thân thành những nữ anh hùng. Người con gái Ngư Thủy vẫn đẹp, vẫn nền nã nữ tính trong sự khốc liệt của chiến trường, giữa những chiến công đã đi vào huyền thoại như chiến công ngay trận đầu nổ súng, ba lần khai hỏa, 3 lần tàu chiến địch bốc cháy. Và hơn thế, hiện thực càng khốc liệt thì vẻ đẹp nữ tính ấy càng lộ rõ, càng khiến chúng ta thấm thía.

Tôi đã từng đọc một bài báo bình luận về tượng đài "Những cô gái Ngư Thủy" được xây dựng cách đây không lâu ở Quảng Bình. Bài báo cho rằng khuôn mặt của các "nữ pháo thủ" thể hiện ý chí chiến thắng, nhưng tất cả đều đầu trần, tóc dài kẹp sau lưng là "không phù hợp với thực tế chiến đấu", thậm chí gây thất vọng. Nhưng thực tế của những bức ảnh của Lương Nghĩa Dũng cho thấy có một thực tế còn khốc liệt hơn, "khẩn cấp, không kịp đội mũ" và chính thực tế đó đã tạo ra vẻ đẹp của những cô gái Ngư Thủy với chiếc cặp ba lá, có thể coi là đẹp nhất thế giới. Chỉ có điều không dễ để hiểu được những "mật mã" ấy trong những bức ảnh.

Xin cảm ơn nhà nhiếp ảnh, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, bởi ông đã cho tôi thấy một vẻ đẹp bình dị của người con gái Việt Nam trong sự khốc liệt của chiến trường.

                        Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm