'Vẽ con rồng' - cầu nối khơi nguồn sáng tạo

22/01/2024 14:18 GMT+7 | Văn hoá

Đang diễn ra đến ngày 20/2 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, triển lãm tranh Vẽ con rồng trưng bày 80 tác phẩm minh họa lấy cảm hứng từ linh vật rồng với nhiều phong cách, câu chuyện, tạo hình mới lạ đến từ những họa sĩ trẻ.

Triển lãm được tổ chức bởi doanh nghiệp sáng tạo TiredCity và cộng đồng họa sĩ minh họa trẻ Vietnam Local Artist Group (VLAG), với sự đồng hành của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Rồng muôn hình muôn vẻ

Triển lãm giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nhất được lựa chọn từ cuộc thi vẽ tranh minh họa Illustration Challenge #13 do TiredCity và VLAG tổ chức vào cuối tháng 10/2023. Đây là sự kiện thường niên đã trải qua được 12 mùa thử thách với 4 năm vẽ linh vật - Tí, Sửu, Dần, Mão - được tổ chức trước đó.

'Vẽ con rồng' - cầu nối khơi nguồn sáng tạo - Ảnh 1.

Triển lãm “Vẽ con rồng” đang diễn ra tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Rồng muôn hình muôn vẻ qua 80 tác phẩm của 75 tác giả trẻ được trưng bày tại triển lãm. Qua góc nhìn và nét vẽ của các nghệ sĩ trẻ, con rồng trở lên thật lung linh và không kém phần cá tính qua nhiều câu chuyện và sắc thái riêng.

Có những con rồng của ngàn năm lịch sử. Đó là Rồng bay vào mộng của tác giả Duy Hồ được truyền cảm hứng từ truyền thuyết về giấc mơ rồng trong hành trình dời đô của vua Lý Thái Tổ. Từ giấc mơ ấy, vua lấy hình tượng rồng vàng bay lên đặt tên kinh đô mới là thành Thăng Long.

'Vẽ con rồng' - cầu nối khơi nguồn sáng tạo - Ảnh 2.

Tác phẩm “Rồng bay vào mộng” của Duy Hồ

Đó là An cư lạc nghiệp của họa sĩ Minh Thảo. Tác phẩm cũng lấy cảm hứng từ sự kiện khi mới lên ngôi, vua Lý Công Uẩn cùng với sự cố vấn của thiền sư Vạn Hạnh đã quyết định dời đô về thành Đại La - nơi có thế đất "rồng cuộn, hổ ngồi"  - để an cư lạc nghiệp.

Rồi đến những con rồng hòa quyện cùng văn hóa dân tộc. Như trong tác phẩm Long triều nhật, họa sĩ Hoàn Phan đã tái hiện tinh tế hình ảnh rồng chầu trời cùng hình tượng Mẫu Thượng Ngàn trong tranh Hàng Trống với gam màu sặc sỡ của tín ngưỡng thờ Mẫu. Hoặc trong tác phẩm Kết duyên, tác giả Kiều Như Trang lấy cảm hứng từ cội nguồn của người Việt Nam thông qua hình ảnh trầu têm cánh phượng trao tay để bắt đầu một tình yêu đẹp, khởi nguồn cho dòng máu rồng tiên mang theo sự tự tôn dân tộc, cùng tinh thần đoàn kết đùm bọc.

'Vẽ con rồng' - cầu nối khơi nguồn sáng tạo - Ảnh 3.

Tác phẩm “Long Triều Nhật” của Hoàn Phan

Và có cả những con rồng gần gũi với tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch. Đó là tác phẩm Long nhong của họa sĩ Đỗ Huyền My, từ nét vẽ, tạo hình đến màu sắc đều toát lên vẻ hồn nhiên, vô tư, trong sáng của những đứa trẻ dắt tay nhau "long nhong", nối nhau như một chú rồng nhỏ.

Hoặc tác phẩm Long long du Xuân đã lột tả hình ảnh con rồng của tuổi thơ họa sĩ Bùi Thanh Phong. Từ trò chơi rồng lượn ở cung văn hóa thiếu nhi cho đến những cánh diều rồng bay cao, hình ảnh rồng vẫn luôn thật gần gũi như một người bạn lâu năm đáng trân quý của tác giả.

'Vẽ con rồng' - cầu nối khơi nguồn sáng tạo - Ảnh 4.

Tác phẩm “Long long du Xuân” của Bùi Thanh Phong

Còn nhiều hơn nữa những câu chuyện rồng riêng khác được kể tại triển lãm tranh Vẽ con rồng, mà ở đó tinh thần sáng tạo của những nghệ sĩ trẻ là không giới hạn.

Như ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám bày tỏ tại Lễ khai mạc triển lãm: "Rồng vốn là linh vật linh thiêng trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Song tại triển lãm này, chúng ta thấy hình ảnh con rồng lại hết sức gần gũi, thân thương qua sáng tạo của những họa sĩ trẻ. Đó là những con rồng được khai thác ở nhiều khía cạnh, từ truyền thuyết, lịch sử cho đến cuộc sống đời thường, xã hội đương đại. Tất cả những hình ảnh đó tạo nên một sức sống mới cho hình tượng con rồng".

"Các cuộc thi, triển lãm được tổ chức hàng năm giống như cây cầu nối, dùng nguồn lực sáng tạo nội địa kết hợp với các câu chuyện văn hóa có sẵn để chuyển thành các sản phẩm phục vụ công chúng" - ông Nguyễn Việt Nam, Giám đốc điều hành TiredCity.

Cầu nối với các câu chuyện văn hóa

Tôn vinh sáng tạo của nghệ sĩ trẻ là mục tiêu đương nhiên dễ thấy ở Vẽ con rồng. Nhưng hơn thế, triển lãm này khi được tổ chức tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại gợi mở nhiều câu chuyện khác, thay vì một hoạt động văn hóa thuần túy.

Đó là câu chuyện mà ông Nguyễn Việt Nam, Giám đốc điều hành TiredCity chia sẻ tại khai mạc triển lãm. "Trước đây, tôi được nghe câu chuyện là khi một người họa sĩ, nghệ sĩ tạo ra một tác phẩm, họ sẽ vẽ từng nét cọ, rồi xóa đi; cứ vẽ lại, rồi xóa đi cho đến khi không còn cái gì phải xóa đi nữa để hoàn thành tác phẩm. Tôi nghĩ điều đó đúng. Chúng ta sẽ phải làm đi, làm lại và chiêm nghiệm từng bước một với tất cả những gì chúng ta làm, dù là một sản phẩm, một triển lãm, một dự án hay một tầm nhìn" - ông Nam bày tỏ.

'Vẽ con rồng' - cầu nối khơi nguồn sáng tạo - Ảnh 6.

Tác phẩm “Long nhong” của Đỗ Huyền My

Từ đó, ông cho rằng, việc tổ chức một triển lãm sáng tạo tại Văn Miếu cũng được hiểu như vậy. Cụ thể, đây là một hoạt động có ý nghĩa cần được nhân lên và mở rộng qua từng năm. Bởi, ở một không gian cả nghìn năm tuổi này, chúng ta được chứng kiến các tác phẩm của các họa sĩ rất trẻ, chỉ khoảng đôi mươi ở khắp mọi miền Tổ quốc. Họ khai thác một đề tài rất truyền thống mà tất cả chúng ta đều biết, nhưng với rất nhiều khía cạnh khác nhau, với rất nhiều thế giới quan khác nhau và với một sức trẻ đáng trân trọng.

"Tôi nghĩ, đây là một trong những sự thể hiện ấn tượng nhất cho việc Việt Nam của chúng ta đang có một nguồn năng lượng rất lớn về sáng tạo và một nguồn tài nguyên rất lớn về văn hóa mà chúng ta vẫn còn rất nhiều "đất", rất nhiều không gian để khai thác. Và nếu có thể khai thác tốt, chúng sẽ trở thành một trong những năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam" - ông Nam bày tỏ.

'Vẽ con rồng' - cầu nối khơi nguồn sáng tạo - Ảnh 7.

Tác phẩm “Kết duyên” của Kiều Như Trang

Chia sẻ thêm về các cuộc thi, triển lãm sáng tạo được tổ chức hàng năm bởi TiredCity, ông Nguyễn Việt Nam coi đây giống như cây cầu nối, dùng nguồn lực sáng tạo nội địa kết hợp với các câu chuyện văn hóa có sẵn để chuyển thành các sản phẩm phục vụ công chúng.

"Những hoạt động thử thách, triển lãm mà chúng tôi tổ chức hàng năm giúp chúng tôi nhận ra lớp lớp các thế hệ sáng tạo cứ nối tiếp nhau xuất hiện qua từng năm để vẽ theo những chủ đề tưởng như rất chán, rất cũ. Đến khi chúng tôi chuyển các tác phẩm của các bạn ấy thành những sản phẩm vật lý hay những sản phẩm phi vật lý như các triển lãm thì đều thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Đơn cử như triển lãm Vẽ con mèo năm trước cũng được tổ chức tại Văn Miếu đã thu hút hơn 200.000 khách tham quan".

Cứ như vậy, theo ông Nam, những cuộc thi, triển lãm như Vẽ con rồng có thể trở thành cầu nối rất ý nghĩa cho các nghệ sĩ trẻ, giúp họ được nhiều người biết đến hơn, được ghi nhận nhiều hơn, và có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo. Đồng thời, các câu chuyện văn hóa cũng được kể nhiều hơn, được nghiên cứu nhiều hơn. Bên cạnh đó, công chúng cũng có thêm những giá trị hưởng thụ về mặt tinh thần. Nghĩa là, những hoạt động này "win-win" rất nhiều bên.

TiredCity thành lập năm 2016, với sứ mệnh đưa nghệ thuật và văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng trong nước cũng như quốc tế. TiredCity đã và đang trên hành trình nuôi dưỡng và lan tỏa sáng tạo thông qua việc cộng tác thương mại với hơn 300 nghệ sĩ, tạo ra hơn 100.000 sản phẩm thương mại gần gũi với khán giả trong nước và quốc tế.

13 tác phẩm vì trẻ em thiếu may mắn

Triển lãm Vẽ con rồng bày 80 tác phẩm của 75 tác giả trẻ, kéo dài đến hết ngày 20/2. Trước đó, cũng trong khuôn khổ sự kiện này, 13 tác phẩm xuất sắc từ Illustration Challenge #13 đã được chọn lựa để in lịch, bán gây quỹ Blue Dragon Children's Foundation, nhằm hỗ trợ trẻ đường phố, trẻ khuyết tật và nạn nhân của mua bán người.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm