Về “cái nôi” trồng sơn – lo cho sơn mài

27/07/2010 15:34 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Thực tế cho thấy, “nguồn gốc” của chất liệu sơn mài mỹ nghệ hay nghệ thuật ngày nay không chỉ bắt nguồn hữu cơ từ cây sơn, nơi chiết xuất ra mủ, mà còn từ công nghệ làm sơn. Chính vì sự yếu thế trong việc cạnh tranh giữa thủ công và công nghiệp, đời sống cây sơn và người trồng sơn ngày nay rất bấp bênh, tương lai của chất liệu truyền thống này đang có nguy cơ biến mất tại Việt Nam.

Cây sơn tự phát

Cách đây ít lâu, chúng tôi có dịp đến xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, nơi được xem là “cái nôi” của cây sơn có chất lượng cao. Vào nhà một người dân có đời sống tương đối khá, vậy mà anh chủ nhà không một chút ca ngợi về “đặc sản’’ quê mình, anh cho biết cây sơn đang dần bị thay thế bởi cây keo lai, vì keo trồng nhanh và cho thu nhập cao hơn. Trước nhà anh là đồi sơn của nhà ông An, thuộc diện gia đình có nhiều gốc sơn nhất ở khu 3, với hơn một ngàn gốc, vậy nhưng tổng doanh thu mỗi tháng cũng chỉ vào khoảng 3-4 triệu đồng, trong khi việc khai thác sơn thì khá mệt nhọc, độc hại.

Trước khi vào khu 3, chúng tôi ghé tiệm buôn Hùng Thìn (đối diện UBND xã Dị Nậu), ông chủ tiệm này nói mỗi kg sơn bán ra có giá 130 ngàn đồng, mỗi tháng ông bán được gần 400 kg sơn.


Cây sơn ở Dị Nậu, Tam Nông, Phú Thọ

Người dẫn đường cho chúng tôi là chú Thanh ở khu 3 (52 tuổi, có 3 đứa con đều vào Sài Gòn tìm việc) nói cây sơn mỗi lần cắt cho rất ít mủ, nên khoảng 400 cây mới cắt được 1 kg mủ thô (!?). 3-4 ngày mới cắt một lần, chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tuổi đời của cây sơn lấy mủ cũng không cao, chỉ 5-7 năm khi thân cây có đường kính khoảng 15cm thì chặt củi vì cạn mủ.

Qua một vài khu mà chúng tôi tiếp xúc, có thể thấy tại Phú Thọ hiện nay, người dân trồng cây sơn tự phát, chưa có chiến lược lâu dài từ cấp quản lý, từ hội hoặc trường mỹ thuật... Cho nên, chất lượng sơn chưa được kiểm định để khẳng định giá trị của nó trên thị trường. Nếu được giúp đỡ, thì vùng trồng sơn này hoàn toàn có thể phát triển, chiếm lĩnh thị trường, và qua đó nâng cao mức thu nhập đối với từng gia đình trồng sơn; tương xứng với công sức họ bỏ ra; và cũng tương xứng với công sức họ gìn giữ một nguồn nguyên liệu rất quan trọng cho các nghề mỹ nghệ, mỹ thuật của đất nước.


Dùng dao khía vào thân cây để lấy mủ sơn

Đã có vài hội thảo về sơn mài nhưng đáng tiếc là chẳng đi tới cái đích là cây sơn và đời sống người trồng cây sơn; chứ đừng nói tới chiến lược phát triển nghề sơn mài một cách toàn diện. Các hội thảo chủ yếu ca ngợi phẩm chất ưu tú, sự nổi tiếng của sơn mài, trong khi chất lượng mủ sơn (cái cơ bản nhất) thì chẳng đề cập.

Ngay cả làng Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội), nơi thờ ông tổ nghề sơn là Trần Lư, thì sơn mài chính tông cũng đã không còn từ thời Pháp thuộc, hiện nay gần như không mấy ai ở đó biết về nghề sơn ta tại quê mình. Nhiều cơ sở ở các làng như Hà Thái, Chuyên Mỹ, Duyên Trường… đã chuyển qua làm các loại sơn công nghiệp, sơn nhập khẩu, chẳng còn bao nhiêu cơ sở gắn bó với sơn ta, sơn Phú Thọ nữa.
 
Sơn ta hay sơn “không ta”?

Chất liệu chính của sơn mài là mủ (nhựa) của cây sơn. Thế nhưng, từ nơi trồng cây sơn cho đến tác phẩm sơn mài là cả một hành trình dài, với nhiều công đoạn và dường như “bí mật” lẫn nhau. Với những người đi rừng khai thác gỗ, cây sơn chẳng có gì xa lạ, nhưng với các họa sĩ sơn mài, thì chẳng mấy người biết hình thù cây sơn như thế nào. Số họa sĩ Việt Nam có hiểu biết một cách đầy đủ, tường tận về chất liệu sơn mài từ cây sơn cho đến tác phẩm có thể đếm trên đầu ngón tay.

Không thể đòi hỏi các họa sĩ phải biết tường tận về sơn mài (hay bất kì một chất liệu nào khác), vì họ là người sáng tạo, chỉ sử dụng sơn như vật liệu đơn thuần. Thế nhưng, vì các bước “hình thành” chất liệu và thể loại sơn mài tại Việt Nam khá manh mún, chưa hoàn thiện, nên việc thiếu thông tin về vật liệu mà mình sử dụng rất có ảnh hưởng đến chất lượng (vật lý) của tác phẩm. Đó là chưa nói, trong quá trình thu gom để cung cấp, các đại lý đã pha trộn nhiều thứ vào trong, nhằm tăng trọng lượng, mà chất lượng thì càng sa sút.


Hứng mủ sơn vào vỏ con trai

Sơn ta hay sơn “không ta” tưởng không có gì quan trọng, nhưng thực chất lại quyết định đến tương lai và bản sắc của sơn mài Việt Nam. Nếu các họa sĩ, các tổ chức nghề nghiệp có chiến lược phát triển với cây sơn và chất liệu sơn ta thì nghề sơn ta mới có cơ may duy trì dài lâu; nếu không, sẽ tàn lụi, lúc ấy chỉ còn các tác phẩm sơn mài công nghiệp, hoặc giả hiệu sơn ta mà thôi.

Từ thực tế đó, tác phẩm sơn mài hiện nay làm bối rối cho nhiều người, đặc biệt là khách nước ngoài vốn chuộng sơn ta, vì gần như sản phẩm nào có vẽ sơn (sơn ta, sơn hạt điều, sơn công nghiệp, mực in...) rồi phủ bóng đều cho là sơn mài. Sơn ta ngày càng ít được các họa sĩ sử dụng mà thay vào đó là các loại sơn thay thế khác, vì nhiều lý do, tuy nhiên khi giới thiệu trong các triển lãm cho người xem, đặc biệt khách nước ngoài, thì đều bảo đó là chất liệu sơn ta, hoặc lập lờ. Ngay cả vóc sơn mài ngày xưa cũng được làm từ các loại gỗ nhóm 1, 2, 3… nên rất bền, nay thay thế bằng ván ép, ván MDF... nên chất lượng thấp, nhanh bong rộp.

Chính các thực trạng vừa nêu có quyết định đến tương lai, chất lượng và uy tín của sơn mài Việt Nam hay không, chắc không cần phải trả lời thêm nữa.

VĂN BẢY

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm