28/12/2011 06:14 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH Cuối tuần) - Năm 2011 thực sự là năm vàng của Phan Thị Hà Thanh. Sau khi đoạt tấm HCĐ thế giới tại Nhật Bản, nữ vận động viên thể dục dụng cụ người gốc Hải Phòng tiếp tục chói sáng với 3 HCV tại SEA Games 26.
“Thể dục dụng cụ là lẽ sống”
* Đã tròn 14 năm theo nghiệp thể dục dụng cụ, có bao giờ Hà Thanh nuối tiếc với quyết định của mình?
- Năm 6 tuổi, gia đình gửi em vào trung tâm đào tạo vận động viên của thành phố. Ngoài lý do bận đi làm, bố mẹ còn muốn em sớm trưởng thành và có sức khỏe nhờ tập luyện thường xuyên. Việc lựa chọn tập môn thể dục dụng cụ như một cơ duyên, nhưng em chưa thực sự ý thức rõ nghề nghiệp tương lai của mình. Đến năm 9 tuổi, khi thầy cô đưa đội thể dục dụng cụ Hải Phòng lên tập tại Trung tâm huấn luyện thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), em mê tít động tác đẹp mắt, đạt độ khó cao của đàn anh, đàn chị. Em tự nhủ mình phải quyết tâm để làm tốt như anh chị ấy và quyết tâm trở thành vận động viên thể dục dụng cụ chuyên nghiệp.
* Đâu là bước ngoặt trong sự nghiệp thể dục dụng cụ của Hà Thanh?
- Trước khi đoạt tấm HCĐ giải vô địch thế giới 2011 tại Nhật Bản, em từng có tấm HCB Cúp Thế giới tại Bồ Đào Nha một năm trước. Nhưng tất nhiên, hạnh phúc và sự tự hào càng lớn hơn khi tấm HCĐ tại Nhật Bản giúp em có mặt tại Olympic London 2012. Đến bây giờ em vẫn coi bước ngoặt trong sự nghiệp của mình là lần... em bị loại khỏi danh sách đội thể dục dụng cụ Việt Nam dự AsiaD 2006 tại Doha, Qatar. Lần ấy em bị gạch tên do chưa đủ tuổi thi đấu, nên ấm ức và tủi thân lắm. Đời vận động viên hạnh phúc nhất là khi bước ra sân thi đấu và mang về danh hiệu. Nay bị loại vì lý do không nằm ở chuyên môn, em không buồn mới lạ.
* Vậy còn việc Hà Thanh sở hữu những 3 HCV tại Sea Games 26 thì sao? Chưa kể, Hà Thanh còn tiếp tục gây tiếng vang với tấm HCV tại Toyota Cup mở rộng tại Nhật Bản vừa qua?
- Đạt được thành công đã khó và duy trì thành tích còn khó hơn. Trước ngày dự thi các môn thể dục dụng cụ ở SEA Games 26, em cũng lo đến mất ăn, mất ngủ. Đã là vận động viên thể dục dụng cụ dày dạn kinh nghiệm, song khi ra sân, cũng có lúc lo lắng, không làm chủ được cảm xúc. Sau tấm HCV đầu tiên, em không còn bị áp lực và thi đấu với sự thoải mái hoàn toàn. Việc có 3 tấm HCV cũng thực sự hơi ngỡ ngàng, nhưng phản ánh đúng phong độ em lúc ấy. Em còn vui hơn khi thể dục dụng cụ Việt Nam thi đấu thành công và có tổng cộng 11 HCV. Riêng Toyota Cup tại Nhật Bản, em tự tin và đang có điểm rơi tốt. Có lẽ mọi thứ càng trở nên tốt hơn, khi em nhận tin mình chính thức tham dự Olympic London 2012.
“Phải có máu... liều”
* Bí quyết nào giúp Hà Thanh liên tục có những chiến công liên tục tại các giải đấu trong và ngoài nước những năm gần đây?
- Muốn thành công, ngoài yếu tố tài năng, sự khổ luyện quyết định tới 90% thành công. Mỗi ngày, chúng em phải tập từ 8 đến 12 tiếng liên tục. Nhất là việc luyện tập để có thêm động tác mới có độ khó cao hơn, quyết định cơ hội có huy chương. Thời điểm mới vào nghề, một vận động viên thể dục dụng cụ mất 3 đến 4 năm để học các động tác cơ bản. Sau khi trải qua thời gian đó, em lại mất 2 đến 3 năm để học các động tác khó hơn: Xoay 540 độ, lộn cầu sau, quay 720 độ... Muốn thành công và có thành tích, các vận động viên phải có máu… liều mới thuần thục các động tác. Rất may, trong những năm qua, em chỉ bị vài lần đau cổ chân, cổ tay, chứ chưa dính chấn thương nặng.
* Đã có thành công và thất bại nào mà Hà Thanh từng nếm trải, sau những quyết định liều lĩnh trong thi đấu hay chưa?
- Không chỉ một vài lần trong sự nghiệp, mà em từng trải qua cảm giác hụt hẫng lẫn vui mừng sau những lần liều lĩnh thực hiện động tác khó. Còn nhớ tấm HCĐ giải vô địch thế giới vừa qua, em liều thử động tác mới chưa từng thi đấu, vốn tập luyện 2 năm qua, ở vòng ngoài nhưng thất bại. Nhưng sau khi lọt vòng chung kết tranh huy chương, em quyết định trở lại với động tác này và bất ngờ thành công. Kết quả của sự liều lĩnh, em đã có được thành công ngoài dự kiến.
Còn một lần em trả giá nặng nề sau khi thử sức không thành công với một động tác mới luyện tập tại ASIAD 2010 ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ngoài việc thời gian tập quá ngắn, động tác mới học của em cũng không thực hiện tốt trong phần thi, nên không có huy chương. Đó cũng là giải đấu mà em thất vọng nhất trong nhiều năm qua.
* Đánh giá của Hà Thanh về huấn luyện viên Đỗ Thùy Giang và cả người đồng đội Ngân Thương ra sao?
- Em phải công nhận rằng chị Ngân Thương vui tính, hoạt bát và xứng đáng “chị cả” trong đội tuyển nữ thể dục dụng cụ. Trong thời gian luyện tập, sinh hoạt bên nhau, em đã học hỏi rất nhiều từ chị ấy. Riêng huấn luyện viên Đỗ Thùy Giang cũng là người gắn bó với em 4, 5 năm nay. Em thấy cô ấy là một người thầy nghiêm khắc, tận tụy với nghề và học trò. Chúng em có được ngày hôm nay cũng nhờ một tay cô ấy chỉ bảo tận tình suốt những năm qua.
“Háo hức chờ Olympic 2012”
* Nếu không còn thi đấu thể dục dụng cụ, Hà Thanh có quyết định theo nghiệp huấn luyện hay tìm một hướng đi mới?
- Song song việc tập luyện, em cũng đã theo học tại Trường đại học Thể dục, Thể thao Từ Sơn trong thời gian qua. Em có ý định sẽ làm trợ lý cho cô Giang sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu. Bởi đam mê tìm kiếm lớp học trò kế cận và chỉ dạy lớp đàn em thành người là ước mơ của em. Song em cũng rất khoái đi shopping, mua quần áo mỗi khi rảnh rỗi không phải thi đấu tập luyện. Chắc em cũng thử sức trong việc buôn bán áo quần để thỏa niềm đam mê kinh doanh của mình.
* Riêng ước mơ trong thời gian tới của Hà Thanh là gì?
- Được thi đấu tại Olympic luôn mang lại một cảm xúc đặc biệt và khó diễn tả. Em cũng như các đồng đội khác đều mong mỏi ngày được tranh tài ở giải đấu 4 năm mới có một lần này. Em cũng khao khát cơ hội một lần chạm tay vào tấm huy chương Olympic, và nếu là tấm HCV lịch sử thì hạnh phúc còn gì bằng. Em không tự huyễn hoặc mà xác định phải tập luyện, phấn đấu hết mình trong thời gian ngắn còn lại. Sau Toyota Cup, đội thể dục dụng cụ Việt Nam sẽ sang Anh thi đấu vào ngày 7/1/2012. Năm nay thực sự là năm “vàng” đối với bản thân em và em muốn có cái kết có hậu.
* Xin cảm ơn và chúc Hà Thanh cũng như đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam tiếp tục mang về thật nhiều vinh quang cho thể thao nước nhà!
Phan Thị Hà Thanh, có thể bạn chưa biết... * Phan Thị Hà Thanh sinh ngày 16/10/1991 tại Bính, Hồng Bàng, Hải Phòng. Năm 6 tuổi, Hà Thanh bước vào lớp đào tạo vận động viên của thành phố cảng và lần đầu tiên có tấm HCĐ vào năm 2001 tại giải vô địch quốc gia tổ chức ở TP.HCM. Tính đến nay, Hà Thanh sở hữu tầm 30 HCV ở các giải đấu trong nước. * Đến Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2002, Hà Thanh tiếp tục gây bất ngờ khi đoạt 2 HCV cá nhân. Năm 2003, Hà Thanh đoạt tấm HCV đầu tiên ở SEA Games ở nội dung đồng đội nữ. Tính đến thời điểm này, Hà Thanh đã có 5 tấm HCV sau các kỳ SEA Games 2003, 2007 và 2011. * Tấm huy chương đầu tiên trong các giải đấu mang tầm châu lục là năm 2008, khi Hà Thanh đoạt HCĐ tại giải vô địch châu Á. Hai năm sau tại Cúp Thế giới, “Nữ hoàng thể dục dụng cụ” người Hải Phòng tiếp tục có tấm HCB cao quý. * Năm 2011 thực sự là năm “vàng” của cô gái mới tròn 20 tuổi người đất cảng. Sau khi đoạt HCĐ giải vô địch thế giới và giành vé dự Olympic 2012, Hà Thanh tiếp tục có 3 HCV ở SEA Games 26. Vừa qua, Hà Thanh tiếp tục có thêm tấm HCV tại Toyota Cup ở Nhật Bản. * Hà Thanh cũng thổ lộ cô có người yêu là nam vận động viên Văn Hoàn, cũng thuộc tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam. Đây là cặp đôi thứ 2, khi “chị cả” Ngân Thương cũng thầm thương đồng đội nam nhỏ hơn mình 1 tuổi là Hoàng Cường. |
Mộc Miên(thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất