VĐV khuyết tật Nguyễn Thị Nguyệt Ánh: Lận đận phận đời nữ xe lăn

19/09/2010 07:12 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Đã từng tạo tiếng vang và mang về rất nhiều “vàng” cho đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam. Nay gặp lại, chị vẫn trẻ, khỏe và vẫn “hăng máu” cống hiến cho sự nghiệp đua xe lăn. Cuộc sống của chị đã không còn khó khăn như trước nhưng cũng khó có thể đảm bảo được khi chị ngừng chạy trên các trường đua trong nước và quốc tế thì số mệnh chị sẽ thôi hết lận đận, lo toan.

Tròng trành trên chiếc chân giả

Sinh ra trên vùng quê nghèo lam lũ, ký ức tuổi thơ tuy không khắc nghiệt nhưng cũng không tránh khỏi khốn khó. Để có thể tồn tại giữa cuộc sống đời thường chị cũng phải bôn ba, nay chỗ nọ mai chỗ kia kiếm miếng cơm, đồng tiền phụ giúp cha mẹ nuôi 5 anh chị em.

Học hết lớp 8, chị ngậm ngùi chia tay con đường học tập cũng chỉ vì nhà nghèo quá. Cho dù có muốn cũng đành dứt áo học trò, gác bút lại mà tính đến chuyện mưu sinh.

Định mệnh đã đến với chị vào năm 1993, khi trên đường đi trẩy táo, bị ô tô tải cán, chị phải vào viện, cưa phăng một cái chân.

Được sự giới thiệu của một giáo sư y học người nước ngoài đến Trung tâm đào tạo kỹ thuật chỉnh hình VIETCOT. Từ đó chị bắt đầu cuộc sống mới, với những bước đi tròng trành trên chiếc chân giả. Nước mắt rơi hằng đêm khi nghĩ về đời con gái, nhưng khóc chán, nước mắt chảy ngược vào trong cũng thành chai sạn, biến thành quyết tâm, phải đứng dậy vì chính bản thân và người thân của chị.

Bất chấp hiểm nguy giành vàng

Mải miết kiếm tiền mãi cho đến năm 1996, chị xem được cuộc thi thể thao của những người khuyết tật trên ti vi. Lúc ấy khát vọng điền kinh thời học sinh trong chị lại ngùn ngụt bừng lên. Còn nhớ hồi đó chị được nhà trường cử đi thi các môn: chạy, nhảy cao, nhảy xa… Không có thời gian tập, chị tranh thủ buổi trưa tìm đến cái hố cát của nhà trường mà luyện.


Chị Ánh trong một cuộc đua. Ảnh: Ngô Anh Tuấn

Lúc ấy nghĩ đến đôi chân không còn nguyên vẹn, lòng chị nhói đau đến trào nước mắt. Biết chuyện, người anh trai ruột đã động viên: anh sẽ đưa em đi tìm một nơi dành cho em, em còn cả đôi tay cơ mà. Đôi tay ấy sẽ làm được rất nhiều chuyện.

Sau hai ngày anh em lang thang ở nội thành dò hỏi, cuối cùng chị xin được vào Câu lạc bộ Khúc Hạo. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn, chị đã có tên trong câu lạc bộ. Vui mừng quá, buổi tập đầu tiên chị đi từ 3h sáng, đến câu lạc bộ chưa mở cửa.

Cũng từ ngày ấy, chị lại chăm chỉ đạp xe 15 cây số từ nhà đến trung tâm, rồi háo hức mỗi ngày 2 tiếng làm quen với chiếc xe lăn. Lúc đầu còn đau cơ tay, cơ chân, vài ngày sau quen dần rồi cảm thấy 120 phút là quá ít. Vậy là chị bày tỏ mượn xe về tập.

Với nỗ lực không biết mệt mỏi ấy, chỉ sau hai tháng chị tham gia cuộc đua đầu tiên tại Quảng Trị. Lúc đầu chỉ có ý đua để lấy kinh nghiệm, không ngờ chị lại giành giải Nhì toàn quốc môn xe lăn nữ 3km.

Bât ngờ ấy đã đem lại cho chị niềm vui và có thêm quyết tâm cho những cuộc đua sau này. Huy chương vàng đến với chị ngay trong tháng 10 năm đó tại cuộc thi toàn quốc môn xe lăn nữ 10km.

Trải qua 13 năm thi đấu, Nguyễn Thị Nguyệt Ánh đã đem về biết bao huy chương vàng cho đội tuyển thể thao khuyết tật Việt Nam. Tên tuổi của chị đã thành niềm tự hào cho người Việt Nam tại các đấu trường Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Trong hai năm liên tiếp, 2000 và 2001 chị đều giành giải Nhất cuộc thi Marathon New York và Achilles Marathon New York diễn ra tại Mỹ. Chị còn được Thị trưởng thành phố New York Rudolph Giuliani tặng chiếc Chìa khóa vàng của tòa thị chính.

Khi chị mang thai đứa con thứ nhất, bị nghén nên không ăn được gì. Chuẩn bị vào cuộc thi thì cơn đói ập đến, nhìn thấy một ổ bánh mì ai để gần đấy chị bảo anh Tuấn (HLV) lấy cho chị một miếng. Dù cho bánh khô thế, ăn chẳng ngon lành gì, nhưng cố nuốt. Mà như chị bảo, nếu không nghén, nhiều khi đi thi xa cũng chỉ lót dạ bằng gói mì tôm mang theo, chỉ thi bằng ý chí.

Đời lăn theo vòng đua

Đến nay, chị gần 40, đã lập gia đình và có hai con nhỏ, cháu nhỏ học lớp 2, cháu lớn học lớp 4. Chồng chị cũng bị cụt hai chân. Hai người đến với nhau bằng sự đồng cảm và khát vọng sống.


Chị Ánh bên 2 đứa con nhỏ. Ảnh: Tự Lập

Chồng và mẹ chồng thương chị lắm, là chỗ dựa ở hậu phương. Nhà có hai mảnh vườn, mẹ bán một mảnh được 14 triệu đồng. 10 triệu để anh học và mua đồ nghề, 4 triệu còn lại mua cho chị cái xe máy. Mấy hôm đầu đi tập bằng xe máy từ 3, 4h sáng vừa đi vừa ngủ gật, về bong gân, chảy máu, chồng xót lắm. Từ bữa đó anh dậy sớm hơn chị, pha một cốc chè thật đặc và lấy trộm của mẹ một quả quýt để chị ăn lót dạ.

Tình nghĩa sâu đậm, người nữ VĐV xe lăn ấy, hàng đêm vẫn lo toan cho mái ấm gia đình nhỏ của mình. Dù khuyết tật nhưng chị chưa bao giờ để cho chồng và hai con thiếu thốn về tình cảm cũng như vật chất. Nhưng nếu mai này chị không còn thi đấu nữa, cũng sẽ chẳng có tiền thưởng, sẽ chẳng còn trợ cấp. Mà nếu chạy mà không có giải, cũng sẽ chẳng có một khoản thu nào.

Hai bàn tay chạy mãi, đua mãi rồi cũng có ngày xương cốt cần phải nghỉ. Không hiểu số phận chị và cái tổ ấm nhỏ lúc đó sẽ ra sao?

Rời mái ấm nhỏ giữa làng quê nghèo khi trời đã quá trưa, chị tiễn chúng tôi ra tận đầu làng. Ngoảnh lại vẫn thấy chị đứng đó, chiếc nạng gỗ khua lên chào vẫy. Đi trên con đê lộng gió mà chúng tôi băn khoăn, làm thế nào để những VĐV khuyết tật như chị không còn phải nghĩ, rồi sau này, mình sẽ ra sao.

Tự Lập – Ngọc Trâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm