VĐV Dương Thúy Vi: Cá tính dữ dội & Hành trình gian nan

08/12/2013 12:31 GMT+7 | Gương mặt

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc chuyện trò giữa phóng viên Thể thao & Văn hóa và mẹ của VĐV Wushu Dương Thúy Vi thường xuyên bị cắt đứt bởi những cuộc điện thoại chúc mừng, và lâu lâu lại có người hàng xóm đi qua nói với vào: “Mừng cháu Vi nhé”. Hôm nay, cô Nguyễn Thị Hoa, mẹ của Vi, có lẽ là người vui nhất, bởi vì cô là người hiểu rõ nhất, đằng sau tấm huy chương ấy là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và sự hy sinh.

“Con chỉ thích nghề đánh đấm này thôi”

“Trước khi đi SEA Games thì anh họ cháu lấy vợ. Nó bận tập nên không về được đám hỏi. Nhà chỉ có một con gái nên khi về, mọi người cứ hỏi cháu đâu. Phải đến đám cưới chính Vi mới về được” – Cô Hoa kể lại. “12 giờ trưa tập xong là về đi đám cưới, nhưng ăn uống không được mấy. 3 tiếng sau đã thấy ở nhà ăn vội ăn vàng, kêu ‘Con đói quá’ xong lại tất tả đi tập.”

Dương Thúy Vi (giữa) rạng rỡ bước lên bục nhận huy chương.

Lúc ấy, tâm trí Vi có lẽ chỉ có SEA Games. Em nói với mẹ: “Con sợ không tập, đánh sẽ thua.” Trong lời ấy có sự say mê, hiếu thắng, và cả sức tập trung rất đáng nể so với độ tuổi của mình: “Nó đam mê lắm, dành cả tâm trí vào Wushu.” – Mẹ Vi kể tiếp. “Có lần đi thi đấu quốc tế bị xử ép, về khóc rấm rứt. Năm 2008, chấn thương xong, đầu gối đi cứ lạch cạch. Tôi cũng bảo hay con nghỉ đi, con gái bây giờ tập như thế, nhỡ ra mà có vấn đề gì thì hối tiếc.”

5 năm trước, em dính chấn thương dây chằng khá nặng và dù hoàn thành bài thi, vẫn phải để các đồng đội bế ra khỏi sàn đấu vì quá đau. Cho đến giờ, em vẫn phải đi châm cứu và xoa bóp thường xuyên: “Hồi về đám cưới anh họ, vì tập nặng quá, nó đau đến không ngồi nổi, phải nhờ bố duỗi cơ cho.” Nhưng Vi cứng đầu lắm: “Con chỉ thích nghề đánh đấm này thôi.” – Mẹ Vi kể lại.

Cá tính, độc lập và mạnh mẽ

Vi độc lập và mạnh mẽ từ khi còn nhỏ: “Chỉ ba ngày sau sinh nhật một tuổi của nó, tôi gửi nó đi trẻ từ đó cho đến khi 5-6 tuổi, không bao giờ phải nghe cô giáo phàn nàn gì. Vi rất ngoan” – Cô Hoa kể. Lên 8 tuổi, Vi đã đạp xe từ nhà ở Triều Khúc vào nhà thi đấu ở Hà Đông cách đó chừng 7 cây số để tập luyện, nắng cũng như mưa. Lớn lên một chút, quãng 12-13 tuổi, Vi cũng một mình đi xe bus: “Lắm lúc nó tập mệt quá ngủ quên trên xe, đi quá một bến, thế là lúc tỉnh dậy cũng không gọi anh, lặng lẽ đi bộ về bến cũ.”

Mẹ Vi còn nhớ một lần bị xử ép ở một giải quốc tế, em còn tranh luận với lãnh đạo đoàn TTVN rằng không hiểu mình thi đấu tốt vậy, làm sao lại thua. Khi Vi tập bị kiếm sượt vào mắt, cũng chẳng nói chẳng rằng, về mới kể với mẹ. Một lần đi tập huấn bên Trung Quốc, em bị ngộ độc đúng ngày sinh nhật mẹ, nhưng sợ cô Hoa lo lắng, cũng không dám nói gì: “Nó đi viện, xong về mới kể là bị ngộ độc. Nó còn gọi điện chúc mừng sinh nhật tôi.” 

"Vi nó ngã rồi nó lại tự đứng lên", cô Nguyễn Thị Hoa mẹ của nhà vô địch SEA Games tâm sự

“Tôi còn nhớ hồi nó khoảng 5-6 tuổi, ngồi ăn cơm, tôi bảo nó ‘con ngồi ăn thì ngồi thẳng lên’, nó không nghe, thế là tôi vụt Vi mấy roi. Bố xót con bế Vi lên chạy ra ngoài, nhưng nó lại tụt xuống, chạy vào… ăn đòn tiếp.” – Cô Hoa kể lại, miệng cười, nhưng mắt thì ngấn nước.

Cá tính không thể lay chuyển ấy theo Vi đến tận bây giờ. Wushu là một môn tương đối giàu thử thách, vì các em phải tập trung tập luyện từ khi còn nhỏ, không được gia đình bao bọc như phần lớn các bạn cùng trang lứa: “Tôi cứ phải dõi theo con luôn, vì chỉ sợ nó bị tự kỷ. Lắm lúc không tập thì cũng không đi ra ngoài, chỉ ngủ lì trong phòng.” Nhưng với Vi, đó là đam mê vô điều kiện: “Tôi hỏi nó là cứ thế này thì đến khi nào con mới nghỉ? Nó bảo ‘con cứ đánh tiếp rồi tính mẹ ạ.”

Đôi lúc Vi cũng cảm thấy Wushu chưa bao giờ khó khăn đến thế: “Chấn thương, rồi đôi lúc thấy bất công, tôi nói nghỉ rồi có lúc nó cũng xuôi, cũng kể là muốn đi du học. Nhưng rồi lại lao vào tập luyện.” – Cô Hoa kể. Vi cứ ngã, và tự đứng lên như vậy.

Một ngày trước khi bước lên bục huy chương, Vi ngồi khóc rấm rứt vì chấn thương đầu gối trong buổi tập: “Nhìn rõ cả vết bầm, tôi thấy con khóc, xót lắm” – Cô Hoa hơi ngập ngừng. Nhưng rồi Vi vẫn hoàn thành xuất sắc bài quyền. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của em, ít ai nghĩ hành trình của tấm huy chương Vàng đầu tiên của TTVN tại SEA Games lần này lại gian nan, và nhiều sự hy sinh đến thế.

Dương Thúy Vi, những điều chưa biết 

Thành tích: Thúy Vi từng giành HCV giải trẻ Thế giới, HCV giải trẻ châu Á, HCV Asian Indoor Games, HCV Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới.

Họ tên: Dương Thúy Vi

Sinh nhật: 11/5/1993

Nickname: Vi 'tỏi' (không phải vì thích ăn tỏi mà hay có kiểu búi tóc củ tỏi)

Sở thích: Lượn phố, shopping, ăn sữa chua thạch, ăn kem mùa đông

Lý do Thúy Vi chọn wushu: Hồi 8 tuổi, có người anh họ đi tập Wushu. Thầy giáo đến nhà, thấy Thúy Vi có tố chất, liền cho Vi làm một bài kiểm tra nhỏ: “Thầy bảo cháu chụm chân rồi thử nhảy xa 1-2 lần. Thế là nó nhảy, lần thì được 1.5 mét, lần được 1.4 mét” – Mẹ Vi kể lại. Hồi 3 tuổi, Vi đã bắt chước động tác tập… Thiếu Lâm của bố, vốn cũng học võ.

Sở trường: Trường quyền

Chấn thương nặng nhất: Năm 2008, khi dự giải trẻ thế giới ở Indonesia năm 2008, Vi đang thi đấu nội dung Thương thuật và bị chệch cổ chân khi tiếp đất. Rất đau nhưng Vi đã cố gắng hoàn thành bài thi và phải để bác sĩ và các đồng đội bế ra vì đau quá.

Thách thức lớn nhất trong sự nghiệp: Do học hành giảm sút, mẹ Vi từng định cho con nghỉ. Nhưng nhờ các HLV khuyên và động viên, mẹ Vi đã đổi ý và để cô tiếp tục sự nghiệp võ thuật của mình.

Ước mơ trong tương lai: Được trở thành một HLV Wushu.


Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm