01/06/2011 11:33 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH) - Tối 29/5 vừa qua, Thanh Hằng bay từ Hà Nội vào Sài Gòn. Không kịp ghé thăm căn nhà nhỏ của mình ở quận 2 với người mẹ già, 2 đứa em trai cùng chị gái vừa sinh cháu, “nữ hoàng họ Trương” lại tất bật lên chuyến máy bay 10 giờ tối để hôm qua đặt chân lên nước Đức cùng đồng đội chuẩn bị cho chuyến tập huấn dài ngày sắp tới.
Vào vị trí xuất phát
Bà Phượng, mẹ của Hằng, trầm ngâm kể chuyện Hằng với đôi mắt kèm nhèm. Nỗi nhớ con của người đàn bà 54 tuổi này không biểu lộ rõ. Có chăng, đó cũng chỉ còn là một chút xót xa con thân gái dặm trường. Bà nhún vai tự an ủi mình: “Cũng may nó đã quen đi xa từ khi còn nhỏ, chứ không thì…”
Bao nhiều tiền lương, tiền thưởng, Thanh Hằng lập tài khoản ngân
hàng, giữ làm vốn sau này. Ảnh : T.L
Mười sáu tuổi, Trương Thanh Hằng đã “trót” mang duyên nợ với điền kinh. Nhiều người tin con đường đến với thể thao gần như là một định mệnh, và định mệnh ấy đã “trói” Hằng bằng những vinh quang lẫn gian khó, những đắng cay lẫn ngọt ngào của đời VĐV. Nhà vốn không có ai theo nghiệp thể thao, mẹ buôn bán, cha thì làm xây dựng. Thế nhưng, họ lại chính là những người đầu tiên ủng hộ con gái mình chơi môn thể thao nữ hoàng.
Hành trình đến với đường piste của Hằng có lẽ cũng không nhiều dấu mốc. Bắt đầu bằng một lần tình cờ được cử đi thi đấu cho trường hồi lớp 5, Hằng đạt HCB và phần thưởng đầu tiên từ “nghề chạy” trị giá 200.000 đồng. Cái thời ấy, 200.000 đồng hãy còn là quá lớn. Đặc biệt với một cô bé lớp 5, nó có ý nghĩa nhiều hơn tiền bạc. Bà Phượng vẫn còn nhớ con gái đã vui như thế nào khi cầm số tiền đó đưa cho mình.
Một năm sau khi vào đội năng khiếu TP.HCM, Hằng được triệu tập vào ĐTQG, đồng nghĩa với việc xa nhà. Lần đầu tiên, mẹ phải dẫn đi. 10 ngày sau mẹ về, Hằng còn rơi nước mắt. Bà Phượng cũng phải dằn lòng lắm mới để con ở lại nơi đất khách quê người. “ Lần ấy cũng may mà tôi cương quyết, chứ cứ như các chú các anh trên TP.HCM không cho đi vì bảo Hằng còn quá nhỏ, thì có lẽ giờ này Hằng đã không được như thế”, bà Phượng nhớ lại, cười xòa cho cái sự may mắn của con gái mình.
Chuẩn bị… sẵn sàng…
Kể từ khi chuyển ra Đà Nẵng tập cùng ĐTQG, rồi về đầu quân cho Ninh Bình, với Thanh Hằng, đường piste chính là ngôi nhà thứ 2 của cuộc đời mình. Điền kinh đòi hỏi một cường độ luyện tập vô cùng cao, và phải hết sức tập trung mới có thể có thành tích. Nhìn vào bảng thành tích và những huy chương, bằng khen mà cô gái Sài Gòn đã đạt được trong suốt những chặng đường dài của sự nghiệp, có thể hình dung được Thanh Hằng đã phải nỗ lực như thế nào.
“Đã chơi thể thao, nhất thiết phải có thành tích. Thành tích trước hết là cho mình. Vì thế mà mỗi khi Hằng gọi điện về nhà, hay chat qua mạng với 2 đứa em nó, cả nhà đều luôn động viên nó ráng mà chạy cho có huy chương, sau này bỏ đường chạy rồi còn có cái vốn mà làm ăn với thiên hạ…”, mẹ Hằng bộc bạch. Dẫu cho mỗi lần ngắn ngủi Hằng về nhà, bà mẹ phúc hậu nhìn con ốm đi, hay luyện tập quá mệt, mà buồn trong dạ.
Chạy!…
Thân gái sống xa quê, chẳng người mẹ nào không xót con. “Nó đã mê thì mình cũng xuôi theo, chứ biết cái đời VĐV, đã chạy là cứ chạy mãi, đã đi là cứ đi suốt. Lâu lắm, Tết nhất mới về nhà được độ một tuần, lại đi. Mẹ con chẳng kịp tâm sự gì nhiều nhặn”, bà Phượng thở dài, “Con bé vốn ít nói, tính tình mạnh mẽ nên tôi cũng không phải lo. Chỉ là cái bụng làm mẹ nó thế…”.
Mười sáu tuổi, Trương Thanh Hằng đã “trót” mang duyên nợ
với điền kinh. Ảnh : VSI
Hằng đi, căn nhà nhỏ trong con hẻm tối ở quận 2 của gia đình chị cũng chỉ mở cửa độ mấy tiếng đồng hồ buổi tối. Mẹ Hằng buôn gạo, bỏ mối cho các tiệm gạo trong thành phố, tất bật sáng chiều. Nay có thêm cô con gái lớn là chị của Hằng mới sinh đôi về ở bên cạnh nhà, bà lại càng thêm bận rộn. 2 em trai Hằng, đứa vừa giải ngũ, đứa đang theo học phổ thông, theo “gen” chị, cũng đang “đầu quân” cho đội trẻ điền kinh TP.HCM với lịch trình sáng đi tối về. Căn nhà 3 người thành ra yên tĩnh đến ngậm ngùi, trừ những hôm đứa cháu sang bi bô tìm ngoại.
Giờ đây, một tay chăm lo cho cuộc sống gia đình, bà Phượng cũng không còn nhiều thời gian để nhớ con như trước. Cậu út của gia đình năm sau ngấp nghé vào Đại học, lại thêm một mối lo mới chiếm hết cuộc sống của người mẹ tảo tần. Bà cười bảo được lo lắng cho các con là hạnh phúc lắm, chỉ mong chúng thành đạt và bản lĩnh như chị chúng là vui rồi.
Biết là vậy, nhưng nhiều khi, bà vẫn không ngăn được nỗi nhớ con cố hữu trong lòng người mẹ. “Vẫn biết con gái cũng không sống gần cha mẹ cả đời được. Thể thao là sự nghiệp của nó rồi, mình làm cha làm mẹ cũng chỉ biết ủng hộ nó hết mình thôi. Nhớ nó quá thì xem ảnh, xem TV hay gọi điện. Những ngày hiếm hoi nó ở nhà thì tranh thủ nấu cho nó món này món nọ, hay ngồi nhìn nó chơi với đứa cháu gái. Thấy nó cười mà mình vui lây…”.
Để dành
Dùng từ “để dành” bằng chính nghĩa đen để nói về cái sự “lo xa” của “nữ hoàng họ Trương” có lẽ là một sự trân trọng. Khác với nhiều VĐV tiếng tăm khác, cô gái Sài Gòn vốn xuất thân từ trong gian khó, nên luôn biết quý đồng tiền mình làm ra từ mồ hôi và cả nước mắt đã đổ xuống trên đường chạy, chứ không tiêu xài hoang phí. “Bao nhiều tiền lương, tiền thưởng, Hằng lập tài khoản ngân hàng, giữ làm vốn sau này. Còn lại, nó gửi về sắm sửa trong nhà, mua xe cho các em. Căn nhà này ngày xưa không được thế đâu. Sau nó cho lát gạch nền và đổ thêm cái gác mới khang trang lên tý”, bà Phương đon đả tiết lộ.
Con gái tuổi Dần, vốn đã bị mặc định lận đận trong chuyện tình duyên, lại thêm cái mác VĐV đi nhiều, tập luyện nhiều, nhan sắc cũng “phó mặc” trên đường chạy, đôi lúc, mẹ Hằng cũng lo lắng thật sự về cái sự chồng con của cô con gái thứ 2. “ Đường tình nó không giống đường piste, không phải cứ cố gắng chạy thật nhanh là có thể về đích sớm. Nhiều lúc nhìn quanh trong phố, thấy mấy cô tuổi Dần cứ ở vậy mãi chẳng chịu đi lấy chồng, mà bỗng thương con bé. Nó thủ thỉ cũng có anh này anh nọ, nhưng mà khó biết được là có thể tiến xa hơn không.”
Nỗi lo của người mẹ ấy vốn không thừa. Sinh năm 1986, năm nay đã 27 cái “xuân xanh”, cuộc đua trên đường piste rồi cũng sẽ đến hồi kết. Hiện Hằng đang theo học ĐH TDTT để dễ dàng tìm một chỗ đứng cho mình trong sự nghiệp huấn luyện sau khi giải nghệ. Là một cô gái thông minh và bản lĩnh, Hằng hoàn toàn có thể làm chủ được cuộc sống của mình ở mọi giai đoạn của cuộc đời VĐV. Chỉ có điều, những “lăn tăn” trên đường tình của cô con gái đôi khi vẫn làm dậy lên nỗi lo mơ hồ nơi người mẹ suốt ngày quen tất bật.
Còn “nữ hoàng họ Trương”, có lẽ mục tiêu cao nhất của chị bây giờ vẫn là những chiếc HCV trong tất cả các giải đấu mà chị tham gia, như ước mơ chị đã từng chia sẻ trong một lần phỏng vấn. Là SEA Games 26, là Olympic London 2012,… và hơn thế nữa. Ước mơ đó sẽ là động lực để Thanh Hằng nỗ lực, và biết đâu đấy, điều kỳ diệu sẽ lại đến từ đôi chân chị.
Và thế, khi những bước chạy của Hằng vẫn còn rất đẹp, khi tình yêu điền kinh vẫn còn đủ để chị coi đường piste là ngôi nhà thứ 2 của mình, thì thiết nghĩ có lẽ chẳng nên lãng phí thời gian vào chuyện “con gái tuổi Dần” làm gì nữa.
Nguyễn Vân
TRƯƠNG THANH HẰNG - Sinh ngày 1/5/1986, tại TP.HCM. - Hiện là VĐV điền kinh của ĐTQG và VĐV thuộc biên chế của Ninh Bình. - Thành tích nổi bật: + Liên tục “thống trị” những đường chạy trong nước ở các cự ly 1500 và 800m + Chuyên gia phá lỷ lục của chính mình + HCV 1.500 m, HCB 800 m ở giải trẻ Hong Kong mở rộng 2004 + HCV 1.500 m, HCĐ 800 m SEA Games 23. + HCV 800 m và HCĐ 1.500 m giải điền kinh châu Á 2008. + 2 HCB 1500m, 800m tại Asian Games 16 (2010) … -Danh hiệu: VĐV xuất sắc quốc gia liên tiếp nhiều năm liền. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất