08/12/2022 15:08 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Câu chuyện khó tin nhưng lại là sự thật. Chỉ với một dòng trạng thái, cô gái trẻ đã kêu gọi được 1 tỷ đồng từ bạn bè và cả những người không quen.
1. Cuộc sống thay đổi sau 2 biến cố
Trương Hải Lâm là một cô gái sinh ra ở Hà Nam, Trung Quốc. Cha cô là một tài xế xe tải, mẹ cũng phải đi theo để phụ giúp. Gia đình họ Trương rất vất vả, có khi hai ba giờ sáng, họ đã phải ra ngoài. Ông bà Trương bận rộn cả ngày chỉ để nuôi dạy hai đứa con.
Trương Hải Lâm vốn là người thông minh, luôn là học sinh giỏi từ khi còn nhỏ. Cô có cá tính mạnh mẽ và cầu toàn. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô đến Bắc Kinh để xin làm thực tập sinh cho một tạp chí và sống trong một căn nhà với giá thuê hàng tháng là 300 nhân dân tệ. Đó là một dãy phòng rộng khoảng 100 mét vuông, được chia thành 11 phòng. Cô sống ở căn phòng số 7, quanh năm không có ánh sáng mặt trời.
Khi đó, Trương Hải Lâm quyết tâm cải thiện bản thân, hy vọng có thể thay đổi cuộc sống của mình trước 30 tuổi. Cô thường xuyên thay đổi công việc, đã thử sức trong các dự án phúc lợi cộng đồng và cả khởi nghiệp.
Nhưng biến cố không ngờ ập đến, một ngày nọ, mẹ cô đột nhiên bị ốm nặng và được đưa vào cấp cứu do xuất huyết não. Tất cả tiền tích lũy được của Trương Hải Lâm và gia đình đều được dùng để chữa bệnh cho mẹ.
Ba tháng sau, tình trạng của mẹ được cải thiện, cô thay đổi công việc và gia nhập một công ty mới thành lập ở Hàng Châu. Nhưng quãng thời gian vui vẻ chẳng kéo dài được bao lâu, đi làm được chưa đầy một tuần thì bố cô gặp tai nạn. Đó là tháng 6 năm 2015, và Trương Hải Lâm mới 27 tuổi.
2. Tìm 300 người để vay 300.000 nhân dân tệ
Đầu tiên là mẹ ốm nặng, sau đó là bố lái xe gây thương tích nặng. Cha của Trương Hải Lâm phải bồi thường khoản tiền ước tính khoảng 300.000 nhân dân tệ.
Nếu bán nhà đất để bồi thường, đồng nghĩa với việc em trai không có tiền cưới vợ, tuổi già cha mẹ không có nơi để đi. Giải pháp tốt nhất trong tình huống này là đi vay. Nhưng 300.000 nhân dân tệ cũng không phải số tiền nhỏ, ai có nhiều như vậy? Cho dù mượn, nếu đối phương cần gấp, lấy gì trả lại?
Trong lúc tuyệt vọng, Trương Hải Lâm chợt nảy ra một ý tưởng: "Nếu tôi có thể tìm được 300 người và vay mỗi người 1.000 nhân dân tệ, thì sẽ có đủ tiền! Theo thu nhập hiện tại, tôi có thể trả 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng, số tiền này có thể trả hết trong khoảng 5 năm. Nếu ai đó cần tiền gấp, tôi cũng có thể xoay sở để trả mà không ảnh hưởng quá nhiều”.
Sau khi nghĩ kỹ, Trương Hải Lâm soạn một bài viết trong 15 phút, nói về hoàn cảnh của chính mình:
"Tôi cần 300.000. Tôi đang tìm 300 người bạn. Mỗi người cho tôi mượn 1.000 nhân dân tệ.
Theo mức lương hiện tại, tôi có thể trả nợ cho 5 người mỗi tháng, và tôi cần trả trong 5 năm. Trong trường hợp tiền lương của tôi tiếp tục tăng, tôi sẽ đẩy nhanh tốc độ trả nợ. Hy vọng được mọi người giúp đỡ, tôi nhất định sẽ trả lại số tiền này”.
Trương Hải Lâm đăng bài viết lên tài khoản chính thức cá nhân của mình. Bài viết ghi tên và số điện thoại của cô, đồng thời hứa sẽ không đổi số trong thời gian trả nợ.
Chín phút sau, bạn của cô đã chuyển 1.000 nhân dân tệ đầu tiên. Ngay sau đó, những người khác lần lượt gửi tiền và WeChat của cô thông báo liên hồi.
Lúc đầu là người quen, sau này có cả người lạ cho vay. Thậm chí có người để lại lời nhắn: "Tôi sẽ chuyển 5.000 nhân dân tệ cho bạn, vậy là đã được 5 người".
Có người còn nhắn: "Tôi không được coi là giàu có vì đang trong quá trình khởi nghiệp. Khi trả nợ, hãy cố gắng xếp tôi ở hàng ghế đầu. Xin chân thành cảm ơn và chúc mọi việc suôn sẻ". Sau 5 giờ, cô đã vay được đủ 300.000 nhân dân tệ!
Kể từ đó, Trương Hải Lâm có gần 300 "chủ nợ". Trong số đó, hơn một nửa là người lạ.
3. Đổi 6 việc trong 3 năm để trả nợ
Sau khi giải quyết được sự cố, cha của Trương Hải Lâm tiếp tục quay lại làm việc. Công việc gia đình do bố và em trai cô lo liệu, nhiệm vụ của cô là trả hết nợ càng sớm càng tốt.
Mức lương ở Hàng Châu không cao nên cô khăn gói đến Thượng Hải để gia nhập một công ty mới thành lập. Sau khi lĩnh lương tháng 7, cô sắp xếp trả lại tiền cho 5 người.
Vì món nợ của gần 300 người, cô gái trẻ không dám dừng lại. Một chủ nợ của cô bày tỏ: “Chúng tôi không quen biết nhau trước đó. Một số người bạn khuyên tôi không nên cho cô ấy vay tiền, nhưng tôi vẫn muốn chứng minh một lần rằng trên đời vẫn có người đáng tin cậy."
Đầu năm 2016, mẹ của cô tiếp tục bị xuất huyết não tái phát, bà bị liệt nửa người và cần người chăm sóc. Do đó, Trương Hải Lâm đã đưa cho gia đình 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng để sinh hoạt phí, phần còn lại dùng để trả nợ.
Trong 3 năm trả nợ, cô đã thay đổi 6 công việc. Bất cứ khi nào cảm thấy không thể cải thiện bản thân, cô ấy sẽ nhanh chóng chuyển sang công ty có mức lương cao hơn. Lương cao đồng nghĩa với áp lực nhiều hơn.
Ba năm trôi qua, có người cho vay thậm chí đã quên đi khoản tiền này, khi nhận được họ còn tưởng cô nói đùa. Một vài người bạn từ chối nhận, vì vậy cô ấy đã cất số tiền này để quyên góp tiền cho những người cần hơn.
Đến tháng 7/2018, cô đã trả hết nợ trước hạn 2 năm. Trong số các chủ nợ, có người không thể liên lạc, cũng có người không may qua đời. Số tiền nợ của những người đó được Trương Hải Lâm gom lại và tặng cho các tổ chức từ thiện.
Gần 300 người, mỗi người 1.000 nhân dân tệ và đều không tính lãi. Với mỗi người, con số này tuy không nhiều, nhưng vẫn là một món nợ.
Năm 2019, câu chuyện của Trương Hải Lâm được truyền thông đưa tin và thu hút nhiều sự chú ý. Cư dân mạng dành nhiều lời khen ngợi cho cô và các "chủ nợ". Trả lời một cuộc phỏng vấn, cô cho biết bản thân biết ơn những người đã giúp đỡ trong thời gian đó. Đồng thời cô khẳng định những điều mình làm được là dĩ nhiên, không có gì to tát hay đáng ngưỡng mộ.
Cuộc đời đầy nước mắt của mẹ Ronaldo: Từng muốn chạy trốn khỏi chính căn nhà của mình, dành dụm từng đồng để nuôi đam mê của conĐăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất