Vàng chưa đủ tuổi

08/01/2016 06:37 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Theo cựu tiền vệ đội trưởng ĐT Việt Nam Nguyễn Minh Phương (cựu QBV 2010), Anh Đức là mẫu tiền đạo toàn diện nhất mà bóng đá Việt Nam đang có. Ngoài ra, Anh Đức cũng đang ở độ chín của sự nghiệp, có nhiều đóng góp cho CLB B.Bình Dương trong các chiến tích vô địch V-League cũng như Cúp QG 2015. Cùng với danh hiệu QBV 2015, Đức đã kết thúc một năm mỹ mãn…

Ở tuổi 31, có thể nói tiền đạo B.Bình Dương là người Mohican cuối cùng ở thế hệ của anh bước lên bục cao nhất trong một cuộc vinh danh cá nhân có bầu bán. Có ý kiến cho rằng, nếu ở thời điểm khác, danh hiệu đã không gọi tên Anh Đức.

“Vàng ròng” đích thực

Sau “thế hệ vàng” với Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh,… kéo tới thời Văn Hạnh, nền bóng đá Việt Nam cung ứng thêm những thần tượng mới như Văn Quyến, Quốc Vượng, Công Vinh, Quốc Anh,… Tuy nhiên, thế hệ 84-85 ấy đã bị gọt đi phân nửa, đều là những tinh tuý, sau vụ bán độ tại SEA Games Bacolod 2005. Nhưng, trong hoạ có phúc, HLV Henrique Calisto đã gây dựng lại từ đống tro tàn, kết hợp lứa 84 – 85 còn lại, cùng với Minh Phương, Tài Em, Việt Thắng, Như Thành và Dương Hồng Sơn, làm nên một đội quân chiến thắng.

Nếu bóng đá cấp độ ĐTQG đơn thuần là thành tích thì những nhà vô địch AFF Cup 2008 mới đích thị là “vàng ròng”. Ngay từ năm 2007, việc so bó đũa chọn cột cờ cho danh hiệu QBV Việt Nam đã rất chật chội, khi ĐTQG với cặp trung vệ lừng danh Huy Hoàng – Như Thành, 2 cánh có Việt Cường, Quang Thanh, tuyến 2 của Minh Phương, Tài Em và Công Vinh trên hàng công. Tất cả đều xứng đáng khi đưa ĐT Việt Nam lần đầu giành quyền chơi tứ kết Asian Cup. Tuy nhiên, Công Vinh trội hơn nhờ thành tích cùng Olympic Việt Nam trong năm đó.

QBV 2008 thuộc về Dương Hồng Sơn như sự sắp đặt của tạo hoá, bởi Sơn đã giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup trước đó ít ngày. Song nếu người trong cuộc tiếp tục ghi nhận những đóng góp, ở cả CLB lẫn các ĐTQG, thì giai đoạn 2009 – 2011, Như Thành hay Tấn Tài phải được nhận ít nhất một QBV, bên cạnh Minh Phương (2010). Sự trở lại của Quốc Anh năm 2012 cũng là xưa nay hiếm, bởi lịch sử nền bóng đá chưa từng chứng kiến một cầu thủ từng dính án, sau đó giành QBV. Nhưng năm 2012, khó có ai xứng đáng hơn Quốc Anh.

Quả bóng Vàng Việt Nam 2015: Chúc mừng Nguyễn Anh Đức!

Quả bóng Vàng Việt Nam 2015: Chúc mừng Nguyễn Anh Đức!

Anh Đức (B.Bình Dương) đã giành QBV Việt Nam ở tuổi 30, san bằng kỷ lục với các đàn anh Nguyễn Hồng Sơn (Thể Công, năm 2000), Lê Huỳnh Đức (Công an TP.HCM, 2002) và Nguyễn Minh Phương (ĐTLA, 2010)...


Và vàng chưa đủ tuổi

Giới kinh doanh vàng bạc ý thức rất cao vai trò của các chuyên gia đọc tuổi vàng. Tức là chỉ cần nhìn vào sản phẩm, họ có thể đoán ra được vàng đó đủ tuổi hay chưa (thông qua tôi luyện), là vàng tây hay vàng ta... Bóng đá đơn giản hơn nhiều, bởi cứ dùng hệ quy chiếu là danh hiệu và sự đóng góp (vai trò trong các danh hiệu ấy), sẽ biết ai là người xuất sắc nhất, ai kém hơn, mà chẳng cần bình bán hay bầu chọn gì cho cam. Một số QBV thiếu thuyết phục cũng là vì lý do này.

Vấn đề là, một cuộc bầu chọn truyền thống không thể ngưng lại, khi nền bóng đá vẫn tồn tại, các giải đấu vẫn tiếp tục. Trong bất kể ngành nghề, địa hạt nào của xã hội, người tham gia hoạt động luôn cần được tôn trọng, cần được vinh danh. Nếu Anh Đức bị cho là kém thuyết phục, thì ngay cả Văn Quyết khi được đôn lên cũng sẽ bị chỉ trích, như những gì Thành Lương từng phải trải qua. Năm người mười ý, chứ ở đây là cả trăm người, hàng trăm phiếu bầu. Chỉ là ghi nhận những đóng góp, tri ân không giống với sự vinh danh, Anh Đức cũng nên nghĩ đơn giản thế.

“Thiệp” trao tay rồi và chúng ta, dân trong nghề cũng gọi là có chút chuyên môn, trách nhiệm, nên ngừng lại các cuộc tranh luận, để ý nghĩa về giải thưởng tiếp tục được bảo lưu. Trong bối cảnh này, việc duy trì giải thưởng cũng là những nỗ lực rất lớn của nhà tổ chức rồi.

3. Trong số 10 QBV gần nhất, chỉ có 3 cầu thủ thuộc biên chế một nhà vô địch V-League. Đấy là các trường hợp của Tài Em (2005), Quốc Anh (2012) và Anh Đức (2015). Điều đó chứng tỏ, thành tích cấp CLB luôn bị xem nhẹ trong các cuộc bầu chọn giải thưởng QBV.

10. Bất kể đá chính hay dự bị, chơi tiền đạo hay lệch biên, Anh Đức luôn duy trì phong độ ổn định với trên dưới 10 bàn thắng/mùa giải cho B.Bình Dương, chỉ tính riêng ở V-League. Khác biệt giữa Anh Đức và phần còn lại là B.Bình Dương có các danh hiệu.

19. Dù có tuổi đời 20 năm, nhưng chỉ có 19 QBV từng được trao cho các cầu thủ, khi năm 2013, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, giải thưởng này bị hoãn. Cũng chỉ có 2/19 QBV từng thuộc về các thủ môn, đấy là Văn Hạnh (2001) và Dương Hồng Sơn (2008).


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm