Đội tuyển Việt Nam cần một 'chính trị viên'

15/10/2015 13:17 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) -  Nhân phát biểu về “những anh hùng bàn phím” của tiền đạo Lê Công Vinh, dư luận đã dậy sóng với vô số những luồng ý kiến ủng hộ và phản đối. Thể thao & Văn hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi dài với chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải để trả lời câu hỏi: Trong bóng đá đỉnh cao,  dư luận có vai trò như thế nào?

Thể thao & Văn hóa: Thưa ông Vũ Mạnh Hải, tuyển Việt Nam vừa trải qua 2 trận đấu quan trọng ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á trước Iraq và Thái Lan. Liên quan tới những trận đấu đó, chân sút số 1 của đội tuyển quốc gia Lê Công Vinh đã có phát ngôn "dậy sóng" với báo chí rằng “có nhiều anh hùng bàn phím”cũng như việc đội bóng của HLV Miura không nhận được nhiều sự ủng hộ cần thiết. Ông nghĩ sao về những phát biểu này?

- Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: Chúng ta không nên quá khắt khe với phát biểu này bởi nội dung phát biểu này của Lê Công Vinh có thể bị suy diễn. Sự thật là sau phát biểu trước đó của Công Vinh rằng “thắng Iraq là phi thực tế”, anh ta cũng đã bị "ném đá" rất nhiều. Nhưng tuyển Việt Nam cũng đã chơi một trận rất tốt. Điều đó có lẽ đã giải tỏa sức ép cho Lê Công Vinh và tuyển Việt Nam.

Chúng ta vì thế không nên khắt khe quá với ý kiến của cầu thủ. Có khi họ phải chịu quá nhiều sức ép, bị “ném đá” nhiều quá nên họ phải phản ứng. Đây cũng là một bài học với cá nhân Công Vinh


Ông Vũ Mạnh Hải cho rằng những tuyển thủ như Công Vinh phải chịu nhiều sức ép. Ảnh: V.S.I

Từng là cựu danh thủ, rồi cũng nhiều năm gắn bó với nghề báo trong chính cương vị phóng viên, rồi quản lý báo chí. Theo ông, sự phản biện và cả những ý kiến đóng góp từ dư luận có giá trị thế nào với bóng đá Việt Nam?

- Các cầu thủ luôn luôn phải chịu sức ép dư luận trong sự nghiệp của mình. Mỗi khi đội tuyển sắp bước vào một việc quan trọng, luôn có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có những ý kiến chất lượng, cũng có nhiều ý kiến khác chân thành nhưng không xuất phát từ người hiểu biết chuyên môn. Cá nhân tôi thì nghĩ tất cả các ý kiến đóng góp đều có những mặt tích cực. Nhưng nếu cầu thủ không hiểu, đó sẽ là một sức ép vô hình lên họ. Điều đó sẽ tạo ra rất nhiều phản ứng khác nhau.

Đã là người nổi tiếng, cái giá phải trả là họ luôn bị rất nhiều người quan tâm, xem xét, thậm chí soi mói hành động của mình. Vì thế, trong ứng xử với những dư luận ấy, điều đầu tiên chúng ta cần phải có là bản lĩnh. Đó là thứ thường chỉ có ở những người trưởng thành, lớn tuổi. Công Vinh cũng là một người thuộc dạng đó, một cầu thủ lớn tuổi, có độ lì và kinh nghiệm.

Theo kinh nghiệm của tôi, các đội tuyển quốc gia cũng rất cần có một nhân vật phụ trách truyền thông, một kiểu “Chính trị viên”, một người biết sàng lọc ý kiến và tư vấn tâm lý cho các cầu thủ. Đó mới là điều quan trọng để đảm bảo nhận thức đúng đắn cho các cầu thủ trước mỗi trận đấu.

Trong cuộc đời bóng đá của mình, ông có kỷ niệm nào liên quan đến vấn đề này không?

- Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm về những lần góp ý của dư luận. Như khi Thể Công của tôi thua một số trận trước Công an Hà Nội, người ta bức xúc và nói rằng các cầu thủ Thể Công không có trải nghiệm cuộc sống Quân đội thực sự nên cách ứng xử còn non nớt, thiếu nhạy bén, không biết đối phó với tiểu xảo, hay bị thẻ phạt không cần thiết hoặc dễ nổi nóng.

 Tôi nghĩ đó là những góp ý rất bổ ích. Trên thực tế ấy, những người lãnh đạo của chúng tôi khi ấy đã hiểu và có cách khắc phục. Họ quyết định cho chúng tôi giao lưu nhiều hơn với bên ngoài. Bởi hồi xưa, chúng tôi thực sự chỉ có 4 bức tường của khu tập luyện, tiếp xúc với bên ngoài rất ít. Thậm chí, nhiều vấn đề xã hội chúng tôi không hiểu được. Mọi thứ chỉ thông qua Chính trị viên hay báo chí. Đó là đặc thù của môi trường Quân đội.

Đấy là những điều người ta từng góp ý cho chúng tôi. Nó giúp chúng tôi trở nên dày dạn hơn với trận mạc, cách ứng xử với nhiều trận đấu khác nhau cũng hợp lý hơn, biết đối mặt với các tiểu xảo hơn.


Đội tuyển Việt Nam đã tiến bộ nhưng chừng đó chưa đủ. Ảnh: Thanh Hà

Tuy nhiên, không phải tất cả các ý kiến phản biện đều tốt, nhất là trong thời đại mạng xã hội như hiện tại?

- Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ hiện nay, những ý kiến trái chiều tồn tại rất nhiều. Bất kỳ cầu thủ hay người nổi tiếng nào hoạt động dưới sự giám sát của công chúng phải lường trước được những vấn đề ấy, phải có đầy đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để xử lý vụ việc. Điều đó chỉ có thể có được thông qua sự chỉ bảo của những người lớn, có kinh nghiệm. Họ sẽ là những người hướng dẫn mình cách cư xử đàng hoàng như chính trị viên thời xưa.

Dù tốt hay xấu, đúng hoặc chưa đúng, nhưng không phủ nhận rằng, với vị thế của mình, đội tuyển bóng đá quốc gia luôn là tâm điểm của dư luận, đặc biệt là trước, trong cũng như sau các trận đấu lớn. Như thế, đội tuyển cũng cần phải có cách tiếp nhận ý kiến phản biện cho mình...

- Ở đội tuyển quốc gia hiện nay, tôi cảm thấy có một điều rất dở là hình như không có người phụ trách vấn đề truyền thông, dư luận. Vậy nên ông Miura mới có thể thản nhiên phát biểu là ông không quan tâm tới việc các chuyên gia hay người hâm mộ nói gì. Nếu đó là tính cách của Miura, việc ông phát biểu thế đã là chuyện không hay. Tôi rất không thích và không thiện cảm với cách phát biểu của ông Miura. Vì một người mà không cần nghe ý kiến của người đồng nghiệp, của người hâm mộ thì sẽ không nhận được sự ủng hộ.

Để kết thúc cuộc trao đổi, ông đánh giá thế nào về cơ hội của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2018 cũng là vòng loại Asian Cup 2019?

- Tôi thấy tuyển Việt Nam đã có cố gắng lớn trong thời gian vừa rồi thông qua các trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc), Iraq và Thái Lan. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng trình độ của tuyển Việt Nam còn hạn chế nhiều và phải cố gắng hơn nữa.

Các cầu thủ cũng nên hiểu ra vấn đề. Chúng ta chưa thể vượt qua trình độ Thái Lan, Iraq được. Những thành công vừa rồi chỉ là nỗ lực trong một trận đấu cụ thể. Tuyển Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều mới có thể đạt tới tầm vóc mong muốn.

Thanh Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm