Tất cả đều là những tài năng lớn của SLNA nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung. Nhưng theo những cách khác nhau, họ lần lượt đều bết bát vào độ tuổi chín nhất của sự nghiệp quần đùi, áo số.
Từ những ánh hào quang…
Nhân tài thế hệ 8X của bóng đá xứ Nghệ liệt kê ra thì vô số, có những người đang thi đấu thành công như Huy Hoàng, Công Vinh, Hồng Sơn, Trọng Hoàng, Đình Đồng, Văn Bình…. Nhưng bên cạnh đó là những tài năng đang “chết dần, chết mòn” với sự nghiệp của mình, đó là những Văn Quyến, Quốc Vượng, Thế Anh, Như Thuật, Lâm Tấn, Đắc Khánh, Văn Vinh, Công Minh...
Trước hết phải nói đến “cậu bé vàng” Văn Quyến. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Hưng Tiến, Hưng Nguyên, tài năng thiên bẩm của anh được hình thành qua những trận đấu với những quả bóng đùm lá chuối, sau những buổi chăn trâu, cắt cỏ. Để rồi, các thầy trong đội SLNA đưa về, dìu dắt, đào tạo và rực sáng ở VCK U16 châu Á năm 2000.
Tài năng của Quyến đã góp công lớn đưa U16 Việt Nam đứng thứ 4 chung cuộc toàn châu Á, được tổ chức tại Đà Nẵng cách đây 12 năm. Thành công đó đã đưa Văn Quyến lên một tầm cao mới, anh trở thành một ngôi sao và được ví như “cậu bé vàng” của bóng đá Việt Nam kể từ đó.
Khả năng đi bóng lắt léo, sút phạt, tự tạo ra những cơ hội để tỏa sáng trong một trận đấu là điều mà chỉ có ở Quyến mới làm được. Thành công tiếp bước thành công, khi Quyến mang đến cho hơn 80 triệu con tim Việt Nam không khí đầy cảm xúc với những cung bậc khác nhau tại SEA Games 22 được tổ chức trên sân nhà (2003).
|
Hình ảnh này chỉ còn là kỉ niệm đẹp. |
Giờ đây mỗi khi nhắc tới sân vận động Mỹ Đĩnh của 9 năm về trước, người hâm mộ còn nhớ mãi những hình ảnh làm mưa, làm gió ngày nào của “cậu bé vàng” Văn Quyến. Một SEA Games tuyệt vời của bóng đá Việt Nam, với chỉ một mình Văn Quyến thôi đã mang lại một cơn sốt cực lớn vào thời điểm đó. Rất nhiều CĐV tuổi teen lúc bấy giờ ai ai cũng “I Love Văn Quyến”.
Người hâm mộ, được sống trong những giây phút hân hoan nhất có thể, dù rằng ĐTVN đã thua Thái Lan trong trận chung kết. Nhưng chẳng ai nhớ tới kết quả của trận đấu đó, mà người hâm mộ chỉ nhớ những hình ảnh tuyệt vời nhất của Văn Quyến đã mang lại.
Không tạo ra một thương hiệu lớn như Văn Quyến, nhưng Quốc Vượng cũng khẳng định được tên tuổi của mình tại SEA Games 22. Anh trở thành một tiền vệ hàng đầu khu vực ở thời điểm đó, với khả năng thu hồi bóng cực tốt, có những cú phất bóng từ xa phát động tấn công không thể chê vào đâu được. Hay những cú sút xa trái phá tạo nên hình ảnh một Quốc Vượng đầy mạnh mẽ trên sân, và chính anh là người khóa chặt thành công ngôi sao Thonglao của ĐT Thái Lan tại giải đấu đó.
Kể từ đó, rất nhiều chuyên gia bóng đá nhận định rằng Quốc Vượng chính là mẫu tiền vệ hay nhất mọi thời đại của bóng Việt Nam. Không ngoa nếu ví anh như một Xabi Alonso của Tây Ban Nha. Cùng với Văn Quyến, Quốc Vượng, Thế Anh là một trong những cầu thủ của SLNA góp công lớn mang về chiến HCB cho ĐTVN tại SEA Games 22, và sau đó trở thành thủ thành số một của ĐTVN trong nhiều năm.
|
Văn Quyến và Quốc Vượng là hai "của hiếm" của bóng đá Việt Nam một thời. |
Tuy không được nổi tiếng như Văn Quyến, Quốc Vượng, Thế Anh nhưng những Như Thuật, Lâm Tấn, Văn Vinh cũng đã từng là những tài năng triển vọng của bóng đá xứ Nghệ. Họ là những đồng đội của Quyến thi đấu thành công tại VCK U16 châu Á.
Như Thuật được ví như Hồng Sơn của bóng đá VN khi anh thể hiện được phẩm chất của một tiền vệ hào hoa, với những đường chuyền chết người. Văn Vinh cũng vậy, anh còn thể hiện được tài đá phạt rất tốt. Trong khi Lâm Tấn được kì vọng sẽ trở thành hậu vệ cánh trái xuất sắc của xứ Nghệ.
Trẻ hơn một chút là những Công Minh, Đắc Khánh. Cùng lứa với Trọng Hoàng, Văn Bình, Hồng Việt, Đình Đồng, Quang Tình, họ thành công từ những giải đấu trẻ như U17, U21 để rồi trờ thành những tài năng được kì vọng lớn của SLNA và đã từng được tập trung vào ĐTVN.
… đến những ngày đen tối của sự nghiệp
Có lẽ ánh hào quang quá sớm đã mang đến cho họ một cái giá quá đắt cho sự bồng bột của tuổi trẻ để rồi họ mãi mãi không thể gượng dậy được. Văn Quyến, Quốc Vượng đã từng là hai tài năng thuộc dạng “của hiếm” của bóng đá Việt Nam. Nhưng sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến họ dính chàm trong vụ bán độ tại SEA Games 23 (2005) trên đất Philipines.
Được mãn hạn tù vào năm 2009, nhưng giờ đây cả Quyến và Vượng không thể trở lại như thời hào kim được nữa trước sự kì vọng rất lớn của người hâm mộ. Trong khi Văn Quyến chỉ là phận dự bị, sống “lay lắt” ở Sài Gòn Xuân Thành, đợi ngày bầu Thụy trả về đội bóng cũ SLNA, thì Quốc Vượng chẳng biết đang ở đâu sau khi bị Thanh Hóa cắt hợp đồng do không đáp ứng được chuyên môn.
Cùng chung cảnh ngộ với Quốc Vượng là Đắc Khánh. Sau khi bị dính chàm cá độ bóng đá, cầu thủ gốc Quỳnh Lưu này đã bị BHL đội bóng thanh lý, rơi vào cảnh thất nghiệp, nghe đâu anh đang phải đi làm thợ kính.
Không đến nỗi quá bi đát như Quyến và Vượng nhưng những Thế Anh, Văn Vinh, Công Minh cũng đang sống trong những ngày đen tối của sự nghiệp khi đang cùng chịu số phận dự bị liên tục của mùa giải năm nay.
Thế Anh dã từng là thủ môn số một của ĐTVN và vẫn duy trì phong độ tốt nhưng chỉ vì từ chối ra sân trong một trận đấu ở AFC Cup mà anh bị HLV Phạm Công Lộc đẩy lên ghế dự bị cho Santos tại N. Sài Gòn. Trong khi những chấn thương liên miên khiến Văn Vinh, Công Minh không còn hiện diện trong những trận đấu của CLB Hà Nội nữa.
Những Như Thuật, Lâm Tấn do không cạnh tranh được suất đá chính ở SLNA nên đã chuyển tới Bình Định ở hạng Nhất nhưng cũng không thể hiện được nhiều khi Bình Định vẫn không thể thăng hạng mùa này và tên tuổi của họ chẳng còn ai nhớ tới nữa.
Từ những tài năng lớn của bóng đá xứ Nghệ lẽ ra giờ đây ở vào độ tuổi chín nhất của sự nghiệp nhưng tất cả đều đang sống những ngày đen tối nhất của nghiệp quần đùi áo số. Một cái kết quá bi đát cho những nhân tài xứ Nghệ nói riêng, cho nền bóng đá Việt Nam nói chung.
Theo giaoduc.net