Xuyên tạc thơ và ca khúc ở FPT: Vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ!

26/09/2008 18:04 GMT+7 | Văn hoá

Mặc dù FPT đã có quyết định kỷ luật những nhân vật để xảy ra màn múa "khỏa thân" và đuổi học 2 học viên kiêm "diễn viên" của màn múa đó, nhưng quyết định này của FPT vẫn chưa thể làm yên lòng dư luận xã hội. Màn trình diễn của các sinh viên FPT Arena chỉ là giọt nước làm tràn cốc nước có tên “Văn hoá STCo” vốn đã tồn tại rất lâu trong cộng đồng này.
 
Điều 19 về quyền nhân thân quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Điều 20 về quyền tài sản cũng bao hàm cả quyền “làm tác phẩm phái sinh” (phóng tác, cải biên, chuyển thể...). Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Như vậy, hành vi xuyên tạc, chế tác các tác phẩm âm nhạc tại sách “Giai điệu STC” lưu hành tại Công ty FPT là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Sản phẩm tiêu biểu nhất của cái gọi là “Văn hoá STCo” (Sáng tác công ty) chính là bộ Sách đỏ FPT được lưu hành nội bộ với 4 tuyển tập bao gồm: Giai điệu STC, Thơ văn STC, STC tư liệu và Di cảo STC, trong đó Giai điệu STC được cộng đồng này “ưa thích” hơn cả. Hàng loạt những ca khúc vang bóng của dòng nhạc cách mạng từng cổ vũ nhiều thế hệ người VN vượt qua những giai đoạn khó khăn của đất nước được “người FPT” xuyên tạc với sự tuỳ tiện đến mức thái quá và không thể chấp nhận được. “Sốc” nhất trong tập nhạc bị xuyên tạc này phải kể đến “FPT ca”- bài hát xuyên tạc phần lời của bài Đoàn vệ quốc quân (NS Phan Huỳnh Điểu) - một ca khúc đã đi vào lịch sử âm nhạc VN và ghi nhiều dấu ấn trong lòng các thế hệ.
 
“...Ra đi ra đi áo quần không có... Thằng tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng tây nó lúi thì mình giật tiền...”. Cùng với Đoàn Vệ quốc quân, hàng loạt ca khúc cách mạng khác cũng chịu chung số phận như Hò kéo pháo, Đất nước tôi, Hành quân xa, Anh Kim Đồng... Ở chương 4 (Những bài hát theo điệu dân ca), chương 5 (Những bài hát trữ tình) và chương 7 (Những bài hát cấm trẻ em) của Giai điệu STC, các ca khúc Em đi chùa Hương, Bẩn thì bẩn mà hôi càng hôi (nhạc bài Giận thì giận mà thương càng thương), Có một loài chim, Người cá (nhạc bài Tình miền Đông đất đỏ)... được các “công dân FPT” đưa vào những lời lẽ dung tục, phản cảm đến mức người viết bài cảm thấy không tiện để trích dẫn.
 
Một trang sách "Giai điệu STC" lưu hành trên mạng internet

Chưa nói đến việc xuyên tạc này đã vi phạm khung pháp lý về sở hữu trí tuệ, điều đáng lo nữa ở đây là khía cạnh văn hoá, cái “phông văn hoá” của cả một tập đoàn. Ở FPT, cái gọi là “Văn hoá STC” (trong đó có những biểu hiện qua màn múa kinh dị, qua việc xuyên tạc có hệ thống những tác phẩm thơ và nhạc đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ người Việt Nam) đã trở thành một phong trào được thừa nhận và cổ suý hàng chục năm nay, nhiều người đặt câu hỏi: có điều gì đang xảy ra với cái gọi là phông văn hóa của những người được coi là trí thức trẻ của một tập đoàn đang phát triển như FPT vậy?

Xin lưu ý các cơ quan chức năng rằng những biểu hiện của cái gọi là “Văn hoá STC” như kể trên từ lâu đã vượt ra khỏi bức tường của “vương quốc” FPT qua các phương tiện truyền thông đa dạng như hiện nay để lan rộng ra ngoài xã hội. Ai phải chịu trách nhiệm bởi những tác động xấu do sự xuyên tạc này gây ra?

Theo chúng tôi, không thể lấy cụm từ “lưu hành nội bộ” để biện minh cho những hoạt động phản văn hóa, xuyên tạc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và trái với những qui định của luật pháp hiện hành.

NSND Trọng Bằng - Chủ tịch HĐNT Hội Nhạc sĩ VN: Không có người sáng tác nào mà lại không cảm thấy đau lòng khi tác phẩm của mình bị đem ra xuyên tạc và đưa vào những lời lẽ phản cảm như vậy. Trong trường hợp này, không chỉ là vấn đề vi phạm sự toàn vẹn của tác phẩm âm nhạc mà họ còn coi thường các giá trị văn hóa của cả đất nước như là văn học, múa... Theo tôi, một cơ quan truyền thông lớn mạnh, có bề dày như FPT mà lại cổ suý cho việc làm đó trong một thời gian dài như vậy là điều không thể tha thứ được.

Nhạc sĩ An Thuyên - Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN: Tôi chỉ mới được đọc ca từ của một số ca khúc bị xuyên tạc như Đoàn Vệ quốc quân, Hò kéo pháo, Tình miền Đông đất đỏ... Đó đều là những tác phẩm mang tầm vóc nghệ thuật lớn, có thể coi là những di sản văn hoá của đất nước. Vậy mà những người ở FPT lại mang nó ra để đùa cợt, xuyên tạc một cách thái quá như vậy là điều khó có thể chấp nhận được. Hội Nhạc sĩ VN sẽ xem xét kỹ lưỡng mức độ và quy mô vi phạm của việc này. Tuỳ theo mức độ trầm trọng mà chúng tôi sẽ có ý kiến cụ thể với Ban lãnh đạo FPT.

Theo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm