Xuân Trình - Còn đó 'đôi mắt thần' nhìn thấu hiện thực

28/12/2020 07:42 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tính dự báo là một phẩm chất của người lao động sáng tạo. Nói cách khác là trời cho ăn lộc. Những tác phẩm kịch của Xuân Trình đã cho thấy tính chất đó như một đặc điểm nổi trội. Sau mấy chục năm, tính dự báo đã được xác định trong Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa X ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, chúng ta thêm cảm phục “đôi mắt thần” của Xuân Trình đã dự liệu, tiên đoán được về vấn đề từ mấy chục năm trước.

Trần Lực - người làm 'trở gió' sân khấu kịch

Trần Lực - người làm 'trở gió' sân khấu kịch

Sớm bén duyên điện ảnh nên Trần Lực đến với sân khấu có phần hơi muộn. Nhưng tôi lại nghĩ sân khấu đã ngấm vào máu Trần Lực từ vành nôi gia đình, để rồi chỉ có dịp là “quẫy cựa” tưng bừng.

Nhà văn Nguyễn Xuân Trình sinh ngày 6/1/1936 tại làng Lỗ Xá, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông là một nhà văn, nhà báo xông xáo, năng nổ tác nghiệp ở tuyến lửa Khu 4 và mặt trận Bình Trị Thiên nóng bỏng. Chính sự xông xáo, dấn thân ở những nơi khói lửa ác liệt nhất đã cho ông nguồn tư liệu phong phú, sống động để viết.

Từ lúc hoạt động sân khấu (1961) cho đến khi buông bút, rời xa cõi tạm (1991), Xuân Trình đã để lại hơn 30 tác phẩm văn xuôi, kịch bản sân khấu. Sau khi Xuân Trình mất, Nhà xuất bản Sân khấu tập hợp tập sách Tiểu luận Những lời không nói trên sân khấu (1995). Năm 2005, Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành tuyển tập Xuân Trình - Tác phẩm chọn lọc với hơn 1.300 trang sách đầy đặn. Tháng 11/2019, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Xuân Trình - Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới” và công chiếu vở kịch Bạch đàn liễu với phiên bản mới của Lucteam do NSƯT Trần Lực đạo diễn nhằm tôn vinh nhà viết kịch hàng đầu của sân khấu hiện đại Việt Nam. Tháng 10/2010, Nhà hát Tuổi trẻ dựng vở Đợi đến mùa Xuân tham gia Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ IV…

Tính dự báo sớm, tươi ròng cảm xúc nhân văn…

Xuân Trình là nghệ sĩ - chiến sĩ có trách nhiệm cao với ngòi bút tiên phong; dũng cảm đối mặt với những vấn đề hiện thực gai góc để viết tác phẩm có giá trị cao về hiện thực, tính tư tưởng, tính dự báo. Trái tim nghệ sĩ khắc khoải cùng cuộc sống đồng loại đã tiếp cho ông nguồn năng lượng mạnh mẽ để từ đó tác giả kiên quyết khước từ nghệ thuật là “ánh trăng lừa dối”, mạnh dạn kiếm tìm hiện thực, phát hiện vấn đề từ khi manh nha.... Tác phẩm kịch của ông đã tạo nên dấu ấn riêng, xác tín một phong cách nghệ thuật ngồn ngộn hiện thực, nóng hổi tính thời sự, mang tính khái quát cao, tính dự báo sớm, tươi ròng cảm xúc nhân văn…

Chú thích ảnh
Nhà viết kịch Xuân Trình

Theo GS-TS Trần Thanh Hiệp - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội: “Ông không hề viết một kịch bản nào về đề tài lịch sử hay cổ tích dân gian. Tất cả các kịch bản mang tên Xuân Trình đều khởi nguồn từ hiện thực đương đại… Ở Xuân Trình, dường như cảm hứng sống với sự kiện và con người cùng thời mạnh đến mức lấn át tất cả, không còn chỗ chia sẻ cho đề tài nào khác”.

Là người tiên phong với cái mới, sẽ không lạ khi tự ông cứ vật vã, trăn trở, nghĩ suy, tìm tòi vấn đề nóng bỏng đó ngay sau khi các văn bản chỉ đạo của Đảng ban hành. Có điều, Xuân Trình không làm nhiệm vụ “minh họa” một cách máy móc. Trái tim nghệ sĩ cực kỳ bén nhạy. Khúc xạ qua lăng kính nhà văn, một hiện thực xù xì, gai góc hiện lên cứ khiến người đọc, người xem nặng lòng, trăn trở, nghĩ suy và thậm chí giật mình.

Xuân Trình đã đau đáu với đề tài nông thôn từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vấn đề nông nghiệp, nông dân gắn với từng chặng đường phát triển của đất nước. Trong 30 năm hoạt động sân khấu, Xuân Trình đã có trên nửa số vở kịch viết về nông thôn cùng những tìm tòi, phát hiện quý giá. Những vở kịch: Những người du kích, Quê hương Việt Nam, Việc nhà, Xóm vắng, Chuyện ông Hựng ở lò thúc mầm, Lập Xuân, Thời tiết ngày mai, Bạch đàn liễu, Mùa Hè ở biển… đã thể hiện chiều sâu nhận thức, đánh dấu bước ngoặt cùng những trải nghiệm, kiếm tìm của tác giả về đề tài này.

Chú thích ảnh
Diễn viên Lucteam đóng vở kịch “Bạch đàn liễu”

Những người du kích là vở kịch đầu tiên, cũng là bước đi chập chững ban đầu về người nông dân vùng chiêm trũng đời sống lam lũ, vất vả, nhưng luôn thể hiện phẩm chất ngời sáng yêu lao động, thuần hậu, chất phác. Trong Lập Xuân, vấn đề nông thôn được viết gắn với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và sự áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp. Sức lay động của Lập Xuân rất lớn. Ở đó, người nông dân hiền lành, chất phác đã đấu tranh quyết liệt để đào thải cái cũ - lạc hậu, trì trệ; tiếp nhận cái mới đến một cách biện chứng.

Xuân Trình viết Bạch đàn liễu năm 1973 sau chuyến đi thực tế sáng tác ở nông thôn. Nghe một người nông dân kể chuyện với bao bức xúc, ẩn ức đã ám ảnh và thôi thúc ngòi bút Xuân Trình. Cảm xúc từ người kể đã vây bọc tâm can người nghệ sĩ - chiến sĩ tiên phong, dũng cảm đối mặt với những vấn đề hiện thực xã hội gai góc. Những vấn đề về cuộc vận động cải cách dân chủ, chống tệ nạn cường hào mới ở nông thôn đã được ông đề cập trong vở Bạch đàn liễu sâu sắc. Xuân Trình đã dũng cảm bác bỏ loại kịch “lý thuyết không có mâu thuẫn đối kháng trong nội bộ nhân dân du nhập từ nền kịch của một số nước”.

Sau ngót nửa thế kỷ xuất hiện trên sân khấu chỉ 1 lần duy nhất cùng “số phận truân chuyên”, đến những ngày cuối tháng 11/2019 vở kịch Bạch đàn liễu được trở lại sân khấu Việt với phiên bản mới của Lucteam do NSƯT Trần Lực đạo diễn theo phong cách ước lệ của sân khấu truyền thống. Vở kịch vẫn nguyên tính thời sự về một “nạn cường hào mới” ở nông thôn. Những câu chuyện mang tính sinh hoạt, mối quan hệ của nhân vật được cô đọng thông qua tự sự của nhân vật được đạo diễn Trần Lực rút ngắn còn 75 phút. Tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 4 (năm 2020), Bạch đàn liễu đã mang đến cho NSƯT Trần Lực giải Đạo diễn xuất sắc.

Trong ánh sáng Đổi mới, cùng với các văn nghệ sĩ, Xuân Trình đã nỗ lực sáng tạo, đổi mới tư duy, bám sát hiện thực xã hội để phản ánh kịp thời nhiều vấn đề chống cái ác, cái xấu, những tiêu cực xã hội. Cùng tác giả Lưu Quang Vũ (Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời thề thứ 9…), Xuân Trình đã viết Đợi đến mùa Xuân.

Chú thích ảnh
Nhà viết kịch Xuân Trình (thứ tư trái sang) tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 4 (10/1989)

Như vậy, ngoài đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Xuân Trình xông xáo vào nhiều lĩnh vực khác: Đề tài chiến tranh biên giới trong vở Cố nhân; vấn đề sử dụng người trong vở Thời tiết ngày mai, những bê bối, bức xúc, căn bệnh trầm kha của nền giáo dục chạy theo thành tích trong vở kịch Đợi đến mùa Xuân. Vở kịch như một cơn lốc xoay quanh ngành giáo dục với những bê bối, bức xúc, căn bệnh trầm kha chạy theo thành tích đã được thể hiện sâu sắc.

Những cảm xúc tươi mới và sức hấp dẫn của kịch bản Đợi đến mùa Xuân đã thu hút nhiều đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương dàn dựng vở kịch này. Năm 1995, Đoàn Kịch nói Phú Thọ dựng vở Đợi đến mùa Xuân (NSƯT Lê Chức đạo diễn) tham gia Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thái Nguyên. Đoàn đã để lại ấn tượng sâu sắc qua vở diễn với 2 HCV.

Vở kịch Đợi đến mùa Xuân nóng hổi tính thời sự đã được thầy trò Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội dàn dựng và biểu diễn bằng tất cả tâm huyết. Đạo diễn Hoàng Sự đã dựng làm bài thi tốt nghiệp cho sinh viên lớp diễn viên sân khấu - điện ảnh khóa 23 và 24. Đầu năm 2007, Nhà hát truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng vở diễn Đợi đến mùa Xuân.

Năm 2020, tham gia Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ IV, Nhà hát Tuổi trẻ dựng vở Đợi đến mùa Xuân với sự tham gia của ê kíp sáng tạo, trong đó ghi dấu ấn các cựu sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, như: Duy Anh, Thu Quỳnh, Lý Chí Huy… Đạo diễn Duy Anh chia sẻ lý do chọn kịch bản Đợi đến mùa Xuân là vì: “tác phẩm của cố nhà văn Xuân Trình mang tính dự báo rất lớn. Kịch viết từ hơn 35 năm trước đến giờ vẫn nóng hổi tính thời sự với những chuyện tiêu cực trong giáo dục. Triết lý giáo dục của vở diễn mang lại quá lớn”. Diễn viên Thu Quỳnh đã thể hiện ấn tượng vai diễn cô giáo Nhung với những lời thoại: “Nếu thầy không ra thầy thì nhất định trò cũng không ra trò. Một người thầy không toàn vẹn vẫn có thể dạy thành công một bài toán, bài lý, nhưng học sinh không thể tiếp nhận bài học đạo đức ở một người thầy như thế… Khi tôi gieo một hạt mẩy, nhất định nó sẽ nảy một mầm xanh. Nếu mùa Đông giá rét nó chưa nảy thì mùa Xuân ấm áp nó sẽ nảy mầm…”.

GS-TS Trần Thanh Hiệp - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội xúc động nói về vở diễn Đợi đến mùa Xuân do sinh viên khóa 23 và 24 thể hiện: “Sinh viên đã biểu diễn bằng tất cả tâm huyết của mình. Chính các em, những người trong cuộc của một nền giáo dục còn đang tồn tại nhiều bất cập trầm kha đã được tự nói lên tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng cách diễn hết sức trong sáng, hồn nhiên và đầy nhiệt huyết. Và cũng vì quá say mê nghề nghiệp mà các em đã tự góp những đồng tiền rất ít ỏi của sinh viên để dựng vở này, nhà trường chỉ giúp đỡ rất ít, chủ yếu là động viên tinh thần".

Chú thích ảnh
Diễn viên Thu Quỳnh đóng vai cô giáo Nhung trong vở “Đợi đến mùa Xuân” tại Liên hoan Sân khấu thủ đô lần thứ IV-2020

Người xưa đã nêu kinh nghiệm “Dụng nhân như dụng mộc”. Học tập tư tưởng của người xưa là phải biết vận dụng sáng tạo, biết cách dùng người thông minh nhất. Sáng 24/10/2019, tại kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội khóa 14 đã tranh luận sôi nổi cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Chính sách trọng dụng nhân tài đang nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và toàn xã hội. Nhưng vấn đề đó đã được nhà viết kịch Xuân Trình đặt ra từ 40 năm trước. Năm 1980, Xuân Trình viết vở kịch Thời tiết ngày mai đã nói về vấn đề dùng người theo xu thế hiện đại…

Bản lĩnh của người cầm bút

Năm 1986, khi ngành giáo dục tưởng như khá phẳng lặng thì Xuân Trình đã nhìn trước và có những khuyến cáo về hiện tượng đồng tiền tác oai tác quái làm xói mòn lương tâm nhà giáo trong vở Đợi đến mùa Xuân.

Tiên phong đấu tranh chống tiêu cực, mạnh dạn đón cái mới, Xuân Trình là tác giả của nhiều vở diễn nổi tiếng gây không ít tranh cãi, thậm chí có lúc bị “chối từ” với lý do là nội dung “có vấn đề”. Những vở kịch Bạch đàn liễu, Thời tiết ngày mai, Mùa Hè ở biển… đã từng chịu số phận vất vả, long đong ngay trên đường hiện thực hóa con chữ để đến sân khấu. Không dễ dàng được chấp nhận ngay thời điểm nó ra đời. Cái tên ông, sự cấp tiến của ông cũng đã từng bị "chú ý". NSND-GS Đình Quang đã chia sẻ về điều này: "Nói chung, mọi vở của anh đều phải duyệt lên duyệt xuống nhiều lần. Bạch đàn liễu đã phải duyệt đến 7 lần, qua nhiều cấp, chỉ vì phê phán hiện tượng lộng hành, mất dân chủ, tham ô, thất đức của cá nhân một phó chủ tịch xã...".

Theo đạo diễn Trịnh Quang Khanh - người bạn đồng chiêm - Xuân Trình càng đối mặt với khó khăn, vất vả thì bản lĩnh, tư chất của anh ấy càng thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thêm nữa, người đồng chiêm đã hun đúc cho anh ấy thêm những tố chất chịu đựng, vượt thoát khỏi nghịch cảnh. Thử thách dẫu đến đâu cũng càng hun đúc cho anh ấy ý chí vượt lên; kiên nhẫn chờ đợi; không nóng nảy, không phát ngôn lấy được, cũng không đổ lỗi cho ai”. Bất cứ “sự cố” nào cũng không làm Xuân Trình nản lòng. Ông biết khẳng định một tác phẩm đi trước thời đại không dễ dàng nhận được sự đồng thuận ngay.

(Còn tiếp)

Vài nét về Xuân Trình

Xuân Trình từng đảm nhận nhiều chức vụ như: Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu. Là một trong những nhà viết kịch hàng đầu của sân khấu hiện đại Việt Nam, năm 2001, ông vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Và tên Xuân Trình đã được đặt tên cho một đường phố ở thành phố Nam Định - quê hương ông.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm