Workshop mỹ thuật - cũ người, mới ta

01/10/2013 08:37 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ 1 đến 7/10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ khai mạc triển lãm Hội họa Việt - Thái, sau workshop ở Đại học Tổng hợp Naresuan (Thái Lan). Đây là chương trình phối hợp thực hiện giữa Đại học Tổng hợp Naresuan, Đại học Văn hóa Hà Nội và Nhóm nghệ sĩ Asia Art Link Việt Nam.

TT&VH giới thiệu bài viết về vấn đề này của Phan Cẩm Thượng.

Workshop - hình thức giao lưu hữu hiệu

Workshop là hình thức mới mẻ ở châu Á, bắt đầu phát triển trong khu vực khoảng hơn 10 năm nay. Các nghệ sĩ các nước được mời tự bỏ tiền đến nước chủ nhà, nước chủ nhà lo việc ăn ở và vật liệu sáng tác. Tác phẩm hoàn thành tùy theo thỏa thuận, hoặc tặng lại tất, hoặc để lại một, hai bức.

Quá trình trại sáng tác dựa vào kinh phí địa phương, các nhà hảo tâm, và nơi tham quan di tích, thời gian trại thường từ một đến hai tuần, trong đó tùy theo, thời gian sáng tác khoảng ba ngày đến một tuần, còn lại là tham quan trao đổi học thuật.

Đoàn nghệ sĩ Việt Nam - Thái Lan tham gia Workshop tại Trường Đại học Naresuan, tỉnh Phisanulok, Thái Lan

Hình thức workshop đã mở ra nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ ít được biết đến và giao lưu, đặc biệt trong sự hình thành các nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ cư trú và nghệ sĩ quốc tế ngày càng nhiều - thực ra đây chỉ là ba khái niệm chỉ một loại nghệ sĩ thích đi đây đó và sáng tác ngay tại nơi đến với điều kiện sống tối thiểu.

Sự giao lưu văn hóa các quốc gia có lẽ được thấm nhuần sâu sắc hơn bởi các nghệ sĩ, bởi họ là những người có chiều sâu văn hóa và thực hành. Việc tổ chức triển lãm quốc tế giữa hai quốc gia thường khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian chuẩn bị và ngoại giao, việc mua tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài cũng không khả thi. Do đó hình thức workshop tỏ ra rất hữu hiệu.

Tổ chức workshop ở Việt Nam còn khó khăn

Cho đến nay, ở Việt Nam, việc tổ chức một workshop rất khó khăn so với các nước Đông Nam Á, trước hết là do nguồn kinh phí, hầu như không xin được tài trợ, nhất là với các nhóm nghệ sĩ tự do không muốn dựa vào các cơ quan mỹ thuật, trong khi ở các nước khác đó là một phần trong chiến dịch thu hút khách du lịch. Ở tất cả workshop châu Á, đích thân tòa thị chính chiêu đãi buổi đầu cho mọi workshop quốc tế, bảo tàng địa phương hoặc một trường đại học đảm nhiệm việc trưng bày, các nghệ sĩ, nhà sưu tầm và dân địa phương giúp ăn, ở theo kiểu vòng quanh và cũng do đó, các nghệ sĩ quốc tế đi được nhiều nơi, còn các thủ tục xin phép trưng bày hoàn toàn không có.

Đây cũng là cái khó ở nước ta, mọi cuộc trưng bày đều phải xin phép trước, trong khi đó sáng tác tại chỗ toàn là những tác phẩm chưa biết, chưa thể làm hồ sơ được, các nguồn tài trợ theo kiểu như trên cũng hoàn toàn không có, mà do các nhóm nghệ sĩ tự đóng góp.

Sự thực mà nói những cuộc sáng tác tại chỗ vài ngày, nếu không có sự chuẩn bị kỹ từ sớm khó có thể có tác phẩm tốt. Hầu hết vẽ theo thói quen, tuy nhiên đây là những cuộc cọ xát, trao đổi kinh nghiệm vì không ở đâu người ta trông thấy nhiều nghệ sĩ thực hành như vậy.


Tác phẩm gốm của nghệ sĩ Thái Saravut Vongnate trong workshop

Chạnh lòng nhìn tương quan mỹ thuật Việt - Thái

Đời sống nghệ thuật của các nghệ sĩ Thái phát triển trông thấy so với chục năm về trước, những Nghệ sĩ quốc gia (đại khái như danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của ta), gọi là National Artist, có giá tranh từ trăm ngàn đến hai triệu USD. Họ cho biết, trước đây cũng giống như Việt Nam, chủ yếu do người nước ngoài mua, nay phần lớn tác phẩm bán được cho người Thái. Một thị trường và văn hóa nội địa rất mạnh. Các nghệ sĩ Thái có cơ sở đào tạo tốt, giao lưu rộng rãi và quan tâm có chiều sâu đến tất cả mọi mặt của đời sống dân tộc, đặc biệt cái nhìn thực tại là sâu sắc và cập nhật.

Chúng tôi đã tham dự workshop Poh Chang (một học viện nghệ thuật ở Bangkok) năm ngoái và năm nay ở Đại học Naresuan, cũng giống như workshop ở Sasaran (Malaysia), ở Yogiakarta (Indonesia)… tất cả đang hình thành một vòng tròn giao lưu nghệ thuật, các nghệ sĩ châu Á đang nối tay nhau đi lại và trao đổi liên tục.

Các tác phẩm các nước để lại ở các đại học khác nhau ngày một nhiều và qua đó người ta hiểu hơn về các nền văn hóa kề cận. Workshop Nghệ thuật dưới mái nhà sàn (Workshop Art under the Roof) tại Hòa Bình năm 2012, cũng lưu giữ được nhiều tác phẩm châu Á. Việc đó thực hiện dễ dàng bằng những chương trình như vậy hơn là dùng tiền.

Không chỉ thiếu cơ sở xã hội cho nghệ thuật và các hoạt động mang tính trao đổi, giao lưu, cọ xát như workshop, tất nhiên thiếu cả bản lĩnh sáng tác cho nghệ sĩ…, các nghệ sĩ Việt Nam ngày càng trở nên hạn chế và liên tục đối đầu với khó khăn nếu muốn mở cửa giao lưu. Ngay trong khu vực cũng là cuộc chơi quá sức, mặc dầu tất cả đều thừa nhận nghệ sĩ Việt Nam được đào tạo tốt, có nhiều vấn đề xã hội làm vốn cho sáng tác, có thẩm mỹ đặc biệt, có nền nghệ thuật truyền thống lâu dài, nhưng thiếu sự cập nhật và sự dấn thân cần thiết của một nghệ sỹ đương đại.

Triển lãm “lượt về” Hội họa Việt - Thái

Trong tháng 6 vừa qua Trường Đại học Naresuan, tỉnh Phisanulok, Thái Lan có mời một đoàn họa sĩ Việt Nam sang dự workshop, sáng tác tại trường với các nghệ sĩ Thái, cũng chủ yếu là giảng viên nhà trường và một số nghệ sĩ từ Bangkok.

Triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc hôm nay (1/10) là triển lãm lượt về giữa các nghệ sĩ Thái và Việt đã từng tham gia workshop ở Phisanulok. Một số tác phẩm đoàn Thái tự đem sang, một số tác phẩm mới của các họa sĩ Việt mang từ nhà tới, lượt về không có sáng tác mà chỉ có trưng bày.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm