VTV: Từ chối ghi hình, phát sóng những ca sĩ, nghệ sĩ trang phục phản cảm

14/09/2012 16:00 GMT+7 | Văn hoá


Tiếp sau cuộc làm việc với các đơn vị chức năng tại TP.HCM về những nội dung liên quan đến công tác tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và chiếu phim trên truyền hình, sáng qua (13.9) Bộ VHTTDL đã làm việc với đại diện lãnh đạo Đài Truyền hình VN (VTV), Đài Tiếng nói VN (VOV) và Đài PT&TH Hà Nội (HTV). Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì buổi làm việc.

Nói “không” với trang phục phản cảm

Đánh giá cao nỗ lực của VTV, HTV, VOV trong việc nâng cao chất lượng các chương trình, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của khán, thính giả trong và ngoài nước, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đồng thời chia sẻ nỗi bức xúc của dư luận trước việc phim Việt tiếp tục bị “lép” ngay tại sân nhà và những hình ảnh phản cảm, những chương trình, tiết mục giải trí chất lượng thấp vẫn hằng ngày vào tận phòng ngủ của người xem.


Chương trình Bước nhảy hoàn vũ

HTV TP.HCM từ chối "Bước nhảy hoàn vũ" và "The Voice" đồng nghĩa với mất cả tỉ đồng là muốn giữ thương hiệu với tư cách đơn vị truyền thông có nhiệm vụ định hướng thẩm mỹ cho khán giả. (Đại diện Cục NTBD)

Chỉ đích danh những “hạt sạn” khiến dư luận bức xúc, ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục NTBD cho biết, hai chương trình rất ăn khách trên VTV3 là Bước nhảy hoàn vũ The Voice từng được đơn vị sản xuất - Công ty Cát Tiên Sa “chào” lên sóng Đài PT&TH TP.HCM nhưng đã bị nhà đài từ chối. Đồng nghĩa với việc này, nhà đài chấp nhận mất cả tỉ đồng doanh thu từ quảng cáo. Lý do thì nhiều, nhưng quan trọng vẫn là muốn giữ thương hiệu của nhà đài với tư cách là đơn vị truyền thông có nhiệm vụ định hướng thẩm mỹ cho khán giả.

Cũng liên quan đến chương trình The Voice, ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định, thể hiện sự đồng tình với Chỉ thị 65 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, nhiều chương trình tại TP.HCM trong đó có những chương trình do Đài PT&TH TP.HCM tổ chức đã không mời Thu Minh tham gia do ca sĩ này bị phạt vì trang phục phản cảm. Nhưng VTV3 lại có vẻ dễ dãi với ca sĩ này khi để Thu Minh xuất hiện trên kênh với tư cách huấn luyện viên chương trình The Voice và trang phục thì vẫn hở hang như thách đố dư luận.

Về điều này, ông Phạm Việt Tiến, Phó tổng giám đốc VTV cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin. Tuy nhiên, ông Tiến cũng quan tâm đến thời hiệu “chịu án phạt” của Thu Minh. Theo ông Tiến, nếu thời hiệu xử phạt đã hết, ca sĩ cầu thị thì cũng nên tạo điều kiện để họ biểu diễn, xuất hiện trở lại trên sóng.

Cũng theo ông Phạm Việt Tiến, từ sau khi có Chỉ thị 65 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, VTV đã xiết lại khâu “hình ảnh” trong các chương trình nghệ thuật. Theo đó, VTV luôn nhắc nhở các đơn vị tổ chức, ca sĩ tham gia chương trình về vấn đề trang phục biểu diễn. Đối với những chương trình ghi hình trực tiếp, VTV không có điều kiện “duyệt trước” trang phục, nếu thấy ca sĩ ăn mặc phản cảm VTV kiên quyết cắt tiết mục, phát chèn nội dung khác thay cho phần biểu diễn của ca sĩ.

Kiên quyết nói không với trang phục phản cảm, nhưng khi bị phê Bước nhảy hoàn vũ thí sinh ăn mặc hở hang quá mức gây bức xúc dư luận, không phù hợp với văn hóa Việt, đại diện lãnh đạo VTV cho rằng VTV có 6 kênh quảng bá, duy nhất VTV3 là kênh giải trí và dư luận hãy công bằng khi đánh giá những gì VTV đã và đang làm rất tốt ở 5 kênh kia để không quá khắt khe với kênh chuyên giải trí là VTV3.

Đồng quan điểm phải chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, ông Vũ Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc Đài PT&TH Hà Nội cho biết, song song với việc từ chối lên sóng những chương trình, tiết mục chất lượng kém; “nói không” với trang phục phản cảm, Đài PT&TH Hà Nội đã đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ để được phép ghi hình những chương trình ca nhạc chất lượng, hấp dẫn như: Lắng nghe mùa thu vàng tổ chức tại Cung Văn hóa Hà Nội tối 15-16.9. Đây là một cố gắng lớn của nhà đài trong điều kiện kinh phí hoạt động có hạn nhằm đem tới cho công chúng những chương trình nghệ thuật có giá trị.

Chấp nhận lỗ để làm phim 1 tập

Trong số 63 đài PT&TH địa phương, nhiều đài năng lực tự sản xuất chương trình rất thấp, chỉ khoảng 20-30 phút/ ngày, nhiều lắm cũng chỉ khoảng 120 phút. Để lấp sóng, các đài buộc phải chiếu phim và nguồn thì hầu hết là phim ngoại. (Đại diện VTV)

Trước thực trạng phim ngoại tràn lan trên sóng, đại diện lãnh đạo VTV quả quyết thời lượng phim Việt trên sóng VTV hiện chiếm 50%. Riêng kênh VTV1 gần như chỉ có phim Việt giữ sóng.

Đại diện lãnh đạo HTV chia sẻ những khó khăn về nguồn phim trong nước. Do khó khăn về kinh phí nên trong năm 2012 HTV chỉ tự sản xuất 30 tập phim. Còn lại, phải mua phim của các đơn vị khác.

Lý giải việc sóng tràn ngập phim ngoại, đại diện lãnh đạo VTV cho biết trong số 63 đài PT&TH địa phương, nhiều đài năng lực tự sản xuất chương trình rất thấp, chỉ khoảng 20-30 phút/ ngày, nhiều lắm cũng chỉ khoảng 120 phút. Để lấp sóng, các đài buộc phải chiếu phim và nguồn thì hầu hết là phim ngoại cho... rẻ.

Đây cũng là cách mà nhiều kênh truyền hình trả tiền đang làm. 63 kênh địa phương cộng với hàng chục kênh truyền hình trả tiền... đồng loạt phát phim ngoại để “tiết kiệm kinh phí” cho đơn vị, dẫn đến hệ quả là phim ngoại “đè bẹp” phim nội ngay trên sân nhà. Cũng vì phát phim ngoại cho... rẻ trong lúc năng lực thẩm định có hạn do thiếu người, thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều kênh cho phát sóng những bộ phim để nguyên các hình ảnh, chi tiết bên Điện ảnh khi cấp phép phổ biến ngoài rạp đã cắt bỏ. Sự “bất nhất” ở một bộ phim cụ thể khi phát sóng và chiếu rạp đã khiến dư luận hơn một lần đặt câu hỏi về sự thống nhất quản lý trong công tác cấp phép phổ biến phim tại VN. Và khi tìm hiểu ra, thì nguyên nhân... lại được đổ cho cái “lỗi” do thiếu phim, do kinh phí có hạn.

HTV từng mua hơn 50 phim Việt Nam từ kho phim của Viện Phim VN, phát đi phát lại tới mức hình ảnh đã mờ nhòe. Nay, quyết định sẽ mua thêm phim tài liệu, các chương trình sân khấu để tăng thời lương phim Việt, chương trình giải trí Việt trên sóng. Kinh phí cho kế hoạch này cũng khoảng vài tỉ.

Còn VTV với quyết tâm dành chọn kênh VTV1 cho phim Việt và tiếp tục tăng thời lượng phim Việt trên 6 kênh quảng bá đã quyết định chấp nhận lỗ để sản xuất phim 1 tập song song với việc sản xuất phim dài tập và mua phim dài tập của các đối tác. Theo ông Phạm Việt Tiến, với kinh phí sản xuất hiện nay tại VTV là 450 triệu/ tập, muốn có lãi phải sản xuất phim từ 30 tập trở lên. Phim dài tập, quảng cáo sẽ nhiều và khả năng thu hồi vốn và có lãi càng cao. Trong khi phim 1 tập, kinh phí sản xuất lớn hơn, phát sóng cả chục lần cũng không thu hồi đủ vốn. Biết vậy, nhưng VTV vẫn quyết định sản xuất phim 1 tập đề tài chính luận. Kế hoạch là khoảng 20-30 phim / năm và cuối năm 2012 sẽ phát sóng những bộ phim 1 tập đầu tiên.

Cả hai đại diện lãnh đạo đài truyền hình đều mong muốn ngành điện ảnh nâng cao năng lực sản xuất để tăng nguồn phim hỗ trợ các đài. Bởi, hiện tại nguồn phim do điện ảnh sản xuất rất hạn chế, phần lớn do tư nhân đầu tư nên phải đợi sau khi nhà sản xuất khai thác tận thu ngoài rạp, tận thu đĩa hình... mới hy vọng họ bán lại cho truyền hình và... cái giá cũng không “dễ chịu” trong khi chất lượng phim cũng hạn chế, không dễ thu hút quảng cáo.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá cao tinh thần hợp tác của các đài VTV, HTV, VOV trong việc chấn chỉnh nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật phát sóng cũng như kế hoạch tăng thời lượng phim Việt trên sóng truyền hình. Thứ trưởng yêu cầu Cục Điện ảnh, Cục NTBD làm tốt công việc được giao; tham gia tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án liên quan đến các chế độ chính sách đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ; Chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động văn học, nghệ thuật thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, để có nhiều phim hay, chương trình nghệ thuật chất lượng tạo nguồn chương trình chất lượng cho các kênh truyền hình.

Thứ trưởng cũng đề nghị VTV, HTV, VOV tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL trong việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, kiên quyết từ chối đưa lên sóng những hình ảnh phản cảm hoặc PR hình ảnh những ca sĩ, nghệ sĩ vi phạm quy định về trang phục biểu diễn, hát nhép, đàn nhép... Các đài truyền hình cần nâng cao năng lực thẩm định phim phát sóng, tăng thời lượng phim Việt trên sóng, dành những giờ đẹp cho phim Việt.

Theo Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm