Võ Minh Lâm - Kép đẹp vừa bi vừa độc

17/03/2020 19:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cải lương hiện nay có một anh kép cứ bước lên sân khấu là sáng ngời, và trở thành “ngôi sao” rất đắt show. Đó là Võ Minh Lâm, người từng đoạt giải Chuông vàng Vọng cổ, 3 lần giải Mai Vàng, Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang và Tài năng trẻ, mới đây được chọn là 1 trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu của TP.HCM năm 2019. Với thành tích như thế, con đường nghệ thuật dường như thênh thang…

'Thầy Ba Đợi' mừng 100 năm sân khấu cải lương

'Thầy Ba Đợi' mừng 100 năm sân khấu cải lương

Tối 28/4, vở cải lương “Thầy Ba Đợi” (kịch bản: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo) đã đến với khán giả TP.HCM tại rạp Bến Thành (Quận 1).

Còn nhớ lúc Võ Minh Lâm thi Chuông vàng Vọng cổ 2006, gương mặt 17 tuổi non nớt dễ thương đã vượt qua hàng mấy trăm đối thủ để đăng quang, và gương mặt ấy cũng báo hiệu một triển vọng rất xa.

Con đường trở thành “sao”

Ban giám khảo quả không lầm khi chấm điểm cho Lâm. Dù có thể kỹ thuật ca diễn của một số thí sinh có nhỉnh hơn Lâm một chút, nhưng ở đây người ta đã nhìn thấy những tia sáng từ anh sinh viên trẻ, và người ta tin vào con mắt xanh của mình.

Trong nghệ thuật đôi khi cái dự cảm lại rất quan trọng, để không bỏ sót tài năng. Lúc đó Lâm đúng là đang học năm thứ 3 Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ, thi xong Chuông vàng Vọng cổ thì anh trở lại học tiếp cho hết chương trình, và khi vừa tốt nghiệp thì được Nhà hát Trần Hữu Trang tuyển dụng ngay. Chàng trai trẻ khăn gói lên Sài Gòn với bao nhiêu mộng đẹp.

Nhưng rồi thực tế lại giáng cho Lâm những cú bất ngờ. Chiếc huy chương vàng vọng cổ không đủ che chắn gió bão cho con chim non chập chững bay vào bầu trời nghệ thuật, nơi mà đôi khi dư luận và lòng người lại đẩy người ta vào những khúc quanh khó nói. Lâm được đóng vai chính, nhưng không ai tin. Thay vì giúp đỡ, chỉnh sửa, nâng cánh cho sự non nớt, thì người ta lại chê bai, phủ định.

Lâm nói: “Tôi đã 10 năm trầy trật với cải lương. Đi hát không đủ sống, lại còn nghe thị phi mệt mỏi, nhiều lúc tôi tự hỏi mình có chọn nhầm nghề hay không, bỏ cuộc hay đi tiếp? Nhưng rồi ráng sức, khi vượt qua mọi thứ thì con đường tươi sáng bất ngờ”.

Chú thích ảnh
Võ Minh Lâm vai công tử Hiến trong vở “Thầy Ba Đợi”. Ảnh: H.K

10 năm ấy thật ra đã giúp anh kép trẻ quyết chí rèn nghề cho giỏi, và rèn cả cái tâm khiêm tốn, độ lượng. Giờ trở thành “sao” rồi nhưng Lâm vẫn rất dễ thương, được nhiều người yêu mến. Đặc biệt là sự nghiêm túc với nghề, sẵn sàng bỏ show hàng chục triệu để ngồi tập tuồng cho nhuần nhuyễn.

Soạn giả Hoàng Song Việt, “ông bầu” của sân khấu Đại Việt, từng cảm kích: “Võ Minh Lâm làm chúng tôi cảm động, và chính phẩm chất đó làm nên hai chữ nghệ sĩ một cách tử tế”.

Lâm cũng tâm sự: “Nhiều lúc túi không còn một đồng mà không dám nói, sợ anh em ái ngại, vì mình không thể bỏ lịch tập. Thôi kệ, tổ nghiệp còn thương là còn sống được, lo gì”. Tổ nghiệp thương thật, giờ Lâm đã có kinh tế lẫn danh tiếng đúng như những gì anh đã cống hiến.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm vai Cố Sầu, NSUT Quế Trân vai nàng Út, trong vở “Chuyện tình Khau Vai”. Ảnh: H.K

Điều còn sót lại trong con người đó là một tuổi thơ không trọn vẹn. Cha mẹ anh là đào kép chính của một gánh hát ngày xưa, nên cứ đi mãi miết, bỏ đứa con trai ở nhà cho bà nội trông nom. Lâm bùi ngùi: “Hồi đó tôi thèm được cha mẹ dẫn đi chơi, thèm những món đồ chơi như con người ta, nhưng không có. Tôi thường đứng ở đầu ngõ mong cha mẹ về, rồi lủi thủi đi vô nhà. Có buồn thì tự hát mấy câu vọng cổ quen thuộc, hát riết tới lớn đi theo cải lương luôn đó. Nhưng nhiều lúc tuổi thơ quay về mà tôi không biết, chẳng hạn có những lúc đi diễn xa, tôi lén đoàn ra chơi đu quay một mình, báo hại anh em trong đoàn đi kiếm đã đời. Mấy anh nói thấy tôi chơi mê quá nên không nỡ kêu, cứ để tôi chơi thỏa thích. Khi tôi giật mình nhận ra mình “kỳ cục” thì lờ mờ hiểu rằng cái thằng con nít ngày xưa sống dậy”.

Nhưng rõ ràng gương mặt Võ Minh Lâm đến giờ vẫn còn nét gì đó ngây thơ ngồ ngộ, cứ thấp thoáng hiện ra hoài, khiến ai cũng yêu mến.

Đóng cả vai bi lẫn độc

Một anh kép đẹp chuyên đóng vai bi, vai mùi là đủ làm nên vinh quang rồi. Nhưng không ngờ, Võ Minh Lâm lại thử sức với những vai kép độc và thành công dễ dàng. Ấn tượng của Lý Nam Nam nho nhã trong vở Trắng hoa mai, hay Lý Huệ Tông mềm yếu, cô đơn trong Dấu ấn giao thờiđột nhiên nhường chỗ cho công tử Hiến trong Thầy Ba Đợi. Một công tử ăn chơi sa đọa đã cưỡng hôn nàng Ái Hoa, ghen tuông, tàn độc, hành hạ nàng sau những năm tháng đồng sàng dị mộng. Khán giả xem mà “bắt ghét” tên này, nhưng lại vỗ tay cho Võ Minh Lâm.

Chú thích ảnh
Võ Minh Lâm vai Lý Huệ Tông, Lê Hồng Thắm vai Trần Thị Dung trong vở “Dấu ấn giao thời”. Ảnh: H.K

Đến vai Cố Sầu trong Chuyện tình Khau Vai, một thủ lĩnh vùng cao Tây Bắc, với ngoại hình cao to uy dũng, với khí chất mạnh mẽ, khôn ngoan, cũng tưởng mình chiến thắng chàng Ba nghèo khổ, không thế lực. Nhưng ai ngờ, tình yêu không dành cho kẻ mạnh, nàng Út đã chống lại thế giới si tình nhưng cuồng bạo của Cố Sầu, đi tìm lại chốn xưa và gục chết dưới những cánh hoa rơi ngập mùa sương tuyết…

Cố Sầu với quá nhiều trường đoạn biểu diễn tâm lý, lúc hiên ngang, tự tin, lúc cay đắng, thất vọng, lúc giận dữ điên cuồng, lúc van xin tình yêu, lúc cô đơn gục ngã…Nhân vật phản diện không hẳn là không có nỗi đau, và nỗi đau đó chỉ tràn ra một cách kín đáo, thế giới nội tâm của anh ta cũng rối ren bao nhiêu đường nét mờ mịt không tìm ra lối thoát.

Võ Minh Lâm đã diễn xuất sắc vai Cố Sầu và công tử Hiến, bằng kỹ thuật biểu diễn hình thể lẫn nhấn nhá câu chữ lời thoại, và giọng ca biến ảo tuyệt vời. Ca cho vai mùi thì dễ lấy điểm lắm, nhưng ca cho vai lẳng, độc, thì khó cả kỹ thuật nhấn nhá, ngắt quãng, và thiệt thòi khi phải giấu bớt làn hơi đẹp. Nhưng Võ Minh Lâm đã dám hy sinh cho nghệ thuật, dẹp “cái tôi” kép đẹp qua một bên, không ngờ lại có thêm những vai quá hay, những điểm son đáng quý trong sự nghiệp của mình. Đây là điều không phải anh kép đẹp nào cũng dám làm.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm