Vĩnh biệt 'ông già cải lương' Huỳnh Nga

21/02/2020 17:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn - NSND Huỳnh Nga (15/1/1932 - 21/2/2020) qua đời sáng nay tại nhà riêng lúc 8h5, thọ 89 tuổi. Ông là thầy của rất nhiều tượng đài cải lương Việt Nam, học trò ông được phong NSND ở lĩnh vực cải lương và sân khấu chắc phải trên 20 người.

NSND Huỳnh Nga: Hát đám cưới để giúp cải lương tồn tại

NSND Huỳnh Nga: Hát đám cưới để giúp cải lương tồn tại

Tối nay 4/4, tại Nhà hát TP, Trung tâm Tổ chức biểu diễn TP.HCM phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM và Đài truyền hình Hậu Giang tổ chức đêm diễn tri ân NSND Huỳnh Nga trong chương trình Làn điệu Phương Nam

Ông ra đi để lại bao nhiêu niềm yêu thương kính trọng trong lòng người hâm mộ, từ khán giả cho tới bạn bè em cháu đồng nghiệp. Nhưng với riêng tôi, tôi còn có thêm sự “mê” ông vì đó là một “ông già cải lương Nam bộ” chính hiệu, cái chất miền Tây cứ đặc sệt, thu hút lạ kỳ.

Chú thích ảnh
NSND Huỳnh Nga. Ảnh: H.K.

Những năm còn khỏe mạnh, ông cũng hay qua Kịch 5B, ngồi ngay bàn cà phê của căn tin nơi mà cánh phóng viên báo chí và anh em nghệ sĩ thường la cà tán gẫu. Nhớ lần nào gặp ông cũng thấy ông ngồi với điếu thuốc trên tay và trầm tư kiểu gì lạ lắm.

Giữa đám đông cười nói ồn ào, ông ngồi như chỉ có một mình, mắt nhìn đi đâu, như đang suy nghĩ, nghiền ngẫm gì đó. Nhưng đừng tưởng ông không nghe được những gì chung quanh, ông vẫn nghe hết, thấy hết, chỉ cần một cái liếc mắt là biết ông đã “thu âm, thu hình”.

Chú thích ảnh
Minh Nhí - Thanh Hoài - NSƯT Thanh Thanh Tâm trong vở "Ngao sò ốc hến" được tái dựng trên sân khấu Kịch Phú Nhuận. Ảnh: H.K.

Nhưng biết rồi để đó, không nhào vô góp chuyện bao nhiêu, có chăng là nụ cười mỉm mỉm trên môi, để báo hiệu “tao chịu nhe mậy”. Chờ mọi người nói đã đời, ông mới lên tiếng, thủng thẳng nói, từ từ nói, nhỏ nhẹ nói, nhưng trời đất ơi, ông nói câu nào tụi tôi cười vang câu đó. Kiểu nói châm biếm thông minh có pha chút xéo xắt dễ thương của ông già Nam bộ bảo đảm ai nghe là khoái chí liền.

Chú thích ảnh
NSƯT Phượng Loan và NSND Thanh Tuấn trong vở "Tìm lại cuộc đời". Ảnh: H.K.

Ông là dân Mộc Hóa, cái địa danh nằm lọt thỏm trong khu Đồng Tháp Mười bao la cò bay thẳng cánh, ngày xưa vẫn gọi là vùng sâu, toàn năng với lác, đúng là một khu nguyên sinh tuyệt vời. Và cái chất “Nam bộ nguyên sinh” còn y chang trong người Huỳnh Nga, không hề bị pha tạp dù đã sang thế kỷ 21. Nhiều lúc tôi ngồi ngắm ông, tự hỏi sao mấy chục năm bôn ba tập kết ra Bắc, rồi sang Rumani học nghề sân khấu, xa đất phương Nam lâu đến vậy mà cái chất miền Tây không hề bị mờ, bị lai chút xíu nào, cứ giữ nguyên thú vị.

Tôi có hỏi ông câu đó, ông hừ nhỏ trong miệng: “Thì đừng có điệu. Điệu quá, bắt chước nói giọng này giọng kia chi cho bị lai. Mầy nói bình thường vầy đi, coi ai lai được mầy”. (Tiếng mầy của dân Nam bộ là thương lắm, khác chút xíu về âm điệu so với mày, thân lắm mới xài, đừng có nghe ông nói vậy mà bắt bẻ). Bởi vậy, ông bực với cách phát âm của một số diễn viên trẻ bây giờ, Bắc không ra Bắc, Nam không ra Nam, điệu đà không cần thiết.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Huỳnh Nga trong góc phải quen thuộc tại căn tin của sân khấu Kịch 5B. Ảnh: H.K.

Thật sự thì ông không dễ tính, tuy xuề xòa, dí dỏm, nhưng cực kỳ chuẩn mực. Sự chuẩn mực hiện rõ trong từng tác phẩm ông dàn dựng, có thể nói nhiều vở đã thành kinh điển như Đời cô Lựu, Tìm lại cuộc đời, Ngao sò ốc hến, Khách sạn hào hoa...

Tôi khoái nhất bộ tóc quăn tít và bộ râu thật đẹp của ông, tiếc là lúc đó lại không có máy chụp hình, đến khi có máy, có dịp gặp ông thì ông mới vừa cắt tóc, cắt râu. Tôi nói: “Bố cắt tóc uổng quá”. Ông hứ: “Nực thấy mụ nội”. Chính bộ tóc, bộ râu đầy nét nghệ sĩ và lãng mạn đó đã làm nên sự khác biệt với những “ông già Nam bộ” khác.

Trong ông chất nông dân và chất nghệ sĩ trộn lẫn vào nhau đầy sức hút. Cho nên khi tiếp cận ông sẽ thấy mê say vì con người nghệ sĩ, mà cũng nên cẩn thận vì cái ông nông dân thẳng tính sẽ sẵn sàng chọt cho mình một cái điếng người nếu mình màu mè, cà chớn. Chọt rồi thôi chứ không ác ý, chọt để ẩn một lời khuyên tử tế. Nhưng bảo đảm bạn bị chọt cũng sẽ khoái ông như thường, bởi ngôn ngữ thú vị của ông đủ làm những cơn giận tan đi…

Tang lễ của NSND Huỳnh Nga diễn ra từ lúc 9h, ngày 22/2/2020 tại Nhà tang lễ thành phố (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM). Lễ động quan từ lúc 6h ngày 24/2, đưa linh cữu về tỉnh Long An an táng tại đất quê nhà ở Mộc Hóa.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm