Vĩnh biệt họa sĩ Trương Hán Minh: 'Thành công chỉ đến sau những năm tháng khổ luyện'

22/09/2021 19:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trương Hán Minh (11/12/1951 - 21/9/2021), dân tộc Hoa, có tên trong giấy tờ là Vương Xú Há, thuộc nhóm ngôn ngữ Triều Châu, sinh ra tại Chợ Lớn, Việt Nam.

Họa sĩ Trương Hán Minh - 60 năm một đời tranh Thủy Mặc

Họa sĩ Trương Hán Minh - 60 năm một đời tranh Thủy Mặc

Triển lãm với chủ đề: “Họa sĩ Trương Hán Minh - 60 năm một đời tranh Thủy Mặc” sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 18 tháng 01 năm 2011, tại khách sạn Equatorial (242 Trần Bình Trọng, Q. 5 TP.Hồ Chí Minh).

Ông vẽ tranh thủy mặc và viết thư pháp từ năm 20 tuổi, bền bỉ sáng tạo đến ngày qua đời. Vì sự đóng góp ở nhiều khía cạnh, Trương Hán Minh được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân.

Sự nghiệp của Trương Hán Minh có khoảng 6.000 bức tranh thủy mặc và thư pháp, hơn 20 triển lãm cá nhân, hơn 60 triển lãm tập thể ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Năm 2003, khi báo Lao động hỏi ông còn muốn làm gì thêm cho tranh thủy mặc Việt Nam, Trương Hán Minh nói: “Đó là tranh thủy mặc Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực. Là một họa sĩ chuyên nghiệp, tôi không lúc nào ngừng nghỉ trong việc cầm bút. Tôi thấy mình còn phải phấn đấu sáng tác trên 20 năm nữa”. Và ông đã giữ lời, nên liên tục nghiên cứu, khổ luyện, sáng tạo, triển lãm cho đến đầu năm 2021, khi bệnh ung thư bạo phát, gây cản trở.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Trương Hán Minh. Ảnh: Đinh Văn Hạnh

Hậu duệ tiêu biểu của Lĩnh Nam họa phái

Thư pháp và thủy mặc cổ điển của Việt Nam gần như song hành với lịch sử các triều đình phong kiến. Còn thư pháp và thủy mặc hiện đại Việt Nam thì được xem là bắt đầu từ thập niên 1930 tại Chợ Lớn - Sài Gòn, khi các họa sĩ và thư pháp gia bắt đầu sáng tác, triển lãm. Giai đoạn này có Lĩnh Nam tứ đại họa gia, gồm Triệu Thiếu Ngang, Quan Sơn Nguyệt, Lê Hùng Tài và Lý Thiện Thâm, được xem là thế hệ thứ 2 của Lĩnh Nam họa phái.

Tại Chợ Lớn - Sài Gòn từ những năm 1960 - 1970 đã có sự xuất hiện, truyền lưu của 4 họa phái là Lĩnh Nam, Kinh phái, Hỗ phái và Tây họa Sài Đinh, mạnh yếu có khác nhau.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thiên luân chi lạc” (45cm x 90cm) của Trương Hán Minh

Trương Hán Minh là học trò của Lương Thiếu Hằng, còn họa sĩ này là học trò của Triệu Thiếu Ngang. Cho nên Trương Hán Minh là thế hệ thứ 4 của Lĩnh Nam họa phái, xét riêng về mặt công chúng và báo giới, ông nổi tiếng bậc nhất, tác phẩm được giới sưu tập khắp Đông Nam Á yêu thích.

Ông xuất thân từ gia tộc có nhiều người theo nghiệp vẽ tại Trung Quốc. Ông nội ông đến Việt Nam, định cư tại Hải Phòng, đến đời cha ông thì rời vào Chợ Lớn. Từ nhỏ Trương Hán Minh đã thích vẽ, nên từ đầu cấp 2 được cho theo học thầy Lương Thiếu Hằng trong nhiều năm. Dù rất có khiếu, nhưng ông luôn lấy việc mài mực và tập vẽ hàng ngày làm đạo đức. Ông từng nói: “Thành công chỉ đến sau những năm tháng khổ luyện, mài mực mòn nghiên, cầm bút chai tay để vẽ sẽ có ngày cổ tay mềm mại, bút bắt kịp ý, thông suốt từ tâm đến trí. Bởi về căn bản, màu chỉ ở trong nét mực đen, nhưng nếu là cao thủ thì sẽ thể hiện được 7 sắc độ màu đen khác nhau”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hưng hung hớn vinh” (140cm x 70cm) của Trương Hán Minh

Đầu tháng 3/2020, tại triển lãm Thái mặc niên hoa (tạm dịch: Màu và mực theo năm tháng) ở Hội Mỹ thuật TP.HCM, Trương Hán Minh bày tác phẩm cùng 4 tên tuổi hàng đầu là Lý Tùng Niên, Trương Lộ, Lý Khắc Nhu, Huỳnh Tuần Bá. Đây có thể nói là dịp để người xem thấy được đẳng cấp và phong cách của từng người, nơi đậm dấu ấn khổ luyện.

Họ đã cùng nhau sáng tác bức thủy mặc Hùng vĩ bao la (68cm x 140cm), xem rất lý thú, vì nó phối hợp nhuần nhuyễn các phong cách và họa phái khác nhau. Lý Tùng Niên, Trương Hán Minh, Huỳnh Trần Bá là sư huynh đệ, đã có những tác phẩm tiêu biểu cho Lĩnh Nam họa phái. Trương Lộ theo họa phái truyền thống, nghiêng về Hỗ phái, còn Lý Khắc Nhu thì không phải là thủy mặc, thuộc dạng Tây họa phá cách.

Chú thích ảnh
Bức tranh “Hùng vĩ bao la” do 5 họa sĩ Lý Tùng Niên, Trương Hán Minh, Lý Khắc Nhu, Trương Lộ và Huỳnh Tuần Bá cùng sáng tác

Vui vì có nhiều học trò và lớp kế cận

Bên cạnh sáng tác, Trương Hán Minh cũng dành nhiều công sức cho việc đào tạo, truyền dạy tranh thủy mặc. Không ít họa sĩ theo học ông như La Hon, Huyền Lam, Nguyễn Thị Kim Chi, Trịnh Huy, Văn Tích Túc, Trần Kiên Nghị, Lưu Cẩm Hàng, Vương Trung Phu, Huỳnh Kim Lan, Nguyễn Văn Tài, Trần Minh Quang…

Sinh thời, khi được hỏi điều gì là hạnh phúc nhất trong đời cầm cọ của ông? Trương Hán Minh trả lời: “Đó là thủy mặc và thư pháp có nhiều lớp kế cận, trong đó một số người đã thể hiện được hồn cốt Việt Nam, tinh thần đương đại, để sáng tạo ra những tác phẩm mới. Tôi tin, nếu truyền lưu và phát triển thêm ít lâu nữa thôi, thư họa Việt Nam sẽ được nhiều nước ghi nhận”.

Theo nhà báo Lam Điền, người có nhiều thông tin về mảng thư họa ở TP.HCM, thì thế hệ sau có Lâm Hán Thành, Lưu Vĩ Hằng, Âu Dương Nguyệt Diễm, Tạ Yến Bình, Lý Bỉnh Toàn, Trương Cẩm Bình, Hồ Ly Hoa, Trương Gia Tuấn, Lư Kiến Cơ, Lưu Kim Chung, Trịnh Huy, Trần Văn Hải, La Hán Vinh, Trương Cẩm Bình, Lưu Huệ Trinh, Trần Tuyết Phi, Hồng Yến Nhàn... Một số tên tuổi trong này là học trò/truyền nhân của Lý Tùng Niên, Trương Hán Minh, Trương Lộ.

Như vậy, dù Trương Hán Minh không còn nữa, nhưng sư huynh đệ, đồng nghiệp, cũng như một số học trò của ông sẽ tiếp tục lưu truyền phong cách Lĩnh Nam họa phái.

Một kỷ lục dễ thương

Tháng 5/2013, tổ chức kỷ lục châu Á xác lập cho Trương Hán Minh với kỷ lục: “Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất”. Theo ước tính thì suốt mấy chục qua, ông đã có hơn 250 bức thủy mặc đã được bán và đấu giá vì mục đích thiện nguyện, đóng góp cho cộng đồng hơn 10 tỷ đồng. Kỷ lục này quả thật dễ thương và ý nghĩa.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm