Việc Quốc ca bị 'tắt tiếng' tại AFF Cup 2021: Nên ban hành quy định về sử dụng Quốc ca

08/12/2021 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Quốc ca Việt Nam bị "đánh gậy bản quyền" hồi đầu tháng 11 vừa qua chưa kịp khép lại, thì tối ngày 6/12, câu chuyện này trở nên nóng hổi trên các mặt báo và các diễn đàn mạng xã hội.

Bộ VHTT&DL: Không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca

Bộ VHTT&DL: Không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) lên tiếng về việc doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020.

Cụ thể, tối ngày 6/12 trên sân vận động Bishan (Singapore) diễn ra trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào ở bảng B, AFF Cup 2021.

Tuy nhiên, ngay ở những khoảnh khắc đầu tiên của trận đấu này đã khiến nhiều người hâm mộ Việt Nam khi theo dõi qua một kênh YouTube cảm thấy khó hiểu là đoạn hát Quốc ca của đội tuyển Việt Nam đã bị tắt tiếng vì lý do bản quyền.

Đáng chú ý hơn là, qua theo dõi, người hâm mộ phát hiện ngoài Quốc ca Việt Nam, ở 3 trận đấu trước đó trong khuôn khổ AFF Cup 2021 (trận Malaysia - Campuchia, Thái Lan - Timor Leste và Singapore - Myanmar) cũng xảy ra trường hợp tương tự với quốc ca của các nước.

Chú thích ảnh
Hình ảnh dòng chữ thông báo ngắt tiếng bài Quốc ca Việt Nam trên màn hình

Từ việc chưa có tiền lệ đến những lùm xùm gây bức xúc

Bức xúc trước sự việc này, nhiều người vào fanpage của BH Media để bày tỏ sự bất bình vì cho rằng BH Media có liên quan đến sự việc kể trên.

Không lâu sau, BH Media đã có thông cáo báo chí, khẳng định: "Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media".

BH Media cho biết thêm, Ban tổ chức sân đã chọn bản ghi Tiến quân ca của Hãng đĩa Marco Polo. Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Theo luật, bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất.

BH Media còn chỉ rõ, trong trận đấu Việt Nam - Lào, không hề có bên nào “đánh bản quyền” Tiến quân ca, mà chỉ là do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng phần Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu thôi.

Chú thích ảnh
Quốc ca của Lào cũng bị tắt tiếng trong trận gặp Việt Nam

Trả lời câu hỏi của Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về hướng giải quyết vấn đề này, đại diện Next Sports - đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình AFF Suzuki Cup 2021 - cho biết: “Thực hiện theo chỉ đạo kịp thời từ Bộ VH,TT&DL, từ 7/12/2021, khán giả của Next Sports và người hâm mộ sẽ được hưởng thụ trọn vẹn, toàn bộ phần nghi lễ bao gồm Quốc ca trước mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam trên mọi nền tảng phát sóng”.

Như vậy, việc “tắt tiếng” Quốc ca từ nay đến hết giải đấu sẽ không xảy ra.

Để nhất quán trong việc sử dụng Quốc ca…

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: Trong quá khứ, đã bao giờ xảy ra tình huống ngăn chặn phổ biến Quốc ca Việt Nam như câu chuyện kể trên chưa? Mỗi khi đoàn thể thao Việt Nam tham dự một sự kiện thể thao ở ngoài nước thì có cần phải mang theo bản thu Quốc ca?

Trả lời câu hỏi này của Thể thao và Văn hóa, ông Trần Văn Mạnh - Tổng Thư ký Olympic Việt Nam - cho hay: “Các nước đăng cai một sự kiện thể thao quốc tế, trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện, nước chủ nhà sẽ mời các đoàn ngoại giao và xin ý kiến về kích cỡ, màu cờ và Quốc ca (bao gồm cả phần nhạc lý của ca khúc). Sau đó, họ sẽ xin ý kiến của UB Olympic Quốc gia một lần nữa để kiểm tra lại. Nếu tất cả đều chuẩn thì xác nhận gửi cho nước chủ nhà. Đến ngày tham dự đại hội, tại phiên họp khẳng định, đại diện đoàn thể thao các nước lại phải nghe lại một lần nữa. Nhưng đó là trước đây thôi, còn bây giờ người ta số hóa rồi thì không phải mang theo Quốc ca nữa...”.

Chú thích ảnh
Thông báo trước trận Thái Lan - Timor Leste ngày khai mạc AFF Cup 2020

Trở lại với sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng như đã nói ở trên cần hiểu thế nào cho đúng, theo một vị luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ, một ca khúc khi truyền đạt đến công chúng khiến cho công chúng có thể cảm nhận được, có rất nhiều quyền của các bên liên quan trong đó có: Quyền của tác giả - là quyền của người sáng tạo ra ca khúc đó, trong nhiều trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu.

Thứ nữa là quyền của chủ sở hữu - trong trường hợp của Quốc ca Việt Nam (Tiến quân ca) thì chủ sở hữu là nhà nước (và nhân dân) Việt Nam. Và cuối cùng, quyền liên quan đối với bản ghi âm ghi hình, chương trình biểu diễn, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa... quyền sở hữu các quyền liên quan thuộc về chủ đầu tư tạo lên các đối tượng trên nếu các đối tượng này được tạo ra hợp pháp tức là được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả.

Xét cụ thể bài Quốc ca Việt Nam, bất kỳ đơn vị nào tạo ra bản ghi âm hợp pháp ca khúc này đều là chủ sở hữu bản ghi âm đó, nếu ai đó sử dụng lại bản ghi âm của người khác thì phải xin phép sử dụng. Sở hữu bản ghi âm và cấp quyền sử dụng một bản ghi âm không đồng nghĩa với việc sở hữu quyền tác giả ca khúc” - vị luật sư này nói.

Cũng theo luật sư, Bộ VH,TT&DL nên ban hành quy định về sử dụng Quốc thiều, Quốc ca, cần phải có bản ghi âm chính thức, bao gồm cả bản Quốc thiều và Quốc ca để sử dụng trong các lễ khánh tiết, trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao, trong các cuộc thi thể thao hoặc bất kỳ cuộc gặp gỡ chính thức nào với các quốc gia khác để nhất quán trong việc sử dụng Quốc ca.

Không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam

Về việc này, Bộ VH,TT&DL có ý kiến chính thức như sau: Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VH,TT&DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết để gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.

Bộ VH,TT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm