“Vác máy” trở lại Thái Lan “theo dấu chân Bác”

15/01/2010 14:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngay khi kết thúc Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ 7 nhiệm kỳ 2009 - 2014, Họa sĩ Bằng Lâm “chính thức trở thành... “nguyên Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam”. Hỏi ông có buồn không? thì ông cười: “Nói vui thôi nhé, “mất ghế” mình mới có cơ hội dành thời gian bắt tay vào thực hiện Triển lãm Theo dấu chân Bác tại Thái Lan” hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Gia đình được Bác Hồ đặt tên Cách - Mệnh - Thành - Công

Họa sĩ Bằng Lâm (Nguyễn Bằng Lâm) sinh tại Na khon Pha nom (Thái Lan). Ông là con của phóng viên ảnh chiến trường Nguyễn Bằng Sâm, người được Bác Hồ đặt tên là Cách.

Ông nội họa sĩ Bằng Lâm là Nguyễn Bằng Cát (tức Hoe Lợi). Vốn dĩ cụ Hoe Lợi là thầy lang nên khi sinh được 4 người con đặt tên con cũng toàn là tên thảo dược: Sâm, Nhung, Quế, Phụ. Năm 1929 Bác Hồ sang Thái Lan, đến Bản Mạy ở nhà ông bà Hoe Lợi một thời gian. Để hợp pháp hóa, Bác được ông Hoe Lợi bố trí làm việc tại cửa hàng thuốc bắc của gia đình.


Họa sĩ Bằng Lâm tại triển lãm nhiếp ảnh 150 chân dung nghệ thuật tạo hình VN
Họa sĩ Bằng Lâm kể: Trong một lần trò chuyện với ông nội tôi, Bác xin phép đặt cho những người con của ông mỗi người một cái tên khác. Cụ thể: Sâm - cha tôi là Cách, Nhung là Mệnh, Quế là Thành và Phụ là Công. Đọc liền là Cách Mệnh Thành Công! ... Năm 1948 gia đình ông nội tôi có đánh một bức thư thông qua Tổng ủy Việt kiều cứu quốc và Phái đoàn Việt Nam tại Bangkok gửi mừng tuổi Bác Hồ 1.000 bạt..”.

Một mình giữa đôi dòng nhiếp ảnh - hội họa

Nguyễn Bằng Lâm, sinh năm 1944, quê quán Nghệ An, hiện là Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 7. Huy chương đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1985.

Năm 16 tuổi, Bằng Lâm được cha giao trông coi cửa hiệu ảnh chân dung ở Nakhon Pha nom (Thái Lan). Tình yêu nhiếp ảnh bắt nguồn từ đó. Về nước, Bằng Lâm vào quân đội... vừa cầm súng chiến đấu chống quân thù vừa cầm máy sáng tạo nghệ thuật và vẽ ký họa về chiến trường.


Những ngày ở Cục Tuyên huấn Hải quân, Bằng Lâm đặc biệt tập trung vào đề tài người lính, nhất là lính biển. Ông đi và đến nhiều vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhiều nhất là đi Trường Sa (10 lần trong 10 năm) và triển lãm nhiếp ảnh đầu tay cũng là về Trường Sa với chủ đề Chiến sĩ Hải quân, sau đó là triển lãm Biển và người chiến sĩChân dung người chiến sĩ. Qua mỗi triển lãm, người xem vẫn thấy được cái nhìn riêng của nghệ sĩ về những gương mặt, những con người tiên tiến xây dựng đơn vị, bảo vệ Tổ quốc...

Qua một chặng đường dài “khởi nghiệp” bằng nhiếp ảnh ngỡ tưởng Bằng Lâm sẽ “sống chết” với loại hình này nhưng chính ông lại thú nhận rằng: “Tôi yêu và say mỹ thuật hơn”. Bằng chứng là sau khi ra lính, ông theo học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ông chia sẻ: “Tôi vẽ không giống hiện thực nên thường mượn nhiếp ảnh làm công cụ, phương tiện biểu hiện sinh động cái hiện thực còn thiếu trong mỗi sáng tạo hội họa. Nghĩa là, nhiếp ảnh với tôi chỉ là nghề tay trái, làm để giải khuây, để cốt thay đổi trạng thái hoạt động nghệ thuật chưa đạt đến hết tầm”.

Từ đó, nghệ thuật nhiếp ảnh và nghệ thuật hội họa của Bằng Lâm luôn song hành cùng nhau, thay nhau giúp ông cân bằng trạng thái sáng tạo. Cái này thiếu hụt sẽ ngay lập tức được cái kia trợ giúp, lấp đầy. Bằng chứng là ông đã từng cầm cọ ngồi vẽ chân dung những nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nhưng chưa thấy toát lên được “vẻ đẹp tâm hồn” như lời cha dặn nên lại buông cọ vác máy đi “chộp” những gương mặt nghệ sĩ mà ông gặp để rồi cho ra một triển lãm đầy ấn tượng với hơn 150 chân dung các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (đã diễn ra tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền trung tuần tháng 11/2009 vừa qua).

Năm 2004, Bằng Lâm được bầu làm Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Mặc dù rất bận với công tác Hội nhưng ông vẫn cầm máy và cầm cọ đều đặn. Về nhiếp ảnh, đề tài ông tâm đắc vẫn là chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam. Ông dự định trong năm nay sẽ tổ chức Triển lãm 500 ảnh chân dung về các văn nghệ sĩ Việt Nam mà ông “chớp” được. Còn mỹ thuật, đề tài được ông tập trung cầm cọ vẫn là về người lính, nhất là về lính hải quân như các bức Chiến sĩ Hải quân, Biển và lính đảo, Lính thủy và mặt trời... đều toát lên một vẻ đẹp về cuộc sống hào hùng của người lính đảo.

Trở lại Thái Lan để tri ân Bác

Hết nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch ở Hội Mỹ thuật, ông càng có cơ hội dành thời gian bắt tay vào thực hiện Triển lãm Theo dấu chân Bác tại Thái Lan hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cụ thể hơn, họa sĩ Bằng Lâm cho biết sẽ đích thân “vác máy” trở lại Thái Lan tìm lại những tài liệu và chụp ảnh tất cả những nơi mà Bác Hồ đã từng đến, ở trong thời kỳ Bác hoạt động Cách mạng tại Thái Lan năm 1929. Dự kiến triển lãm sẽ được tổ chức trước khi Đại lễ 1.000 Thăng Long vào tháng 10/2010. Như vậy, cùng với triển lãm về 500 chân dung văn nghệ sĩ và triển lãm ảnh về những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong năm nay họa sĩ Bằng Lâm có tới 3 cuộc triển lãm. Và vẫn lại là triển lãm... ảnh.

Có nhiều lý do để họa sĩ Bằng Lâm quyết tâm thực hiện triển lãm Theo dấu chân Bác tại Thái Lan, Một là để tri ân đất nước sau 50 năm hồi hương; hai là như một món quà dành tặng cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; thứ ba và quan trọng nhất là muốn cung cấp cho công chúng một dạng tư liệu theo quan điểm của cá nhân ông về cuộc hành trình của Bác - vị lãnh tụ tài ba của dân tộc đã từng ở và làm thuốc trong gia đình ông những năm Người hoạt động cách mạng bên Thái Lan (1929).

Họa sĩ Bằng Lâm xúc động: Được biết Bác Hồ từng sống, làm thuốc cùng với những người thân trong nhà mình là một vinh dự, một hạnh phúc lớn lao chẳng phải ai cũng có được. Giờ đây, được bắt tay thực hiện triển lãm mà tôi hằng ấp ủ bấy lâu về Bác khiến tôi tự hào, tự tin không kém. Tôi muốn tri ân Đất nước, tri ân Người!

Hoàng Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm