Ứng xử ra sao với vàng mã? (kỳ 2): Gần chục năm... lúng túng

27/02/2018 07:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ năm 2010, khá nhiều văn bản của ngành quản lý đã được ban hành với mục đích hạn chế tình trạng đốt vàng mã. Thế nhưng, thực tế cho thấy những văn bản này cũng chưa thể phát huy hiệu quả.

Cũng cần nói thêm, dù hướng tới việc quản lý đốt vàng mã, chưa văn bản nào có nội dung cấm tuyệt đối tập tục này – dù dư luận đã có lúc hiểu lầm.

Đồ mã, vàng mã và "nơi công cộng"

Trong số những văn bản liên quan tới tập tục đốt vàng mã, phía quản lý vẫn nhắc tới Nghị định 75/2010/NĐ-CP (có hiệu lực năm 2010, về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa). Điều 18 của Nghị định này ghi rõ có thể phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi "Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác.."

Ở thời điểm ấy, nhiều khách hành hương từng tá hỏa vì cách hiểu rằng việc đốt mã ở những "di tích" như đình, đền, chùa sẽ bị xử phạt. Mọi chuyện chỉ lắng xuống, khi đại diện Thanh tra Bộ VH,TT&DL giải thích rằng thay vì vàng mã, Nghị định này chỉ cấm đốt "đồ mã" - được hiểu là những đồ vật thật được mô phỏng bằng giấy như nhà, xe, voi, ngựa... nhằm đốt cho người đã chết.

Chú thích ảnh
Vàng mã được người dân đốt "hồn nhiên" trên vỉa hè. Ảnh: TTXVN

Cũng chỉ vài tháng sau đó, khi Hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, câu hỏi về tập tục này lại được xới lên – khi Hội Gióng luôn có nghi thức “hóa” các hình voi trận, ngựa trận sau khi dâng lễ. Để rồi, một lần nữa, TS Lê Thị Minh Lý (khi đó là Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa) phải lên tiếng trấn an dư luận rằng việc hóa vàng tại Hội Gióng vẫn diễn ra bình thường. Bà chia sẻ với Thể thao & Văn hóa: "Nghị định được đưa ra với mục đích chấn chỉnh việc lạm dụng đốt vàng mã bừa bãi, gây lãng phí và ô nhiễm nơi công cộng, chứ không có ý “xóa sổ” phong tục hóa vàng lễ vật để gửi gắm ước nguyện đến thế giới tâm linh”.

Tiếp đó, năm 2013, Nghị định 158 được Chính phủ ban hành (về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) tiếp tục chú trọng tới vấn đề vàng mã. Điều 15 của Nghị định ghi rõ: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa".

Thế nhưng, với thực tế phức tạp của việc đốt vàng mã, chính những nhà quản lý văn hóa lại chỉ ra sự bất cập từ 2 Nghị định này khi sử dụng các khái niệm "nơi công cộng" và "nơi quy định".Như chia sẻ của Thanh tra Bộ VH,TT&DL khi đó, nếu một nơi công cộng có quy định được đốt vàng mã thì người dân đốt ở đó sẽ không sai theo Nghị định 158, nhưng lại vi phạm theo Nghị định 103. Chưa kể, việc vận chuyển đồ mã tại các khu vực này cũng không có quy định cấm hay hạn chế nào.

Phải tới năm 2017 vừa qua, Nghị định 158 mới được sửa đổi để hoàn hảo và kín kẽ hơn (bằng Nghị định số 28/2017/NĐ-CP, có giá trị thay thế một số điều khoản của Nghị định 158). Theo đó, điều khoản liên quan tới vàng mã được sửa đổi thành mức phạt đối với hành vi "thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích".

Chưa thể cấm tuyệt đối

Bản thân những sự điều chỉnh ấy đã cho thấy: quy định hạn chế đốt vàng mã không dễ để phát huy được hiệu lực của mình. Và thực tế, theo phản ánh của dư luận, những năm qua nạn đốt vàng mã tràn lan vẫn tiếp tục xảy ra tại các di tích và cơ sở tín ngưỡng – thế nên GHPGVN phải ban hành công văn số 31 vừa qua.

"Họ cứ mang vàng mã vào chùa. Sợ xử phạt thì đốt ở bên ngoài, hoặc là thuê người đốt" – Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, người kí công văn số 31, chia sẻ - "Người được thuê chủ yếu là trẻ con, phía quản lý cũng khó có thể xử phạt".

Cần nhắc lại, công văn số 31 của GHPGVN cũng chỉ có tính chất khuyến nghị về việc không đốt vàng mã tại chùa – cơ sở thờ tự của tôn giáo này. Và trên thực tế, theo thống kê, lượng vàng mã, đồ mã đốt tại chùa không lớn bằng lượng vàng mã được đốt tại đình, đền, miếu và đặc biệt là các điện phủ - nơi có tín ngưỡng thờ mẫu.

Do vậy, trong những ngày vừa qua, khi câu chuyện vàng mã được xới lên, nhiều người đã nhắc tới việc ngành quản lý nên "xóa tận gốc" vàng mã bằng việc cấm sản xuất hoặc kinh doanh loại mặt hàng này. Thực tế, đây không phải là lần đầu đề xuất ấy được nhắc tới. Nhưng, như nhận xét của một số chuyên gia, biện pháp ấy sẽ không được áp dụng, ít ra là trong thời điểm này.

Điển hình, dù rất ủng hộ công văn của GHPGVN, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy vẫn chia sẻ thẳng thắn với báo giới: "Đối với tập tục lâu đời là đốt vàng mã, việc đẩy lùi, loại bỏ không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Cũng không thể sử dụng các biện pháp hành chính, cấm đoán cứng nhắc để yêu cầu người dân không được đốt vàng mã".

Thực tế, câu trả lời cho việc chưa thể xóa bỏ tuyệt đối vàng mã không khó, nếu người ta tìm hiểu về cách mà tập tục này ăn sâu bén rẽ vào đời sống văn hóa Việt trong lịch sử.

(Còn tiếp)

Ứng xử ra sao với vàng mã? (kỳ 1): Khi Phật giáo nói 'không'

Ứng xử ra sao với vàng mã? (kỳ 1): Khi Phật giáo nói 'không'

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG VN) đề nghị Phật tử không đốt vàng mã tại các ngôi chùa trên toàn quốc đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Bởi, ít nhiều đó vẫn là một cột mốc, trong câu chuyện nhùng nhằng suốt hàng chục năm qua về việc này.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm