Tự truyện của nghệ sĩ Việt (Kỳ 3): Sơn Tùng M-TP 'vừa lập nghiệp vừa lập ngôn'

18/10/2017 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mở đầu tự truyện Chạm tới giấc mơ, Sơn Tùng M-TP cho biết, “đã trải nghiệm đầy đủ cung bậc của một ca sĩ, và hiện tại, Tùng đang trải nghiệm thử thách của một CEO”. Phải chăng nam ca sĩ 24 tuổi này viết tự truyện vì đang làm CEO của công ty mang tên mình?

Tự truyện Chạm tới giấc mơ của Sơn Tùng M-TP có hai điểm đáng chú ý: Thỏa mãn sự tò mò của những người hâm mộ và có nhiều “lập ngôn” để minh chứng cho sự thành công của bản thân.

Những lập ngôn “không phải dạng vừa đâu”

Tự truyện Chạm tới giấc mơ do LimBooks liên kết với NXB Hà Nội ấn hành, sách dày gần 200 trang với cấu trúc dễ đọc, chia làm 3 phần: Thuở nhỏ ở Thái Bình với gia đình; Gặp gỡ và chia tay với hai ông bầu H.T và Q.H; Công ty M-TP…

Với những “fan cuồng”, thì những điều Sơn Tùng M-TP kể trong cuốn sách này không mới hoàn toàn, nhưng họ vẫn mua sách để giải khát cơn tò mò nhiều hơn. Chưa kể khi mua sách còn được tặng một poster hình thần tượng kèm một bookmark, ghi câu: “Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được, phải chịu đựng những cảm giác không ai chịu được”.

Chú thích ảnh
Bìa sách Tự truyện “Chạm tới giấc mơ” của Sơn Tùng M-TP

Những câu “lập ngôn” như trên trong Chạm tới giấc mơ rất nhiều. Chẳng hạn trong nhiều trang sách, những câu như thế được in riêng: “Để chạm tới giấc mơ, bạn phải vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình”; “Người khiến tôi có thể bỏ tất cả để ở bên là người sẽ yêu thương gia đình tôi và giúp tôi được yêu thương gia đình cô ấy”; “Hạnh phúc là được làm điều mình yêu. Thành công là yêu được việc mình làm”… Những “lập ngôn” như thế na ná như danh ngôn được in trong các bloc lịch mà chúng ta thấy hàng ngày.

Sơn Tùng M-TP cho rằng: “Tuổi trẻ là tài sản giá trị nhất trong cuộc đời, vì tuổi trẻ cho ta cơ hội để làm những điều ta thích, dù là ngông cuồng, điên rồ chăng nữa, nhưng còn tuổi trẻ là chúng ta còn thời gian để làm lại. “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”. Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống…”. Đây cũng chính là lý do để Sơn Tùng M-TP ấn hành cuốn tự truyện này; tuổi trẻ của Sơn Tùng M-TP giống như thi sĩ Xuân Diệu từng thấy: “Xuân đang đến nghĩa là Xuân đang qua”, nên phải: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ”.

Sơn Tùng M-TP hiện đang rất thành công, để minh chứng cho sự thành công của mình, nam ca sĩ “lập ngôn”, “không phải dạng vừa đâu”, rằng: “Ước mơ và đam mê, ai giúp mình được ngoài bản thân mình”; “Tham vọng của Tùng là phải chạm tới giới hạn cao nhất của bản thân, còn những giới hạn từ những khó khăn, cản trở bình thường thì Tùng sẽ không bao giờ cho phép nó hạ gục mình”.

“Chàng trai năm ấy” thỏa mãn sự tò mò của “fan cuồng”

Nếu là “fan cuồng” của Sơn Tùng M-TP hẳn muốn “biết tuốt” về thần tượng của mình, thì Chạm tới giấc mơ đã phần nào đáp ứng được điều này. Sơn Tùng M-TP nhận được “cát-xê” lần đầu khi học mẫu giáo, đi biểu diễn văn nghệ, được 10 ngàn đồng và anh rất tự hào khi kiếm được tiền đưa cho mẹ. Mẹ Sơn Tùng M-TP từng làm ở Đoàn Ca múa nhạc Thái Bình, nhưng bỏ việc mở tiệm uốn tóc để chăm sóc chồng con. Bố của Tùng làm nghề lái xe buôn chuyến các mặt hàng gạo, sắt thép, muối… Gia đình Tùng sống rất yên bình và đủ đầy với hai bên nội ngoại yêu thương nhau. Tùng theo dòng nhạc underground nhưng thực sự đã thấm đẫm dân ca từ ông bà ngoại…

Những giãi bày như thế trong Chạm tới giấc mơ đã đủ thỏa mãn sự tò mò của “fan cuồng” Sơn Tùng M-TP chưa? Ai cũng biết ca khúc Cơn mưa ngang qua là bài hát đầu tiên Tùng thu âm nhưng đọc tự truyện này mới biết bài Overband mới là bài ca sĩ này thu âm lần đầu trong đời. Và bài Em của ngày hôm qua được Tùng sáng tác trong căn phòng trọ rộng 8 mét vuông ở đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh, TP.HCM). Căn phòng này của người dì ruột ở, khi vào Sài Gòn đến căn phòng này, Tùng đã rất ngỡ ngàng.

Rồi nghệ danh của chàng trai Nguyễn Thanh Tùng sao lại là Tùng M-TP cũng được giải đáp trong tự truyện. M-TP viết tắt ba chữ cái đầu của “Music, Tài năng, Phong cách” theo gợi ý của một đàn anh của Tùng trong lĩnh vực underground là Nguyễn Thanh Khiết. Sau về với ông bầu H.T., ông bầu này và H.Q.M. đã gợi ý thêm chữ Sơn vào chữ Tùng thành ra Sơn Tùng M-TP như hiện nay…

“Chạm tới giấc mơ” vẫn còn ngại va chạm?

Gần như tất cả các nhân vật xuất hiện trong tự truyện Chạm tới giấc mơ của Sơn Tùng M-TP đều có tên tuổi rõ ràng. Riêng các nhân vật như ông bầu H.T., ông bầu Q.H. và anh H.Q.M. lại viết tắt, phải chăng nam ca sĩ 24 tuổi này “ngại đụng chạm” với những nhân vật mà mình từng làm việc; dù tự truyện là thể loại “phi hư cấu” được viết “trần thuật” câu chuyện có thật của bản thân.

Ngày 20/10, Sơn Tùng M-TP sẽ có buổi gặp gỡ người hâm mộ và ký tặng sách tại Hà Nội.

Kỳ 4 & hết: “Mua vui” có được “một vài trống canh”?

Vài tự truyện, hồi ký 'trước Sơn Tùng M-TP'

Vài tự truyện, hồi ký 'trước Sơn Tùng M-TP'

Tại Việt Nam, xét về đặc điểm thể loại, cuốn tự truyện “ra dáng ra hình” đầu tiên có lẽ là "Lê Vân: Yêu và sống", phát hành giữa năm 2006. Sự thật và cách bày tỏ sự thật đã tạo nên làn sóng dư luận “yêu và ghét” lúc bấy giờ.

Thanh Kiều - Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm