TT-HUẾ: Đục tường, phá cửa đình làng để trộm cổ vật

15/10/2019 08:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngôi đình làng cổ ở huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bị trộm đục tường, phá cửa để cuỗm cổ vật quý. Cơ quan công an huyện đang phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra, truy bắt kẻ trộm.

Khẩu thần công 20 triệu đồng: Nỗi buồn của cổ vật

Khẩu thần công 20 triệu đồng: Nỗi buồn của cổ vật

Mấy ngày nay, báo giới đang nhắc tới việc một nhóm ngư dân Thừa Thiên - Huế đến Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế để “đòi nợ” số tiền 10 triệu đồng. Kết quả, họ lại thất thểu ra về.

Ngày 14.10, UBND huyện Phong Điền cho biết, lực lượng công an huyện đã phối hợp với UBND xã Phong Sơn khám xét hiện trường và thu thập chứng cứ để điều tra vụ việc mất trộm cổ vật ở đình làng Hiền Sỹ.

Trước đó, vào ngày 13.10 (tức ngày 15.9 âm lịch), ông Nguyễn Trung- người phụ trách trông coi di tích đình làng Hiền Sỹ đến quét dọn và dâng hương tại di tích này. Lúc này, ông Trung phát hiện cửa bên hông của công trình di tích đã bị đục tường, phá chốt. Tiếp đó, khi vào phía bên trong đình làng, ông Trung phát hiện một số cổ vật quý giá đã “không cánh mà bay”.

Cụ thể, trộm đã phá 2 án thờ phía trong đình làng nhưng chỉ lấy các cổ vật quý nhất; nhiều đồ thờ cúng còn lại vẫn còn nguyên vẹn. Theo đó, cổ vật bị mất cắp gồm: một lục bình và một ché cổ từ thời vua Tự Đức. Cả 2 bình này làm bằng sứ, tráng men màu đất và trắng, xanh, cao khoảng 60cm, đường kính khoảng 40 cm và 80 cm.

Chú thích ảnh
Đình làng Hiền Sỹ vừa bị trộm đột nhập cuỗm đi cổ vật quý. Ảnh: Thanh Hải

Theo đại diện Ban trị sự làng Hiền Sỹ, các cổ vật quý đều được cất giữ kỹ càng trong tủ, thường được đưa ra trưng bày vào các dịp lễ quan trọng của làng. Trước đó, có lần Ban trị sự làng đã đưa chuông cổ đi hàn và gặp nhiều người hỏi mua. Một số người ở các tỉnh thành khác đã đến trả giá lên 1,2 tỷ đồng nhưng làng không bán. Có lẽ chính vì nghe thông tin này nên có người tìm cách đột nhập để trộm cổ vật.

Làng Hiền Sỹ có từ cách đây gần 700 năm, là một trong những ngôi làng được hình thành khá sớm ở vùng đất Thuận Hóa . Đình làng không chỉ lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, tín ngưỡng truyền thống của làng, mà còn là địa chỉ đỏ ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu. Năm 2015, đình làng Hiền Sỹ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm