Triển lãm 'Gốm Tết 2021': Nghệ thuật trong cuộc dạo chơi với lửa

30/01/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Người trong nghề thường nói: “Chơi với gốm là chơi với lửa” để thấy được sự khó khăn, chập chờn đầy thử thách và mạo hiểm của nghề làm gốm. Gốm là chất liệu đặc biệt gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Việt từ dụng cụ trong gia đình đến trang trí kiến trúc. Trước nay gốm thiên về ứng dụng bởi tính khó nắm bắt của nó trong việc tạo tác các tác phẩm nghệ thuật. Cuộc dạo chơi với gốm lần này của các nghệ sĩ là sự mạo hiểm không chỉ với chất liệu tạo hình, mà còn với đường biên suy nghĩ vốn có trong mỗi người.

'Kinh gốm' của cha con Lê Thiết Cương: 'Hiện trên mặt gốm kinh và thơ'

'Kinh gốm' của cha con Lê Thiết Cương: 'Hiện trên mặt gốm kinh và thơ'

Có lẽ từ sau sự thành công của triển lãm Thơ gốm (2017) và sự thành kính trong dự án sáng tạo 10 bình gốm cỡ lớn trên đó có ghi những câu thơ chọn lọc từ thơ nôm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng những minh họa tối giản theo phong cách Lê Thiết Cương, anh lại bước thêm một bước chậm rãi, trầm tĩnh đến với dự án mang tên Kinh gốm.

Triển lãm Gốm Tết diễn ra từ 23/1 đến 23/2 tại Ceramic Art Space (số 232 Giang Cao, Bát Tràng, Hà Nội).Điểm danh 18 nghệ sĩ đến với gốm trong triển lãm lần này, có thể thấy: Con nhà “nòi” có, nghệ sĩ không chuyên về chất liệu gốm có, và có cả nghệ sĩ lần đầu tiên cầm trên tay nắm đất để tạo tác.

Với gốm, khó để khiên cưỡng

Câu chuyện về đất, nước, lửa, khí trong gốm hẳn là câu chuyện đã thường trực trong suy tư đối với những nghệ sĩ đã chuyên về chất liệu gốm như Hoàng Mai Thiệp, Lê Anh Vũ, Trịnh Vũ Hiếu…nhưng đối với những nghệ sĩ khác, thực hành nghệ thuật với gốm là một trò chơi đuổi bắt ú tim với các yếu tố ấy.

Chú thích ảnh
Tác phẩm“Gốm độc bản” của Trần Trọng Tri

Nghệ sĩ Lê Thị Hiền là một nữ nghệ sĩ kỳ cựu trong điêu khắc chuyên thực hành với chất liệu sắt. Cô chia sẻ rằng trong mấy tuần đầu làm việc với đất, cô đã chững lại và định bỏ. Một đặc tính mà cô không thích trong việc điêu khắc gốm là nó phải rỗng mà rỗng thì khó tạo tác theo ý đồ nghệ thuật hiện đại.Ban đầu, đất không đáp ứng được cho việc cô muốn tạo ra những khối sắc cạnh như tam giác chẳng hạn, bởi tính co ngót của đất khó lường, mà phải nung xong mới biết mặt tác phẩm. Và yếu tố nữa là màu, màu của gốm thì “cô không làm chủ được”.

Phạm Trà My là một họa sĩ thường thực hành nghệ thuật với chất liệu sơn mài. Đây là năm đầu tiên chị tham gia làm gốm và có tác phẩm trong triển lãm Gốm Tết 2021 này. Chị đã phải “vật lộn” với gốm những tháng qua để có được thành quả trưng bày ngày hôm nay. Chị tạo hình gốm theo mô-típ bóng bay đầu người quen thuộc đã xuất hiện trong tác phẩm Những tháng ngày lơ lửng- chất liệu sơn mài trên gỗ và composite trước đây của chị.

Chú thích ảnh
Bộ tác phẩm gốm “Du Xuân” của họa sĩ Vũ Đình Tuấn

Chị phải thốt lênlàm gốm tốn nhiều thời gian, công sức hơn nhiều so với chất liệu sơn mài chị đang thực hành. Mặc dù sơn mài cũng là một chất liệu truyền thống đỏng đảnh và cầu kỳ bởi nghệ sĩphải trải qua nhiều công đoạn, và hiệu ứng của tác phẩm hiện lên chỉ sau công đoạn mài, người nghệ sĩ có thể chủ động dừng khi thấy đã đạt được ý đồ nghệ thuật. Vậy mà làm tác phẩm với gốm còn khó chiều hơn. Người nghệ sĩ muốn tạo được hình cho tác phẩm gốm phải nghiên cứu từ khâu chọn đất, làm phôi- tạo hình gốm, chờ khô, đợi vào màu/làm men/tạo hình bề mặt… các công đoạn chờ rất lâu, kéo dài trong nhiều tháng mà không thể lường trước được hình hài của tác phẩm của mình như thế nào.

Chú thích ảnh
Khai mạc triển lãm “Gốm Tết 2021”

Họa sĩ “đa tài” Vũ Đình Tuấn người được chọn phát biểu khai mạc triển lãm, có số lượng tác phẩm nhiều nhất lại tự thú rằng anh là người “lười nhác” nhất trong số các nghệ sĩ lần này trong triển lãm, bởi anh “không dám” tạo hình dáng mới cho gốm mà chỉ vẽ lên phôi gốm có sẵn. Chính bởi vậy, với sở trường hội họa của mình, anh đã tạo ra được sự hòa hợp giữa men lam truyền thống của gốm và tạo hình vừa mang đặc trưng của nghệ thuật của anh mà không ứng xử khiên cưỡng với gốm.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Chuyển động ở phía trong" của nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền

Truyền thống và hiện đại hòa quyện trong tác phẩm

Tác phẩm gốm độc bản ngày 29/11/2020 của nghệ sĩ điêu khắc Trần Trọng Tri được tạo hình như một chiếc thuyền chở những chiếc bát khổng lồ - đã bị vỡ làm 3 sau khi ra khỏi lò. Nhưng không từ bỏ, nghệ sĩ ghép lại những mảnh vỡ và kết quả là thứ cuối cùng hiện hữu.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Giao thời" của nghệ sỹ Nguyễn Duy Mạnh

Anh chia sẻ: “Gốm sứ giống như một cô nàng xinh đẹp, đỏng đảnh và thất thường. Bạn sẽ nản nếu cố công tìm ra một cách ứng xử nào là chuẩn mực cho mọi tình huống. Sáng suốt là chỉ nên hưởng thụ trạng thái kịch tính mơ hồ này và không kỳ vọng vào một kết quả cuối cùng nào”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của nhà điêu khắc Trịnh Vũ Hiếu

Sau giai đoạn chững lại, nhà điêu khắc Lê Thị Hiền đã thử nghiệm lại với gốm bằng những gì có sẵn. Cô đã thành công với chiếc bình nhỏ đầu tiên và nhận ra rằng: “Đừng bắt gốm theo mình”, cách mà trước kia cô hoàn toàn làm chủ với chất liệu sắt.

Bên cạnh đó, có những nghệ sĩ cũng đã kinh qua nhiều trải nghiệm “đổ vỡ” với gốm những năm trước, trong triển lãm này đã có được những tác phẩm độc đáo ở tạo hình và ý tưởng cho tác phẩm trên chất liệu gốm.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của nghệ sỹ Phạm Hà Hải

Nguyễn Duy Mạnh với sê-ri tác phẩm Giao thời táo bạo tạo hình những chiếc bình lồng xuyên qua nhau trong thân thể rách toác hay vệt cắt rách của những chiếc đĩa như da thịt ứa máu khiến người xem không thể không ám ảnh và suy ngẫm.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Vũ môn" của nghệ sỹ Hoàng Mai Thiệp

Những tác phẩm Chuyển động ở phía trong của nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền hòa mình với gốm bằng cách tạo ra cho những khối tưởng chừng như đặc cứng vô vọng ấy những cái lỗ nhỏ để cắm được cành cây nhánh hoa vào, và từ đó, người ta thấy được chúng còn rỗng ở bên trong. Sự bất ngờ hay cặp đôi tương phản “mạnh mẽ/tế nhị” luôn tồn tại trong các tác phẩm trước đây của anh và lần này, chúng vẫn giữ được thần thái của mình vững vàng trước gốm.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Huy Tính

Trong bối cảnh xã hội đang đứng trước những khó khăn vì bệnh dịch, những nghệ sĩ vô tình lại có thêm thời gian để chậm rãi hơn với chất liệu gốm truyền thống và sự chiêm nghiệm trong sáng tác.

Gốm là một chất liệu mang trong mình bản sắc riêng. Người nghệ sĩ chơi với gốm đòi hỏi phải đầy bản lĩnh. Tuy vậy, khi đã hòa hợp được với chất liệu rồi thì những nghệ sĩ hiện đại có thểtạo nên sức nặng kỳ lạ bởi tính truyền thống và hiện đại được hòa quyện trong tác phẩm.

18 nghệ sĩ tham gia “Gốm Tết 2021”

Ceramic Art Space (232 Giang Cao, Bát Tràng, Hà Nội) là một không gian nghệ thuật của gia đình nghệ sĩ Lê Anh Vũ- con trai của nghệ nhân gốm - nhà điêu khắc Lê Quang Chiến, người đã ấp ủ việc tạo lập một không gian giao lưu cho các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, mong muốn mang đến hơi thở mới, sức sống mới và những góc nhìn khác cho chất liệu gốm trong không gian làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng.

Triển lãm Gốm Tết đã bước sang mùa thứ 3, là 1 cuộc chơi thường niên của các nghệ sĩ chuyên và không chuyên với chất liệu gốm.

Gốm Tết 2021 có sự tham gia của 18 nghệ sĩ: Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Hoàng Mai Thiệp, Trần An, Thái Nhật Minh, Phạm Thái Bình, Lê Thị Hiền, Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Huy Tính, Nguyễn Duy Mạnh, Phạm Hà Hải, Trịnh Vũ Hiếu, Lê Anh Vũ, Vũ Đình Tuấn, Lương Trịnh, Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Trọng Tri, Đỗ Hiệp.

Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm