08/12/2020 06:54 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm cá nhân Chân dung nệm của Hoàng Thanh Vĩnh Phong đang diễn ra tại Vicas Art Studio (32 Hào Nam, Hà Nội), giới thiệu 17 tác phẩm, trong đó có 15 tác phẩm hình tấm nệm. Có thể nói đây là một trong vài triển lãm nghệ thuật đương đại đáng chú ý trong năm 2020.
Mới nhìn vào, dễ bị thị giác đánh lừa đây là những tấm nệm thật. Nhưng thực chất đó là những tấm gỗ ghép được nghệ sĩ điêu khắc và sử dụng chất liệu sơn ta làm chúng giống như tấm nệm cũ, từ kích thước đến hình dáng. Không hề dừng lại ở mức độ duy mỹ, mỗi tác phẩm trong triển lãm chuyển tải những ý niệm về hiện thực, về nội tâm của người nghệ sĩ trước những chuyển biến và va đập với đời sống xã hội.
Câu chuyện từ những tấm nệm
Trước hết nên nhìn lại cái tên Chân dung nệm. Đây không phải là một tấm nệm cụ thể hoặc cái giường chung chung. Đây là những tấm nệm được đánh số, với phụ chú là những ý nghĩa được cài cắm như hoa hướng dương, màu áo lính, vụ đụng xe...
Hoàng Thanh Vĩnh Phong thuộc thế hệ sinh ra trong giai đoạn chiến tranh ác liệt và lớn lên trong bối cảnh hậu chiến, đời sống kinh tế lúc ấy hết sức khó khăn. Lúc ấy, nệm vốn chỉ dành cho những gia đình khá giả, đặc biệt ở thành thị mới phổ biến, chứ vùng nông thôn thì rất ít. Có thể nói, từ khi xuất hiện ở xã hội Việt Nam, nệm thường chỉ dành cho tầng lớp tư sản và tiểu tư sản.
Từ đây, nghệ sĩ kể một câu chuyện mà mình là nhân tố chịu nhiều tác động, đã sống và bị rất nhiều sang chấn của thời đại. Cho nên, những tấm nệm, về bản chất sâu xa, cũng là những tấm gương phản chiếu ý thức hệ và sự hồi vọng kéo dài từ quá khứ đến hiện tại. Đến thời hiện tại, nghệ sĩ mới mở rộng câu chuyện nệm, đi vào nhiều hoàn cảnh và nhiều tình huống hơn.
Nệm là của êm ái, nhưng người nằm trên nó có thật sự được một giấc êm ái hay không? Có thật sự khi ngủ ai “cũng hiền” như nhau hay không? Những truy vấn đó, đang được nghệ sĩ lần lượt vạch ra các gạch đầu dòng cho các câu trả lời, bằng chính các tác phẩm của mình.
Trong hàng chục tấm nệm được treo lên ở triển lãm này, ta có thể thấy ở đó những hiện diện riêng tư của những chủ nhân vắng mặt đang được trưng ra. Đó là tấm nệm đầy bong bóng của một đứa trẻ, tấm nệm của một cụ già, của một người hòa khí dịu dàng, của một người bị ám ảnh với những tai nạn giao thông, biến cố nơi cuộc sống ban ngày, những ám ảnh nơi tiềm thức của một cựu binh… Nệm thành những cái nhìn của tâm tưởng.
Nhìn tổng thể, những tấm nệm là hành trình của êm ái, dằn vặt và giấc mơ tái hiện về những suy tư, trăn trở khôn nguôi. Đây vừa là một sự giễu nhại, nhưng đầy tính nghiêm túc, vừa là một dạng tự xem xét lại chính mình, với vô số câu hỏi và tự vấn. Tấm nệm, vốn là chốn nghỉ ngơi, tạm gác lại những lo lắng, bây giờ biến thành nơi để chất vấn, để ghi dấu một lịch sử cá nhân nào đó.
Hành trình chưa điểm dừng
Hoàng Thanh Vĩnh Phong khởi sự loạt Chân dung nệm bằng 3 tác phẩm sơn mài thể nghiệm tại triển lãm Thiên đường đã mất của anh ở Sài Gòn hồi 2017. Và đến nay, anh tiếp tục khẳng định mình sẽ làm 1.000 chân dung nệm. Tất nhiên đây là một con số ước lệ, để chỉ rằng họa sĩ sẽ theo đuổi ý niệm này trong nhiều năm, thậm chí suốt phần đời còn lại.
“Vui tươi, hạnh phúc, bình an, cũng có khi tang thương, buồn khổ. Tất cả nói lên sự vô thường của cuộc đời. Nhưng mặc dầu ở trong trạng thái nào, tôi cũng mong muốn tác phẩm nệm toát lên sự bề thế, vững chắc, trang nghiêm và sang trọng, để khi ngắm nhìn chúng, trong ta cảm thấy yêu đời và lạc quan hơn” - Hoàng Thanh Vĩnh Phong chia sẻ.
Vừa quan sát, vừa suy tư, vừa tái hiện bằng một cách làm nhất quán mà không gây cảm giác lặp lại, nhàm chán, là một việc làm hết sức khó. Kết hợp kỹ thuật sơn ta, nghề mộc của cha, nghề may của mẹ, Vĩnh Phong đang kiếm tìm chính mình trong nghệ thuật đương đại. Với Chân dung nệm, anh mở rộng biên giới của những định kiến lâu nay về tiêu chuẩn, về giới hạn của sơn mài truyền thống. Có lẽ, như nhà phê bình nghệ thuật Marc Jimenez từng viết: “Các tác phẩm nghệ thuật quan trọng thì luôn không ngừng vượt khỏi những tiêu chuẩn hiện thời. Chính chúng sẽ tạo ra các tiêu chí…”.
Có thể Vĩnh Phong không cố ý tạo ra các tiêu chí mới, nhưng chí ít, như anh chia sẻ: “Sáng tạo không phải cứng nhắc. Đôi khi nó lái ta sang những hướng khác, những chiều kích sâu rộng hơn, hoặc cũng là sự giản lược nhẹ nhàng hơn những gì ta suy tưởng”.
Quan niệm trên của anh đối chiếu với những tác phẩm của Chân dung nệm khá hài hòa. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng, trừu tượng gợi mở, một phản chiếu của bất an và bất toàn, đầy thách thức, nhưng không độc đoán. Chính sự không độc đoán, không cực đoan này sẽ giúp cho Hoàng Thanh Vĩnh Phong có được hoa thơm cỏ lạ trên hành trình nghệ thuật dài và rộng của mình.
Triển lãm Chân dung nệm kéo dài đến ngày 17/12/2020, vào cửa tự do.
Văn Đồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất