Toyota Classics 2016: Cổ điển 'tươi mới', Tùng Dương 'khác lạ'

04/11/2016 12:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/11 tới, đêm nhạc Cổ điển Toyota sẽ trở lại Việt Nam. Năm nay là năm thứ 19 thương hiệu âm nhạc này được tổ chức tại mảnh đất hình chữ S. Và cũng là mốc của chặng đường 27 năm “Âm nhạc lay chuyển cuộc sống” trên toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

1. Chủ đề năm nay có tên gọi “Giao hưởng giao thoa”. Theo đó, công chúng yêu  cổ điển sẽ có cơ hội thưởng thức những kiệt tác opera bất hủ của các nhà soạn nhạc lừng danh Puccini, Verdi và Bizet được nghệ sỹ Pamela Tan Nicholson biên soạn lại, mang tinh thần giao hòa giữa âm hưởng cổ điển và hiện đại như: Chuyện nàng Turandot, Hồ điệp truyện, Câu chuyện của Carmen, Cùng nâng ly và ca hát.

Cần phải nói rõ hơn về Pamela Tan Nicholson. Bà là mẹ của vĩ cầm thủ danh tiếng Vanessa Mae. Từ đó đến nay bà nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao bởi cách cải biến đầy táo bạo và gây nhiều tranh cãi đối với âm nhạc cổ điển mà ví dụ rõ nhất chính là phong cách nghệ thuật của con gái bà, nghệ sĩ Vanessa Mae khi Pamela đã tạo nên thể loại khí nhạc kết hợp giữa Techno và Acoustic cho con gái của mình. Phong cách nghệ thuật của Pamela lúc nào mang tính cầu nối giữa truyền thống và những yếu tố đương đại.

Chính vì thế, có thể xem chương trình năm nay cũng mang đầy ắp không khí tươi mới, lần này là trong không gian của opera.


Bộ đôi Pamela Tan Nicholson - Vasko Vassilev từng khuấy động tưng bừng Nhà hát TP.HCM tại Toyota Classics 2014

Không những vậy, sự xuất hiện của dàn nhạc giao hưởng Baltic Neopolis cũng tạo nên nhiều sự tò mò thú vị. Đây là một trong những dàn nhạc độc đáo bậc nhất của Ba Lan, nhận được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật với đội ngũ nòng cốt không ngừng theo đuổi những chuẩn mực hoàn hảo trong âm nhạc cổ điển và cả những cách tân mới đem lại hơi thở mới cho cổ điển.

Năm 2015 dàn nhạc này nhận được giải Grammy Ba Lan dành cho Album Âm nhạc Tốt nhất. Người chỉ huy dàn nhạc này không ai khác chính là nhạc trưởng kiêm nghệ sĩ violin Vasko Vassilev.

Bên cạnh đó, năm nay khách mời đặc biệt của Toyota Classics là nam ca sĩ Tùng Dương.

Tùng Dương không phải là nhân vật lạ lẫm với những chương trình hòa nhạc cổ điển. Khá nhiều năm anh đã tham gia chương trình Điều còn mãi hay cũng đã từng tham gia Toyota Concert và được đánh giá rất cao khi trình diễn 2 ca khúc được chuyển thể sang không gian thính phòng là Trường ca Sông Lô Chiếc khăn piêu.

Năm nay, lần đầu tiên Tùng Dương sẽ đem đến một không gian âm nhạc khá mới mẻ và “lạ” với nhiều người. Anh sẽ trình diễn 2 ca khúc mang đầy tính đương đại là Độc đạoMắt đêm nhưng lần này sẽ được hòa âm mới cho đúng với không gian cổ điển. Tuy vậy Tùng Dương cho biết “sẽ rất khác lạ và không giống với những lần biểu diễn trước đây”.

2. Trong hơn 1/4 thế kỷ qua, kể từ khi mở cửa, âm nhạc Việt Nam đón nhận rất nhiều làn gió mới, mà nổi bật nhất là âm nhạc đại chúng. Từ 1990 đến nay có rất nhiều gương mặt pop, rock từ Âu đến Á đã đến Việt Nam và tạo nên một diện mạo âm nhạc mới mẻ thế. Thế nhưng cổ điển vẫn luôn là dòng nhạc bị xếp sau cùng vì thiếu sân chơi và thiếu những gương mặt đẳng cấp đến đây.

Việt Nam thời điểm ấy vẫn còn thiếu vắng những bữa tiệc âm nhạc cổ điển. Sự phát triển của dòng nhạc này luôn bị ngắt quãng bởi chiến tranh. Có những lúc nó rất phát triển tại Hà Nội, cái nôi của cổ điển Việt Nam nhưng rồi lại âm thầm đi sau những dòng nhạc khác.

Đã có những dòng hải lưu cổ điển xuất hiện mà phát pháo đầu tiên mang tên Hennessy Concert (1996) với sự xuất hiện của cây cello trứ danh Rostropovich, giọng soprano của nữ danh ca người Mỹ Barbara Bonney hay tiếng đàn của thần đồng dương cầm Trung Quốc, Lang Lang… Ngay sau đó, vào năm 1997, sau 7 năm vòng quanh châu Á, lần đầu tiên thương hiệu Toyota Classics đã đến Việt Nam.

Ngày 21/11/1997, khi nhạc trưởng Mats Liljefors cùng nghệ sỹ sáo Anna Norberg cùng Dàn nhạc thính phòng Hoàng gia Thụy Điển đến Việt Nam trong đêm Toyota Classics đầu tiên thì lập tức chương trình trở thành sự kiện văn hóa của năm.

Đêm nhạc Toyota Classics 2016 sẽ diễn ra một đêm duy nhất vào lúc 20h ngày 11/11 tại Nhà Hát TP. HCM.

Nó càng được mong chờ hơn khi năm ấy, lần đầu tiên nghệ sỹ Đặng Thái Sơn về biểu diễn tại quê nhà. Nhà hát Lớn Hà Nội lúc ấy không còn một chỗ trống, vé chợ đen đội giá đến mức kỷ lục. Chưa bao giờ cổ điển lại được mong chờ đến vậy.

Từ đó trở đi, những đêm hòa nhạc của Toyota Classics trở thành thánh đường của công chúng mê cổ điển và mở thêm biên độ người nghe.

Không chỉ thế, thương hiệu âm nhạc này còn tạo cơ hội cho rất nhiều tài năng Việt Nam được biểu diễn và học hỏi từ các nghệ sĩ và dàn nhạc xuất sắc nhất thế giới, góp phần ươm mầm cho các thế hệ tài năng âm nhạc Việt Nam vươn tầm thế giới, từ Nguyễn Hữu Nguyên, Lê Hoài Nam, Bùi Công Duy cho đến Phạm Thị Duyên Huyền, Nguyễn Hương Ly… Chưa kể NSND Đặng Thái Sơn, NSND Ngô Hoàng Quân đã khá nhiều lần góp mặt trong chương trình này.

Toyota Classics được yêu mến và có sức sống đến giờ này nhờ vào chất lượng của những người thực hiện và sự kết hợp khéo léo giữa những tinh hoa cổ điển và những giá trị mới đang được ươm mầm. Nói cách khác, thương hiệu này không làm công chúng bị đẩy ra xa. Trái lại, nó giảm bớt khoảng cách giữa công chúng mọi tầng lớp với nhạc cổ điển.

N. Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm