Toàn văn bài phát biểu của Trưởng BTC Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020

29/09/2020 17:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều nay (29/9), tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Số 5 - Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã tổ chức Lễ trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020.

Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020: 1 giải 'Hiệp sĩ Dế Mèn' và 4 giải 'Khát vọng Dế Mèn' vẫn là quá... ít

Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020: 1 giải 'Hiệp sĩ Dế Mèn' và 4 giải 'Khát vọng Dế Mèn' vẫn là quá... ít

Những tác phẩm ấy đều rất xứng đáng được trao giải, nhưng thật tiếc là số lượng giải buộc phải tiết chế. Một lần nữa xin chúc mừng báo Thể thao và Văn hóa, chúc mừng các tác giả đoạt giải và chúc mừng tất cả chúng ta.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng Ban tổ chức giải thưởng:


Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) Lê Xuân Thành phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

 

Kinh thưa quý vị khách quý,

Hôm nay, tại Lễ trao giải này, cùng với các vị đại biểu khách mời, các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo, còn có rất nhiều các em thiếu nhi. Cho nên cho phép tôi được thực hiện đúng tôn chỉ “vì thiếu nhi” của Giải thưởng, đó là phát biểu thật ngắn gọn, bớt đi các nghi thức xã giao, để giữ gìn sự hồn nhiên, vô tư của một buổi lễ thực sự lấy “thiếu nhi” làm trung tâm.

Thưa quý vị!

Chuẩn bị một giải thưởng rồi phát động một giải thưởng giữa hai đợt dịch, và đến tận buổi lễ trao giải này, chúng tôi vẫn phải rất nghiêm túc tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch. Ấy vậy mà chỉ sau 4 tháng, chúng tôi đã nhận được hơn 100 tác phẩm, chùm tác phẩm gửi đến, trong đó có những kịch bản sân khấu, vở diễn, truyện dài, tập truyện ngắn hàng trăm trang, hầu hết còn ở dạng bản thảo. Ít nhất có 3 trong 5 tác phẩm được trao giải năm nay đã được sáng tác khi tác giả của chúng phải nghỉ dịch ở nhà.

Đó là một minh chứng cho cái gọi là “Nghệ thuật kiên cường” – như tên gọi của chiến dịch mà UNESCO đang phát động (ResiliArt). Tôi muốn gọi đó là phẩm chất hiệp sĩ của nghệ thuật. Và đáng kinh ngạc hơn là 2 trong số đó là các em thiếu nhi. Tôi không biết có quá nồng nhiệt không khi gọi các em là thần đồng, nhưng tôi tin vào điều đó.

1 giải Hiệp sỹ Dế Mèn và 4 giải Khát vọng Dế Mèn được trao trong mùa giải đầu tiên vẫn là quá ít so với mong muốn của Hội đồng giám khảo, khi từ hơn 100 tác phẩm dự thi, Ban sơ khảo và Hội đồng Giám khảo đã chọn được 12 tác phẩm rất tốt vào vòng cuối cùng. Những tác phẩm ấy đều rất xứng đáng được trao giải, nhưng thật tiếc là số lượng không thể nhiều hơn nữa.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Nguyễn Đức Lợi trao Giải "Hiệp sĩ Dế mèn" cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả truyện dài "Làm bạn với bầu trời". Ảnh: Hòa Nguyễn
 

Chỉ qua một mùa giải nhưng chúng tôi đã xua đi được một nỗi lo ngại từ khi ấp ủ ý tưởng thành lập giải. Ấy là nỗi lo: liệu có đủ tác phẩm cho thiếu nhi để mình trao giải hay không?

Ngay từ mùa giải đầu tiên này đã cho thấy một thực tế là, lực lượng sáng tác cho thiếu nhi của chúng ta không hề ít ỏi hay mờ nhạt, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Có thể chúng ta chưa có những đỉnh cao “xuất chúng” ngay, nhưng một mặt bằng chung, với những tác phẩm đáng đọc, đáng nghe, đáng xem là khá nhiều, đến mức làm đau đầu Hội đồng giám khảo khi phải “nâng lên đặt xuống” số lượng giải cho mùa đầu tiên.

Tác giả Nguyễn Chí Ngoan (áo trắng) và nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung (vest xanh) cùng nhận giải 'Khát vọng Dế Mèn. Ảnh: Minh Anh
 

Và như thế, dường như bức tranh nghệ thuật thiếu nhi cần phải được nhìn từ cả hai phía, trong đó có phía công chúng: Liệu các độc giả chúng ta đã biết tắt bớt các phương tiện nghe nhìn giải trí ồn ào của thời đại 4.0 để tìm đọc, tìm nghe, tìm xem các sáng tác, trình diễn nghệ thuật đích thực cho thiếu nhi mang tinh thần hiệp sĩ vẫn đang “kiên cường” trỗi dậy, bất chấp sự khắc nghiệt của thị trường nghệ thuật?

Đó là câu hỏi tôi đã đặt cho bản thân tôi, cho gia đình tôi trong quá trình tổ chức và chấm giải Dế Mèn và giờ đây tôi muốn đặt ra với toàn thể quý vị. Đa số chúng ta có thể không phải là những văn nghệ sĩ có khả năng sáng tác cho thiếu nhi, nhưng bằng thái độ trân trọng, bằng việc dành thời gian thưởng thức và bằng gu tiêu thụ nghệ thuật của mình, chúng ta có thể góp phần quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, vào việc thúc đẩy mảng sáng tác này.

Ban tổ chức trao giải Khát vọng Dế Mèn cho họa sĩ nhí Nguyễn Đới Chung Anh. Ảnh: Hòa Nguyễn
 

Đó là tinh thần làm việc không mệt mỏi của Hội đồng giám khảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Lê Linh, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh dù ở hai đầu Bắc Nam, nhưng đã tổ chức tới 3 cuộc họp trực tuyến để thảo luận về giải thưởng và dám chịu trách nhiệm trước những sự lựa chọn rất thẳng thắn của mình như quý vị sẽ thấy trong phần công bố Giải thưởng.

Điều tôi vui mừng nhất ở Giải thưởng này, bên cạnh sự kiên cường của nghệ thuật là tinh thần Hiệp sỹ của những người tham gia giải thưởng và đồng hành với giải thưởng. Đó là những thành viên trong Ban sơ khảo như nhà báo, nhà thơ Đỗ Doãn Phương, nhà báo Nguyễn Thanh Bình, nhà văn Nguyễn Trương Quý đã đọc, đã xem, đã nghe một khối lượng đồ sộ các tác phẩm dự giải trong một thời gian khá ngắn, đồng thời còn chủ động để tìm kiếm các phẩm tốt để đưa vào vòng trong.

Tác giả Cao Khải An (thứ 2 từ phải qua) nhận giải Khát vọng Dế Mèn. Ảnh: Hòa Nguyễn
 

Đó là các nhà tài trợ, bảo trợ với xuất hiện ở trên phông ở kia đã sát cánh cùng chúng tôi trong bối cảnh dịch Covid-19 còn gây ra những khó khăn chung. Và vô cùng nghĩa hiệp nữa là việc gần 20 họa sỹ, nhà sưu tập nổi tiếng, có thể nói là đắt giá trên thị trường mỹ thuật hiện nay, đã tình nguyện ủng hộ tranh vì sự phát triển của giải Dế Mèn.

Xin cảm ơn tất cả các quý vị. Ngay sau đây tôi tuyên bố khai mạc Lễ trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, một Lễ trao giải sẽ mang đậm tinh thần “Hiệp sỹ vì tuổi thơ”.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 1 - 2020

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm